ASEAN đang nắm giữ những yếu tố có thể giúp giải quyết các vấn đề toàn cầu thời gian tới, trong đó có tranh chấp ở Biển Đông.
Đó là nhận định của nhà báo Ấn Độ Rudroneel Ghost làm việc tại tập đoàn truyền thông Times of India, người đạt giải Nhất Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ 6 năm 2020 với bài viết “ASEAN phải được đặt ở vị trí trung tâm trong giải quyết tranh chấp Biển Đông”.
Nhà báo Ấn Độ Rudroneel Ghost
Biển Đông - vấn đề địa chính trị quan trọng của thế giới
Theo nhà báo Rudroneel Ghost, bài báo này tập trung phân tích vấn đề Biển Đông và vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết tranh chấp liên quan tới các tuyên bố chủ quyền và hàng hải trên Biển Đông.
“Vấn đề Biển Đông hiện tại đang là một trong những chủ đề địa chính trị quan trọng nhất trên thế giới. Đó là bởi khu vực ASEAN đang trở thành trung tâm tăng trưởng của toàn cầu. Điều này căn cứ trên sự thay đổi về nhân khẩu học, về kinh tế và công nghệ, khiến ASEAN trở thành một trong số ít tâm điểm dẫn dắt cho sự tăng trưởng của thế giới. Điều quan trọng nữa là khu vực ASEAN có hẳn một khuôn khổ hòa bình cho tăng trưởng”, Ghost cho biết.
Trong bối cảnh đó, vấn đề Biển Đông càng trở nên quan trọng bởi nếu vấn đề này không được giải quyết một cách công bằng, hợp lý theo luật pháp quốc tế và dựa trên luật pháp quốc tế, sẽ ảnh hưởng xấu tới toàn bộ khu vực. Vì thế điều quan trọng là cả thế giới phải quan tâm tới vấn đề Biển Đông và tương lai của cả khu vực Đông Nam Á, nơi đang trở thành động lực tăng trưởng của toàn cầu trong vài thập kỷ tới.
ASEAN phải xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật pháp
Trả lời câu hỏi rằng khu vực Đông Nam Á đang bị chi phối bởi các yếu tố địa chính trị quốc tế như thế nào? Ông Rudroneel Ghost cho rằng, trên quan điểm chính trị, khu vực ASEAN có vai trò rất quan trọng. Cán cân quyền lực toàn cầu đang chuyển dịch từ Tây sang Đông. Đó là lý do vì sao hiện nay, các vấn đề an ninh chính trị lớn nhất lại đang nằm ở Đông Á.
Phó Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Đỗ Thanh Hải trao giải thưởng cho nhà báo Rudroneel Ghost.
Dù là Biển Đông hay biển Hoa Đông, vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) hay vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, lý do mà các vấn đề an ninh và địa chính trị của thế giới chuyển sang Đông Á là bởi những thay đổi trong cán cân quyền lực toàn cầu từ Tây sang Đông. Điều quan trọng là phải có trật tự dựa trên luật pháp tại khu vực này, nơi mà mọi người phải tôn trọng luật lệ quốc tế, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác. Hoặc nếu không thể nhất trí về chủ quyền của nhau thì ít nhất, họ không được để các tranh chấp lãnh thổ cản trở tăng trưởng kinh tế và sự phát triển.
Vì thế, các nhân tố tham gia vào sân chơi quốc tế cần phải quan tâm tới những gì đang diễn ra tại Đông Á. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế phải tạo ra đối trọng, hay buộc Trung Quốc phải tuân theo luật lệ của thế giới.
Ông Ghost giải thích: “Đó là bởi Trung Quốc là cường quốc đang trỗi dậy và đã trở thành một trong những quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất tại Đông Á. Tuy nhiên, có hai xu hướng, kịch bản đối với sự phát triển của Trung Quốc. Hoặc Trung Quốc sẽ cố gắng áp đặt ý chí và lợi ích của mình lên toàn bộ khu vực, hoặc nước này phải chấp nhận trở thành một phần của một hệ thống đa phương rộng lớn, trong khuôn khổ nguyên tắc và luật lệ. Nếu Trung Quốc chọn việc áp đặt lợi ích của mình lên toàn bộ khu vực, khi đó cả khu vực sẽ lâm vào tình trạng hỗn loạn và thậm chí là chiến tranh”.
“Tuy nhiên, nếu Trung Quốc muốn trở thành một phần trong trật tự thế giới dựa trên luật pháp, tất cả mọi người đều thắng, bao gồm cả Trung Quốc", ông Ghost nhận định.
Việt Nam thể hiện vai trò dẫn dắt với khu vực
Nhà báo Ấn Độ khẳng định có 2 lý do khiến vai trò của Việt Nam ngày càng lớn tại khu vực Đông Nam Á. Thứ nhất, Việt Nam là thành viên có tiếng nói trong cấu trúc của ASEAN. Năm 2020, Việt Nam đang đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và cho thấy quyết tâm bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp và thông lệ quốc tế.
(Ảnh minh họa)
Thứ hai, Việt Nam có một vị trí khá độc đáo, bởi có mối quan hệ kinh tế rất phát triển với Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng quan tâm tới việc bảo vệ một trật tự đa phương tại Đông Á. Việt Nam hiểu Trung Quốc, bởi sự kết nối về kinh tế, hay mối quan hệ lịch sử. Nhưng đồng thời, Việt Nam cũng hiểu rằng tương lai của Đông Á phải được xây dựng dựa trên trật tự đa phương và luật pháp quốc tế.
Bởi vậy, Việt Nam có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt, duy trì và thúc đẩy trật tự đa phương. Đó là cách tiếp cận rất đúng đắn của Việt Nam và cần được tất cả các đối tác tại khu vực ủng hộ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam và Ấn Độ có thể hợp tác, xây dựng một môi trường khu vực an ninh, ổn định.
“Ấn Độ đang ngày càng quan tâm nhiều hơn tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong khi Việt Nam lại là một trong những quốc gia thành viên trong khu vực ASEAN. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kể từ khi lên cầm quyền đã thực thi chính sách ‘Hành động hướng Đông’. Điều đó có nghĩa Ấn Độ, từ quan điểm chiến lược, đang ngày càng quan tâm hơn tới khu vực Đông Á”, ông Rudroneel Ghost nói.
Vì thế Việt Nam hiển nhiên là một trong những đối tác quan trọng của Ấn Độ trong mô hình ‘Hành động hướng Đông’. “Tôi nghĩ có rất nhiều khía cạnh trong quan hệ cả về mặt chiến lược và mặt kinh tế cũng như đối ngoại công chúng mà hai nước có thể cùng hợp tác”.