Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Về Hải Phòng nghe câu thề 'nếu lấy của công làm của tư thì bị thần linh đả tử'

(VTC News) -

Tại Lễ hội Minh thề, những người tham gia nghi lễ giơ tay cao xin thề: "Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công làm của tư, nguyện cầu thần linh đả tử".

Sáng 23/2 (14 tháng Giêng), Lễ hội Minh thề (hay còn gọi Miêng thệ - lời thề miệng) được  tổ chức tại Khu di tích lịch sử văn hóa đền - chùa Hòa Liễu, thôn Hòa Liễu, Thuận Thiên, Kiến Thụy, Hải Phòng. 

Mặc dù diễn ra trong tiết trời mưa rét nhưng lễ hội vẫn thu hút sự tham gia của đông đảo người dân trong và ngoài xã Thuận Thiên.

Trước khi những lời Hịch văn Minh Thề vang lên, các vị kỳ lão, chức sắc lần lượt được rước từ trong đền ra với nghi thức trang nghiêm. Dao bầu cũng được rước ra rồi trao cho chủ tế.

Chủ tế năm nay là ông Trương Văn Lậm - Trưởng thôn Hoà Lễ. 

Chủ tế dùng dao vẽ một vòng tròn lớn tượng trưng giữa đài thề và cắm dao vào chính giữa vòng tròn ấy. Con dao thiêng cũng được dùng để cắt tiết gà. 

Đại diện tư văn đọc Hịch văn Minh thề, trong đó nêu rõ: “Nếu lấy của công làm việc công được thần linh ủng hộ. Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công làm của tư, nguyện cầu thần linh đả tử! Y như lời thề…”, “Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử. Y như lời thề…”.

Những người tham gia nghi lễ cùng giơ tay cao "xin thề". 

Nét độc đáo của Hịch văn Minh thề là gắn liền những quy phạm đời thường với các yếu tố tâm linh. Do đó, lễ hội mang giá trị lớn lao về đạo đức, lối sống, phép tắc ứng xử trong cộng đồng đồng thời mang đậm tính thời sự, răn dạy về xây dựng trật tự, kỷ cương, tinh thần thượng tôn pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí cho các thế hệ.

Sau đó là nghi lễ cắt tiết gà để uống máu ăn thề. Gà trống hành lễ lông vàng, chân vàng, mỏ đỏ, mào cờ.

Nghi lễ diễn ra rất cầu kỳ theo quy định truyền thống từ ngàn đời. 

Máu gà trống được hòa vào bình rượu lớn.

Chủ tế uống một ngụm rượu hoà máu gà. Phó trưởng thôn, các bô lão tham dự Lễ hội Minh Thề... sau đó cùng uống, khẳng định sự đoàn kết thực hiện đúng lời thề. 

Sử sách ghi lại rằng, lễ hội Minh Thề có từ năm 1561 khi Thái Hoàng Thái hậu họ Vũ (vợ Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung) đến lập ấp Lan Niểu (nay là thôn Hòa Liễu), vận động dân làng mở rộng diện tích chùa, làm mới tượng Phật. Bà đã xuất tiền mua được 25 mẫu, 8 sào, 2 thước ruộng. Sau đó, những người dân trong làng thấy việc cung tiến ở chùa mang lại phúc đức nên cung tiến cả ruộng vườn vào chùa. 

Trong thời gian xây dựng, ngoài diện tích chùa, một phần diện tích ruộng vườn được chia cho những người trông chùa canh tác, diện tích còn lại được cho cấy khoán. Sản phẩm thu được chia cho người nghèo trong vùng. Lương thực dư thừa được tích trữ hàng năm khoảng 3 tấn thóc, do người có chức sắc trong làng giữ. Để không xảy ra tình trạng tham nhũng của công, Thái Hoàng Thái hậu cùng với dân làng đã lập ra Hịch văn Hội Minh thề. 

Trải qua thăng trầm của lịch sử, năm 2003, lễ hội Hịch văn Hội Minh thề được chính quyền địa phương và người dân trong làng Hòa Liễu khôi phục, giữ nguyên được giá trị văn hóa thời xưa. Năm 2017, Hội Minh thề được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trở thành một trong những nghi thức lễ hội “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. 

Nguyễn Huệ

Tin mới