Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Làng nghề mứt gừng nức tiếng xứ Huế vào vụ Tết

(VTC News) -

Mỗi dịp cận Tết Nguyên đán, những người dân làm nghề mứt gừng Kim Long (TP Huế) lại tất bật đỏ lửa để cho ra những mẻ mứt thơm cay ngon nổi tiếng đất cố đô.

Video: Món mứt gừng ngon trứ danh ở làng nghề trăm tuổi ở Huế

Kim Long (quận Phú Xuân, TP Huế) là vùng đất cổ nổi tiếng với nhiều di tích, nhà vườn cổ. Đây cũng là nơi chúa Nguyễn Phúc Lan (vị chúa Nguyễn thứ 3) từng chọn là nơi đặt phủ. Không chỉ vậy, Kim Long còn nghề làm mứt gừng với bề dày cả trăm năm, nổi tiếng một vùng.

Như thành thông lệ, mỗi dịp Tết đến Xuân về những người làm nghề ở Kim Long lại tất bật cho ra những mẻ mứt ngon nhất để kịp chuyển đến khách hàng đón Tết.

Dân làng Kim Long cho biết, nguyên liệu làm mứt phải là những củ gừng không quá già, không quá cay thì mới cho ra những miếng mứt ngon chuẩn vị Huế. Do đó, nguyên liệu thường được dân làng tìm đặt và chọn lọc rất kỹ càng ở vùng "mối quen" ở Huế và huyện Cam Lộ (Quảng Trị).

Bên cạnh việc chọn nguyên liệu thì quy trình chế biến cũng phải thật khéo léo và đúng công thức thì mới cho ra những mẻ mứt gừng ngon. Gừng sau khi cạo vỏ, rửa và bào thành những lát mỏng thì phải được ngâm nước cho ra hết mủ mới được đem đi luộc. 

Gừng phải luộc khéo đến khi vừa chuyển màu, trở nên dẻo dai thì phải mau chóng vớt ra rồi mang đi rửa với nước sạch lần cuối. Sau khi ráo nước mới trộn đường và gừng và bắt đầu rim mứt.

Tỷ lệ trộn gừng và đường trước khi rim thường là 1kg gừng và 1,2kg đường. Với tỷ lệ này sẽ cho ra 1kg mứt gừng thành phẩm. 

Theo dân làng Kim Long, khâu quan trọng và khó khăn nhất chính là rim mứt. Người phụ trách đứng bếp rim thường là người có kinh nghiệm lâu năm. Quá trình rim, người thợ phải canh lửa sao cho mứt ngả màu đẹp, không bị cháy và cũng phải đảm bảo miếng gừng không bị gãy nát.

Rim xong, người thợ phải xáo khô mứt, sàng đường, xong sẽ đóng thùng để khô, nửa ngày mới đóng bao bì rồi chuyển cho thương lái bán cho khách. Mứt gừng có thời gian sử dụng chỉ hơn 3 tháng nên thông thường người dân ở Kim Kong chỉ làm vào dịp cận Tết rồi nghỉ chờ đến sang năm mới làm lại.

NGUYỄN VƯƠNG

Tin mới