Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Uống bia hơi Hà Nội nhất định phải cốc 'cóc gặm', người ta đang quá bảo thủ?

(VTC News) -

Cho rằng bia hơi Hà Nội nhất định phải uống bằng loại cốc xấu như cóc gặm từ thời bao cấp mới đúng bản sắc, phải chăng người ta đang quá bảo thủ?

Dù không uống nhiều nhưng tôi mê bia hơi Hà Nội, không chỉ vì nó ngon, rẻ mà còn vì mê cảm giác thư giãn, thoải mái khi ngồi cùng bạn bè dưới tán bàng phố cổ, cùng nhau “chém gió” hoặc nhìn người lại qua. Bao năm qua, như một điều đương nhiên, tôi được phục vụ bia hơi trong cái cốc vại màu xanh xù xì nổi đầy bọt khí, chẳng bao giờ thắc mắc gì. Rồi bỗng một chiều của năm 2020, khi xoay nó trong tay ngắm nghía, câu hỏi này bật ra: “Sao cái gì cũng nâng cấp, đẹp lên mà cái cốc uống bia hơi này vẫn xấu xí như cóc gặm thế nhỉ?”.

Loại cốc này được sản xuất chỉ để đựng bia hơi Hà Nội.

Trong vài bài báo mà tôi đọc được, tác giả coi cái cốc thủy tinh ra đời từ thời bao cấp thiếu thốn này như một “biểu tượng” của bia hơi Hà Nội, vì gắn bó lâu năm nên trở thành không thể thiếu. Thậm chí còn có ý kiến “nâng tầm quan điểm” rằng bia hơi Hà Nội cứ phải uống bằng cốc này mới ngon, mới đúng kiểu, và rồi sau đó nhiều người mặc nhiên chấp nhận như một chân lý.

Tôi cũng từng tưởng vậy cho đến buổi chiều kể trên. Đó là khi mà ngay cả quán trà đá 3.000 đồng cũng dùng loại ly thủy tinh trong suốt xinh xắn, là khi chất lượng cuộc sống của thế kỷ 21 khiến tôi luôn nghĩ đến khía cạnh thẩm mỹ, vệ sinh… cho mọi thứ liên quan đến ẩm thực.

Bỗng nhiên, tôi thấy những câu tán tụng kiểu “hàng vạn bọt khí vây quanh thành cốc thật hài hòa với bọt bia đang tan dần” trở nên gượng ép và… sai sai. Bởi tôi còn bận lo lắng rằng loại cốc sản xuất thủ công, thô sơ từ thủy tinh tái chế này liệu có đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn. Dù có cọ rửa cẩn thận thì chất liệu sần sùi đùng đục này vẫn khiến nó trông có vẻ kém sạch sẽ, vậy thì người ta liệu có mất công rửa tử tế không? Ly bia mát lạnh nhuốm chút vị băn khoăn lo lắng, bỗng trở nên bớt ngon.

Chuẩn bị nguyên liệu tại lò sản xuất loại cốc xanh dùng cho các quán bia hơi Hà Nội. (Ảnh: VietNamNet)

Tôi hiểu chứ, vật dụng này trở thành “chiếc cốc huyền thoại”, thành giá trị vì nó gắn với hoài niệm của người Hà Nội về những năm tháng cũ - những năm tháng không thể quên khi uống bia gần như đồng nghĩa với “đời sống cao”, một ly bia đủ giúp cảm xúc người ta vượt lên những chật vật áo cơm đời thường. Nhưng xét về giá trị sử dụng, nó không còn phù hợp với tiêu chuẩn của thời hiện đại nữa. Nên chăng, hãy trân trọng giá trị lịch sử của “chiếc cốc xanh thần thánh” bằng cách dành cho nó một vị trí xứng đáng trong bảo tàng về Hà Nội, về thời bao cấp, và dùng cốc khác để uống bia hơi?

Khi tôi nêu vấn đề này, nhiều người bảo “đựng vào cốc khác thì còn gì là bia hơi Hà Nội nữa”, “uống bia hơi vỉa hè bằng cốc vại xanh đó chính là một nét văn hóa của người Hà Nội”... Vậy có cố chấp, có bảo thủ quá không?

Tôi nhớ từng có nhà nghiên cứu nào đó nói rằng bảo thủ về văn hóa cũng là một nét tính cách của cư dân nhiều thành phố lâu đời, xuất phát từ niềm tự hào về các giá trị lớn lao được tích lũy sau nhiều thế kỷ. Chính ý thức bảo tồn giúp các giá trị truyền thống được vững bền, nhưng nếu thái quá và không chọn lọc thì dễ thành thủ cựu – khư khư giữ những cái cũ không thực sự cần thiết.

Văn hóa là tinh túy, là cái đẹp được chắt lọc từ muôn vạn yếu tố đời thường, có thể rất giản dị, đơn sơ, quê mùa nhưng chắc chắn phải là đẹp. Làm sao cái cốc “cóc gặm” lại trở thành “nét văn hóa của người Hà Nội” được?

Và với tư cách người mê bia hơi Hà Nội, tôi cho rằng hương vị thơm ngon của nó xứng đáng được “chuyên chở” bằng các loại cốc đẹp, đảm bảo hơn (và cũng rẻ thôi). Cứ thay đổi đi, rồi sẽ thấy hợp lý.

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới, hoặc gửi ý kiến trao đổi vào địa chỉ email toasoan@vtc.gov.vn.

Đình Phong

Tin mới