Người hoàn thiện ra những lá cờ đó là những thợ thủ công của làng Từ Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội. Những người dân ở làng Từ Vân tâm sự rằng, ngôi làng của họ đã may những lá cờ Tổ quốc vào ngày 2/9/1945.
Và hôm nay, ngày 2/9/2017, tròn 72 năm sau, ngôi làng đặc biệt ấy lại tiếp tục công việc đầy vinh quang của mình.
Tìm đến làng Từ Vân trong một ngày tháng 9 lịch sử, PV đã có cơ hội được trò chuyện với những người thợ thủ công may cờ lành nghề ở đây.
Chị Đào Thị Duyên là một trong số đó. Bắt đầu làm nghề may cờ Tổ quốc từ khi theo chồng về làm dâu tại làng Từ Vân, chị Duyên cho biết, may cờ là một công việc không khó nhưng phải đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ.
Chị Đào Thị Duyên chia sẻ với PV về quá trình may cờ.
Để làm ra một chiếc cờ đẹp trải trải qua 10 công đoạn. Một trong những khâu đầu tiên nhưng lại quan trọng nhất là khâu chọn vải. Vải phải tốt mới có thể may đẹp từng đường kim mũi chỉ.
Loại vải may được gọi là vải sa, mua về từ La Cà, phường La Khê, quận Hà Đông. Những phần khác như tua rua, chỉ được mua từ làng Triều Khúc hoặc chợ Đồng Xuân.
Còn với sao vàng 5 cánh, những người thợ thủ công này phải đặt thêu máy. Thời gian để hoàn thiện một chiếc lá cờ có kích thước lớn cũng mất khoảng vài ngày.
Chị Duyên chia sẻ: “Từ khi lấy chồng em mới biết may cờ. Khi lấy về đây, chồng là người dạy em cách may cờ. Việc may cờ đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhiều công đoạn. Hoàn thành một cái cờ đạt tiêu chuẩn phải mất 10 công đoạn”.
Anh Nguyễn Văn Phục, chồng chị Duyên là người được kế thừa trực tiếp nghề may cờ từ cha của mình. Thấm thoắt đã mấy chục năm, có thời điểm khi kinh tế gặp khó khăn, nghề thêu cũng lận đận mọi bề, lời lãi không được là bao nên nhiều người đã bỏ nghề.
Không chỉ riêng anh Phục, nhiều người trong gia đình khi nhắc đến cờ Tổ quốc đều ánh lên một niềm tự hào.
Anh Phục tâm sự: “Cái nghề này là do tôi được thừa kế từ bố tôi. Lá cờ là hình ảnh quốc gia, nên chúng tôi luôn cố gắng làm sao cho thật đẹp để phục vụ đất nước. Đặc thù ngành nghề của chúng tôi là vào những ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm của Nhà nước thường dùng số lượng rất lớn nên chúng tôi phải làm sẵn từ trước đó”.
Những người thợ ở đây đều yêu thích công việc này, đối với họ đây là một niềm vui, sự tự hào.
Thời điểm này, rất nhiều đơn đặt hàng lá cờ Tổ quốc phục vụ cho dịp Quốc khánh 2/9 và ngày khai giảng đã được thực hiện.
Hiện nay, anh Phục thường xuyên phải sử dụng hơn 20 lao động mỗi ngày để làm các công việc liên quan đến việc hoàn thiện 1 lá cờ. Nhiều người trong số đó chia sẻ rằng, họ gắn bó với việc làm cờ Tổ quốc vì cảm thấy tự hào.
Bà Đào Thị Oanh, một người làm nghề trong gia đình cho biết: “Nghề làm cờ này tôi cũng đã làm được 2, 3 năm nay. Làm công việc này thì cũng nhàn nhã, chỉ có điều chúng tôi yêu nghề, yêu Tổ quốc nên chúng tôi đi theo con đường này”.
Video: Lãnh đạo các nước gửi điện mừng Quốc khánh Việt Nam
Hiện nay, trong làng Từ Vân có hơn chục hộ dân theo nghề may cờ thường xuyên, còn lại làm theo thời vụ. Tất cả các công đoạn từ việc làm cờ thủ công ngày xưa giờ đã khác nhiều. Máy móc công nghiệp ra đời đã khiến việc hoàn thiện 1 lá cờ nhanh hơn trước.
Chi Vương Thị Nhung là 1 trong số không nhiều người ở làng Từ Vân còn theo nghề thêu tay thủ công. Thay vì hiện nay, nhiều người đã sử dụng máy để thêu sao vàng 5 cánh trên cờ thì chị vẫn cần mẫn tự tay thêu. Mặc dù công sức phải bỏ ra nhiều hơn xong với chị, việc làm này đã trở thành một thói quen và niềm yêu thích.
“Thêu tay rất kì công, rất tỉ mỉ. Đây là nghề từ đời bố mẹ để lại, con cháu bây giờ cứ theo gia truyền thôi. Chúng tôi đều rất thích thêu tay”, chị Nhung hồ hởi.
Một thợ thủ công đang cặm cụi thêu tay lá cờ Tổ quốc.
Làm nghề may và thêu cờ Tổ quốc, bên cạnh những giá trị kinh tế mang lại thì việc duy trì làng nghề còn là một nét đẹp, là cách bảo tồn và sự cần thiết để giáo dục thế hệ trẻ. Nhiều lớp học may, thêu cờ đã được mở ra vì lý do này.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Bí thư chi bộ thôn Từ Văn cho biết: “Để giữ được nghề truyền thống, hàng năm thành phố, huyện đều có chỉ đạo mở lớp nhân cấy tay nghề để duy trì lớp trẻ. Mỗi năm lại có 1 kỳ mở lớp nhân cấy tay nghề, truyền cho các cháu nhỏ để giữ nghề truyền thống”.