Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam hiện tại sản sinh ra những trung vệ xuất sắc như "chuyên gia bắt Tây" Trần Đình Trọng, người không phổi Đỗ Duy Mạnh, thủ lĩnh tinh thần kiệt xuất như Bùi Tiến Dũng hay Quế Ngọc Hải... ở trung tâm hàng phòng ngự, không ai quên cựu tuyển thủ Vũ Như Thành - trung vệ được cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam, Henrique Calisto đánh giá là "trăm năm có một" của bóng đá nước nhà.
Vũ Như Thành là mẫu cầu thủ "trăm năm có một" của bóng đá Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Tú).
Thừa nhận dấn thân vào sự nghiệp quần đùi, áo số theo cách không hề êm ả mà tự bản thân ví là "trưởng thành trong khói lửa", Vũ Như Thành không ngần ngại chia sẻ "những câu chuyện phía sau", khiến các cầu thủ trẻ thời điểm bấy giờ bị dồn ép từ chính các đàn anh và cả sự phân biệt với các cầu thủ "ngoại tỉnh".
"Tôi là trai Nam Định, nhà phố Hai Bà Trưng, 14 tuổi đã vào lò đào tạo trẻ của CLB tỉnh. Năm 16 tuổi, thấy chú Đặng Gia Mẫn đưa hai con trai là Đặng Phương Nam và Đặng Thanh Phương gia nhập Thể Công, tôi cùng gia đình quyết định làm theo. Lúc đó ai chẳng mê Thể Công, một đội bóng quân đội có tiếng, với rất nhiều hảo thủ khoác áo đội tuyển quốc gia.
Tôi tập luyện ở Nam Định nhưng chưa ký hợp đồng gì cả nên đi được. Tuy nhiên, chuyện kiện cáo khiến tôi bị cấm thi đấu một năm. May là lúc đó mới ở đội trẻ, chưa có nhiều giải để đá nên không bị sốc. Bị cấm thi đấu không ảnh hưởng nhiều bởi tôi vẫn tập luyện bình thường", Thành "kếu" nhớ lại khởi đầu đầy "giông bão" của cuộc đời cầu thủ nhiều thăng trầm của mình.
Vũ Như Thành từng kinh qua 7 CLB khi thi đấu chuyên nghiệp và luôn biết cách tỏa sáng trong màu áo ĐT Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Tú).
"20 năm bóng đá Việt Nam mới có một người như Lê Công Vinh, 50 năm mới có một người như Nguyễn Hồng Sơn nhưng phải hơn 100 năm mới sản sinh ra được Vũ Như Thành thứ hai", câu nói của "thầy phù thủy" Calisto có lẽ là tóm tắt đúng nhất về cuộc đời cầu thủ của Vũ Như Thành.
Ngoài khả năng chuyên môn xuất chúng "miễn bàn" và không ai có thể phủ nhận, Thành "kếu" còn nổi bật khi "kinh qua" tới 7 CLB chuyên nghiệp trong sự nghiệp, từ Thể Công, Bình Dương, Hải Phòng... trước khi giải nghệ trong màu áo Phù Đổng.
Những khoản "lót tay" khủng từ những phi vụ chuyển nhượng trong 7 lần chuyển đội đó giúp Như Thành có trong tay hàng chục tỷ đồng. Với tổ chất thông minh, nhạy bén như cách trung vệ này thể hiện mình trên sân cỏ, Thành "kếu" nhanh chóng biết cách kiếm tiền bên ngoài sân cỏ khi đã có vốn như đầu tư bất động sản và nhanh chóng trở thành hình mẫu mơ ước của các cầu thủ.
"Tôi kiếm được tới 50 tỷ từ những năm 2000. Tiền nhiều nhưng tôi quản lý kém, cùng việc sa ngã vào con đường sai trái nên tất cả tài sản ra đi nhanh lắm, đến bây giờ nhiều người vẫn không thể quên hình ảnh Vũ Như Thành tiêu tiền tỷ mỗi đêm hay thường bị dân xã hội đen kéo tới đòi nợ", Thành "kếu" ngậm ngùi nhớ lại quá khứ "ăn chơi" của mình.
Như Thành theo kèm Ronaldinho. (Ảnh: Tuấn Tú).
Không ai quên những chiến tích của Vũ Như Thành ở cấp CLB và đặc biệt là trong màu áo ĐT Việt Nam như lên ngôi vô địch AFF Cup 2008 hay đối đầu những vũ công Samba Brazil cũng trong năm đó với hàng loạt tên tuổi hàng đầu của bóng đá thế giới gồm Ronaldinho, Pato, Marcelo...
Và cũng không ai quên những "nốt trầm" trong sự nghiệp của cầu thủ lắm tài, nhiều tật Vũ Như Thành. Sau khi bị treo giò 1 năm trong vụ lùm xùm chuyển nhượng từ Nam Định tới Thể Công, thì Thành "kếu" từng bị cấm thi đấu 5 năm (sau được giảm án còn 2,5 năm) vào cuối năm 2003 do dính líu tới tiêu cực tại cúp giao hữu JVC.
Cựu danh thủ Vũ Như Thành bên các học trò nhí ở Trung tâm bóng đá cộng đồng Star Football. (Ảnh: Ngọc Duy).
Tư duy chơi bóng thông minh giúp Như Thành thể hiện mình trên sân cỏ, bất chấp cả trong thời gian trượt dài trên con đường ăn chơi, sa ngã. Thành "kếu" cũng là một trong những cầu thủ hiếm hoi của bóng đá Việt Nam thi đấu chuyên nghiệp dài hơi nhất và chỉ giải nghệ năm 2017, khi đã ở tuổi 36.
Chia tay sư nghiệp quần đùi áo số nhưng duyên của cầu thủ sinh năm 1981 với bóng đá vẫn chưa hết. Như Thành không theo nghiệp HLV mà mở một Trung tâm bóng đá cộng đồng với tên gọi Star Football.
"Tôi chọn cách mở trung tâm bóng đá không hẳn vì quá thiếu thốn về kinh tế như mọi người vẫn nói. Ba năm khoác áo Tây Ninh từ năm 2014-2016, thu nhập không cao như trước nhưng tôi cũng đủ trang trải cuộc sống, không đến mức túng thiếu. Tôi có nhà, có xe, như vậy đâu phải tệ. Nhưng từ khi có con trai ba năm trước, tôi thật sự muốn làm lại cuộc đời. Việc ăn chơi đã đến lúc dừng lại. Đây là cách tôi làm lại tất cả", Thành "kếu" chia sẻ.