Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Về làng nghề làm cốc bia hơi ‘cóc gặm’ nổi tiếng Thành Nam

(VTC News) -

Làng thủy tinh Xối Trì (Nam Định) gần nửa thế kỷ nay nổi tiếng khắp gần xa với sản phẩm cốc "cóc gặm" chuyên được dùng để uống bia hơi.

Vào những năm 1980, cả làng Xối Trì (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) có khoảng 40 hộ gia đình theo nghề thổi thủy tinh. Nơi đây nổi tiếng với sản phẩm cốc "cóc gặm" màu xanh nhạt, lốm đốm bọt khí bên trong, vật dụng gắn liền với bia hơi Hà Nội.

Thời gian trôi qua, do tính chất khắc nghiệt trong công việc, nghề này đã dần mai một. Hiện cả làng chỉ còn 3 lò thổi vẫn hoạt động với hầu hết là những người thợ lớn tuổi.

Ông Phạm Văn Dương (57 tuổi), một trong 3 chủ lò còn "giữ lửa" làng nghề cho biết, ông đã có hơn 40 năm làm nghề thổi thủy tinh. Ngày nay, trung bình xưởng sản xuất của ông vẫn cho ra lò 2.500 - 3.000 chiếc cốc "cóc gặm" mỗi ngày, tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Hà Nội.

Để thổi được cốc thủy tinh hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn vất vả ngày đêm, đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Nguyên liệu là những mảnh kính vụn được thu mua ở các nhà máy kính. Một người thợ (thường là phụ nữ) đảm nhận công việc nhặt mảnh, sàng lọc bụi bẩn rồi đập vỡ vụn.

Sau đó, thủy tinh vụn được đưa vào lò nung chảy.

Trung bình, một mẻ thủy tinh thường được nấu và ủ trong thời gian 7 tiếng trước ca thổi thủy tinh. Trong thời gian đó, than đá liên tục được đưa vào giữ nhiệt độ gần 1.800°C để đảm bảo mảnh thủy tinh nóng chảy thành chất lỏng, đủ chất lượng cho công đoạn thổi.

Khi thủy tinh vụn đã được nung chảy, đạt tiêu chuẩn, bằng đôi bàn tay đầy kinh nghiệm, từng người thợ đều đặn đưa ống sắt dài lấy ra một lượng vừa đủ, liên tục lăn khối thủy tinh đó trên bề mặt phẳng có bôi chút mỡ để tạo độ trơn, nhẵn, bóng và tạo khối trụ cho chiếc cốc.

Kế tiếp, những người thợ dùng hơi thổi trực tiếp vào ống. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải giữ cho hơi thở đều, vừa phải. Người đảm nhận công đoạn này cần có sức khỏe tốt, chịu được môi trường nhiệt độ cao và độc hại.

Chia sẻ kỹ năng để “bán hơi” suốt mấy chục năm nay, ông Dương cho biết: “Quá trình thổi thủy tinh đòi hỏi kỹ năng điêu luyện của người thợ. Thời gian đạt độ nóng chuẩn của thủy tinh rất ngắn, người thợ phải biết được độ “chín” của thủy tinh và nắm bắt được thời điểm đó để làm ra những chiếc cốc thủy tinh ưng ý. Đây chính là công đoạn khó nhất để cho ra lò chiếc cốc hoàn chỉnh”.

Những cục thủy tinh nóng chảy được đưa vào khuôn để thổi định hình.

Chiếc cốc được định hình trong khuôn sau khi thổi lập tức được chuyển sang máy thổi giảm nhiệt trước khi tiếp tục chuyển sang khâu cắt mép cốc. 

Người thợ ngồi bên cạnh chiếc lò nóng rực để thực hiện công đoạn cắt mép, làm tròn miệng cốc một cách khéo léo, kỹ càng. 

Mỗi dây chuyền sản xuất cốc thủy tinh có 5 thợ thổi hơi tạo dáng cốc, 1 thợ cắt miệng cốc, 1 thợ ủ tro để cốc nguội từ từ. Ông Hinh, người cao tuổi nhất vẫn còn gắn bó với nghề, tâm sự: “Nghề thổi thủy tinh là nghề bán hơi, còn thở được thì còn bán hơi. Bao giờ ngừng thổi, hết hơi, tôi mới bỏ nghề”.

Chiếc cốc nóng đỏ vừa ra lò được một người thợ khác mang đi ủ nguội bằng tro rơm từ 12-15 tiếng để hạ nhiệt từ từ, tránh tình trạng vỡ nứt. Cuối cùng, khi dỡ cốc ra khỏi lò ủ tro, những chiếc cốc được bà Thanh (phụ nữ lớn tuổi ở xưởng) chịu trách nhiệm đóng gói sản phẩm, chờ thương lái tới mang đi. 

“Cốc được đóng gói bằng rơm rạ từ xưa đến giờ, nguyên liệu dễ tìm mà còn tránh tình trạng nứt vỡ trong quá trình di chuyển. Một ngày tôi đóng gói khoảng 2.5000 cốc, vào mùa hè cao điểm thì có khi đóng gói hơn 3.000 cốc để kịp đơn hàng cho khách”, bà Thanh nói.

Sau hơn 5 tiếng miệt mài, từ 5 tạ nguyên liệu những người thợ đã tạo nên hơn 1.000 chiếc cốc thủy tinh. Một ngày, xưởng của ông Dương sẽ làm 2 ca như thế. Dù sản phẩm làm ra không đủ để cung cấp cho thị trường, nhưng cả làng nghề Xối Trì hiện nay chỉ còn 3 gia đình làm nghề. 

 Khi được hỏi về lý do chọn nghề này, anh Tiên, chàng thanh niên 23 tuổi duy nhất trong làng theo nghề, tâm sự: “Sau khi học xong cấp 3, tôi đi theo các bác trong làng để học nghề, đến giờ cũng đã được 5 năm rồi. Cũng chả có ai bắt ép tôi học nghề cả, tôi chọn chỉ vì muốn bảo vệ nghề truyền thống của quê hương đang ngày mai một đi”.

“Người trẻ của làng không còn ai theo nghề bởi công việc vất vả, mất sức mà thu nhập không hơn những việc làm thuê bên ngoài. Người thợ lớn tuổi như tôi vẫn làm vì mong muốn giữ cái nghề truyền thống. Tôi hy vọng làng nghề được duy trì, phát triển và giữ gìn nét văn hóa làng nghề truyền thống mà cha ông để lại", ông Hinh nói. 

Nguyễn Liễu - Minh Anh

Tin mới