Lúc 8h55 (giờ Hà Nội) ngày 18/1, vệ tinh MicroDragon của Việt Nam đã tách thành công khỏi tên lửa Epsilon số 4 của Nhật Bản, đi vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian, theo thông cáo của Trung tâm vũ trụ Việt Nam (VNSC). Trong lần phóng này, cùng với MicroDragon, 6 vệ tinh khác của Nhật Bản cũng tách thành công khỏi tên lửa đẩy.
Tên lửa Epsilon số 4 được điểm hỏa và phóng lên quỹ đạo vào lúc 7h50 phút đưa 7 vệ tinh vào không gian. Trong đó, sáu vệ tinh của Nhật gồm: vệ tinh nhỏ của JAXA (200 kg); 3 vệ tinh dòng micro (60 kg) của Đại học Tohoku, ALE-1 (68 kg) của công ty ALE và 3 vệ tinh lớp cubesat (4 kg) và một số vệ tinh khác nặng từ 1 đến 3 kg.
Vào thời điểm này chia sẻ với VTC News, ông TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm vũ trụ Việt Nam (VNSC) cho biết vẫn còn lo lắng và hồi hộp lắm, vì phải đợi vệ tinh của Việt Nam tách ra khỏi tên lửa đẩy và hoạt động tốt trong không gian nữa mới có thể coi là thành công được.
Sau khoảng 52 phút vào không gian, tên lửa bắt đầu thả các vệ tinh mà nó mang theo vào quỹ đạo. Vệ tinh MicroDragon là vệ tinh thứ 3 được thả vào không gian, sau khi rời khỏi mặt đất 1 tiếng 5 phút. Vệ tinh cuối cùng được thả ra là vệ tinh NEXUS sau 1 tiếng 10 phút.
(Video: Quá trình phóng tên lửa Epsilon 4 đưa các vệ tinh vào quỹ đạo)
Theo TS Phạm Anh Tuấn, dự kiến sau khi phóng khoảng 1 - 2 ngày, vệ tinh MicroDragon sẽ thu nhận được những tín hiệu đầu tiên. Khoảng từ 1 đến 3 tháng, vệ tinh có thể vận hành ổn định theo đúng thiết kế. Hiện nay, vệ tinh được phối hợp điều khiển bằng hệ thống trạm mặt đất của Đại học Tokyo, ISAS/JAXA và Đại học Tokyo Denki, tại Nhật Bản.
(Video: Tên lửa Epsilon và vệ tinh MicroDragon rời bệ phóng)
Lúc 7h25 Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) giới thiệu hình ảnh về quá trình nghiên cứu chế tạo các vệ tinh, mô phỏng quá trình vệ tinh tách khỏi tên lửa và hoạt động trong vũ trụ....
Trước đó, các vệ tinh đã được lắp đặt vào tên lửa Epsilon số 4 tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura, Nhật Bản. Các hoạt động thử nghiệm, kiểm tra đã được chuyên gia rà soát, sẵn sàng cho kế hoạch bay vào quỹ đạo của vệ tinh. Trạm mặt đất tại Nhật Bản cũng được thiết lập, sẵn sàng cho việc vận hành, phân tích dữ liệu từ vệ tinh.
Vệ tinh MicroDragon với trọng lượng 50kg do các kỹ sư thuộc VNSC thiết kế và chế tạo dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia từ JAXA và các giáo sư của Viện Kỹ thuật Công nghệ Kyushu, KyuTech.
Đây là vệ tinh thứ hai do VNSC chế tạo có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ.
MicroDragon sử dụng hệ 2 máy ảnh đa phổ với bộ lọc tinh thể lỏng có thể điều chỉnh (LCTF) chụp được ở 12 dải phổ (từ 412nm đến 1020nm), ảnh độ phân giải mặt đất tốt nhất là 78m, kích thước ảnh khoảng 36×48km khi vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo 511km.
Tên lửa đẩy mang theo vệ tinh MicroDragon tách khỏi bệ phóng.
Việc có ảnh vệ tinh MicroDragon ở vị trí chụp mong muốn là cơ sở để trao đổi dữ liệu vệ tinh với cộng đồng micro trên thế giới, từ đó tăng cường khả năng đáp ứng nhanh trong các hoạt động như phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, ảnh vệ tinh MicroDragon có thể dùng để phối hợp dữ liệu với các dữ liệu viễn thám sẵn có để tìm kiếm các ứng dụng mới hay tăng cường chất lượng của ứng dụng cũ nhằm xác nhận khả năng ứng dụng của dòng vệ tinh micro.
Micro Dragon là bước tiếp theo trong quá trình làm từng bước nắm bắt và làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo vệ tinh của Việt Nam. Trước đó, các kỹ sư VNSC chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (có kích thước 10 x 10 x 11,35 cm, khối lượng 1 kg).
Sau Micro Dragon, vệ tinh NanoDragon đang được nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam do đội ngũ kỹ sư và chuyên gia của VNSC thực hiện. Vệ tinh này có nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ về điều khiển hướng của vệ tinh trên quỹ đạo và thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy bằng dòng vệ tinh nano.
Các nhà khoa học kiểm tra khả năng chịu tải lực ly tâm của vệ tinh khi tên lửa chuyển động quay (tốc độ quay lên đến 360 độ/giây). (Ảnh: JAXA)
Cấu tạo của vệ tinh MicroDragon
Hệ thống vệ tinh MicroDragon được chia thành hai phần chính là phần thực hiện nhiệm vụ (payload), và phần bus bao gồm các phân hệ cấu trúc, nhiệt, điều khiển tư thế, nguồn điện, hệ thống xử lý lệnh, dữ liệu và hệ thống truyền thông.
Trong đó, phần thực hiện nhiệm vụ bao gồm: một bộ xử lý phụ (SHU) dành riêng cho khối thực hiện nhiệm vụ chính gồm 3 máy ảnh quang học phân cực - Triple Polarization Imager (TPI), và 2 máy ảnh quang học đa phổ - Spaceborne Multispectral Imager (SMI).
Bên cạnh đó còn có một nhiệm vụ phụ về hệ thống lưu trữ và truyền tải dữ liệu để thu thập dữ liệu về chất lượng nước từ cảm biến ở dưới mặt đất; hai nhiệm vụ phụ khác để nghiên cứu về vật liệu trong không gian là ATOCSC (Antimony Tin Oxide Coating Solar Cell), và AOS (Atomic Oxygen Sample).
Phần bus của vệ tinh bao gồm: máy tính trung tâm (OBC) dùng để điều hành xử lý dữ liệu giữa các phân hệ trong với nhau đồng thời trao đổi thông tin với trạm điều hành dưới mặt đất; khối nguồn của vệ tinh gồm các tấm năng lượng mặt trời (SAP), pin sạc, thiết bị điều khiển và phân phối nguồn điện (PCU, BPDU) dung để duy trì và đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng cho các thiết bị trong quá trình hoạt động trên vệ tinh.
Phần này còn gỗm khối điều khiển tư thế của vệ tinh bao gồm các cảm biến (cảm biến mặt trời, từ trường, cảm biến sao, GPS…) và các thiết bị truyền động (bánh xe động lượng, thanh từ lực) dung để điều khiển tư thế vệ tinh theo như yêu cầu của trạm điều hành dưới mặt đất; khối truyền thông của vệ tinh có thể truyền nhận lệnh và dữ liệu với mặt đất qua 2 dải băng tần S-band và X-band (thông qua bộ thu phát STRX và XTX).
Khối điều khiển nhiệt độ cần phải đảm bảo điều kiện hoạt động an toàn cho các thiết bị bên trong khi vệ tinh hoạt động trong môi trường vũ trụ khắc nghiệt. Khối điều khiển nhiệt đô bao gồm hệ cảm biến nhiệt và các bộ điều khiển nhiệt chủ động bằng thiết bị sưởi nhằm nâng cao nhiệt độ vệ tinh khi cần thiết.