Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vén màn môn võ lạ chuyên dùng côn nhị khúc tỉ thí trên võ đài, chỉ có ở Việt Nam

Đây có lẽ là một trong những môn phái võ thuật có tính chất sát thương cao bậc nhất trên thế giới.

Ở Việt Nam vốn có hàng trăm môn phái võ thuật, mỗi môn phái lại có những bài binh khí khác nhau. Song, nếu để chọn ra một phái võ chuyên đánh bằng binh khí ở nước ta thì có lẽ chỉ có một võ phái duy nhất, đó là Đức Nam - Nhị khúc côn.

Môn võ "độc nhất vô nhị" trên thế giới

Khác với những môn phái khác thì Đức Nam - Nhị khúc côn chuyên tập luyện, thi đấu bằng côn nhị khúc và 4 loại biến thể khác.

Theo HLV Phạm Đăng Khoa, ở võ phái Đức Nam - Nhị khúc côn thì côn nhị khúc là binh khí có tính chất sát thương rất cao, thế nên để đảm bảo độ an toàn trong tập luyện và thi đấu, võ phái này phải xây dựng một hệ thống chặt chẽ riêng biệt, khác hẳn với các môn phái khác nhằm bảo đảm độ an toàn, tránh chấn thương cho môn sinh và các võ sĩ.

Đức Nam Nhị khúc côn là môn võ duy nhất ở Việt Nam chuyên tập luyện về một loại binh khí. 

"Thi đấu đối kháng Đức Nam - Nhị khúc côn không dùng côn bằng gỗ hoặc kim loại mà dùng côn mút xốp với trọng lượng chỉ 80gam (do chính HLV Phạm Đăng Khoa sáng chế) để đảm bảo độ an toàn. Khi thi đấu có đội mũ bảo hiểm có kính hoặc lưới bảo vệ mắt. Rèn luyện và thi đấu bằng côn mút xốp như thế mới có thể tránh được tình trạng gặp chấn thương bởi tính tính chất sát thương của loại hình côn nhị khúc là rất nguy hiểm.

Với sự cẩn trọng, cân nhắc về phương pháp huấn luyện, luật thi đấu… Nên từ ngày mới thành lập (2013) đến nay chưa có trường hợp võ sĩ nào bị chấn thương sau 3 giải thi đấu đối kháng.

Trong quá trình tập luyện, chất liệu côn sẽ được điều chỉnh theo cấp độ, trình độ và sự tu dưỡng của từng môn sinh mà chuyển dần sang chất liệu khác như nhựa, gỗ, kim loại.

Khi thi đấu đối kháng, các võ sĩ sẽ dùng côn nhị khúc mút xốp để thi đấu ghi điểm. Luật thi đấu chia thành ba khu vực ghi điểm. Khu vực 1 điểm là tay, chân. Khu vực 2 điểm là thân mình và khu vực 3 điểm là đầu. Một trận đấu có 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút.

Đặc biệt, thi đấu đối kháng, các võ sĩ sẽ đánh theo hạng mức chiều cao (do đặc thù thi đấu võ khí, nên lợi thế chiều cao được cân nhắc) chứ không như thi đấu quyền cước đánh theo hạng cân như các môn võ khác"- HLV Phạm Đăng Khoa chia sẻ với chuyên trang Trí Thức Trẻ, báo điện tử Tổ Quốc.

HLV Phạm Đăng Khoa (thứ ba từ trái qua) và một số đồng môn.

Về đặc trưng kỹ thuật của môn phái, HLV Phạm Đăng Khoa cho biết: "Với môn phái Đức Nam - Nhị khúc côn, các môn sinh sẽ tập luyện tổng cộng 5 loại hình võ khí Nhị khúc côn. Đó là Nhị khúc côn phổ thông; Nnhị khúc trường côn; trường Thiết lĩnh; đoản Thiết lĩnh và Néo.

Trong 5 loại võ khí nói trên thì mỗi kiểu loại lại có những đặc trưng riêng, cho nên không có loại hình nào khó hơn hay dễ hơn. Tuy nhiên, cây Nhị khúc côn phổ thông vẫn chiếm tỷ trọng thời gian huấn luyện nhiều nhất.

Hệ thống kỹ thuật của võ phái rất đa dạng. Thế căn bản ngoài các thế tay - chân không, môn sinh còn rèn thêm các thế có sử dụng côn nhị khúc như các bộ Chọc côn; bộ Gạt côn; bộ Bạt côn; bộ Chuyền côn, ngoài ra còn có hệ thống rèn luyện các kỹ năng phô diễn như loan côn; lăn côn; tung côn.v.v….

Cao cấp hơn sẽ là các bài đơn luyện gồm đơn đòn, liên đòn và các bài quyền. Ngoài ra có các bài song luyện, đa luyện giữa côn nhị khúc với đoản côn, với trường côn, kiếm, côn nhị khúc hoặc dùng côn nhị khúc đánh với nhiều người dùng tay không hoặc các loại binh khí khác.

Thực tế, võ cổ truyền Việt Nam có đủ "thập bát ban võ nghệ" trong đó có côn nhị khúc. Trên thế giới thì một số môn khác cũng dùng côn nhị khúc như Teakwondo, Karate, Triệt Quyền Đạo… nhưng trên thế giới, số môn phái chuyên về một loại binh khí cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Như võ phái Đức Nam - Nhị khúc côn của Việt nam chuyên về côn nhị khúc, Kendo của Nhật Bản chuyên về kiếm tre, Arnis của Philippines chuyên đánh gậy…".

Do tính sát thương rất cao của côn nhị khúc nên trong đối kháng, các võ sĩ phải dùng loại làm bằng mút xốp.

Tính thực chiến của Đức Nam Nhị khúc côn ra sao?

HLV Phạm Đăng Khoa lý giải về tính thực chiến của Đức Nam Nhị khúc côn: "Nếu xét riêng trong thi đấu đối kháng, do đặc thù thi đấu bằng côn xốp nên thắng thua sẽ được căn cứ vào điểm số chứ không có thắng thua knock-out.

Tuy nhiên, việc chỉ tính điểm khi thi đấu không đồng nghĩa với việc môn sinh không cần phải rèn thể lực nhiều, mà ngược lạ cần phải gia tăng gấp bội. Bởi các môn sinh bắt buộc rèn luyện võ thuật thể chất cả quyền cước giống như các môn võ khác. Trong quá trình rèn luyện và dự thi cấp, đẳng môn sinh phải đồng đều cả hai phần quyền cước và nhị khúc côn".

"Một số người thường đặt ra câu hỏi rằng Đức Nam Nhị khúc côn có điểm gì khác so với cách đánh côn nhị khúc của Taekwondo, Karate hay của Lý Tiểu Long… Về cơ bản, kỹ thuật, đòn thế của võ phái này cơ bản dựa trên kỹ thuật của côn nhị khúc có trong các môn phái như Karate, Taekwondo, võ cổ truyền Việt Nam, võ gậy của Philippines… sau đó phát triển lên một mức cao hơn với đầy đủ hệ thống các bài tập từ thấp đến cao.

Đức Nam - Nhị khúc côn được phát triển dựa trên nguyên lý một phát triển thành ba, nghĩa là sự ứng biến linh hoạt chứ không tuân theo khuôn mẫu nhất định.

Côn nhị khúc ở võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn không chỉ có 1 kiểu côn ngắn như người ta thường thấy diễn viên Lý Tiểu Long biểu diễn trên phim ảnh mà còn thêm những loại hình côn với kích thước khác hẳn. Tất nhiên, nếu để áp dụng trong tự vệ hoặc chiến đấu thì tính thực chiến, độ sát thương của Đức Nam nhị khúc côn là rất cao nhưng môn phái luôn đặc biệt coi trọng đến yếu tố võ đức để rèn luyện, giáo dục các võ sinh của mình".

Côn nhị khúc là binh khí lợi hại nếu được áp dụng ngoài thực chiến.

HLV Phạm Đăng Khoa cho biết Đức Nam - Nhị khúc côn thật sự hiệu quả trong chiến đấu hoặc tự vệ, nhưng đó không phải là cái đích cuối cùng mà các môn sinh hướng đến.

"Đức Nam - Nhị khúc côn ngoài là một môn võ dùng để rèn luyện và thi đấu, thì quan trọng hơn Đức Nam – Nhị khúc côn là sản phẩm văn hoá truyền thống do người Việt sáng lập. Thế nên, tất cả các môn sinh luôn được giáo dục về tinh thần thượng tôn võ đạo, tôn trọng pháp luật, cũng như tinh thần tôn sư trọng đạo.

Nhìn chung, với các môn sinh được rèn luyện bài bản thì việc áp dụng kỹ thuật đánh côn nhị khúc trong chiến đấu thực tế sẽ là rất hiệu quả.

Song, thời đại ngày nay, các môn võ dần được thể thao hóa và bây giờ là thời đại của học vấn, của công nghệ nên mục tiêu lớn nhất của các môn sinh trong võ phái vẫn là dùng võ thuật để rèn luyện thể chất, nhân cách, góp phần gìn giữ và quảng bá một nét văn hóa cổ truyền của người Việt ra bạn bè thế giới. Đó mới là cái đích lớn nhất mà chúng tôi muốn hướng tới".

Nguồn: Tổ Quốc

Tin mới