Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vấn đề Biển Đông được thảo luận thế nào ở Hội nghị Cấp cao ASEAN 37?

(VTC News) -

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và Cấp cao Đông Á lần thứ 15, đại diện nhiều nước đã bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 19/11, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết vấn đề Biển Đông được thảo luận như thế nào tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 15, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

"Tại các Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và Cấp cao Đông Á lần thứ 15, đại diện nhiều nước đã bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và khẳng định sự cần thiết duy trì hòa bình bền vững, ổn định lâu dài trên vùng biển quan trọng của khu vực này.

Để đạt được mục tiêu đó, cần đề cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt tránh các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng, phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa. Các nước cũng cho rằng cần đề cao luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), khung khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình". 

Khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam.

Theo bà Hằng, các nước kêu gọi ASEAN và Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực nối lại đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Các nội dung trên đây đã được phản ánh đầy đủ trong Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và Hội nghị cấp cao EAS 15.

Đề cập tới việc Bộ Thương mại Trung Quốc mới đây nói rằng nước này giữa thái độ "cởi mở" về khả năng tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: 

"CPTPP là một hiệp định thương mại đa phương thế hệ mới mở rộng. Các nước có thể tham gia nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn của hiệp định này. Không chỉ với Trung Quốc, mà các nước muốn tham gia hiệp định đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn này".

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng

Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 nước còn lại tiếp tục thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về tên gọi mới của Hiệp định TPP là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được ký kết vào ngày 8/3/2018.

CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại v.v. mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước v.v.

Ngoài ra, Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.

Song Hy

Tin mới