Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vai trò và sức mạnh lữ đoàn tên lửa DF-26 Trung Quốc

(VTC News) -

Ông Tập Cận Bình đích thân thị sát lữ đoàn tên lửa có khả năng hạt nhân và đóng vai trò lực lượng răn đe quan trọng của quân đội Trung Quốc.

Theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 17/10 thị sát một lữ đoàn tên lửa của quân đội Trung Quốc đóng quân ở tỉnh An Huy, phía đông nam. Đây là chuyến thị sát công khai đầu tiên tới một đơn vị Lực lượng Tên lửa kể từ năm 2016 và các cảnh quay về chuyến thăm cho thấy một số tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát một lữ đoàn của Lực lượng Tên lửa ngày 17/10. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Chuyến thị sát diễn ra chỉ ba ngày sau cuộc tập trận quân sự Liên hợp lợi kiếm 2024B, có sự tham gia của lực lượng không quân, lục quân, hải quân cũng như Lực lượng tên lửa của Trung Quốc.

Cuộc tập trận diễn ra vài ngày sau bài phát biểu của nhà lãnh đạo Đài Loan William Lai Ching-te khi ông tuyên bố Bắc Kinh không có thẩm quyền đại diện cho hòn đảo này. Một ngày sau cuộc tập trận đó, ông Tập Cận Bình đến thăm huyện đảo Đông Sơn ở tỉnh Phúc Kiến nằm đối diện với đảo Đài Loan.

“Các chương trình của Lực lượng Tên lửa nhằm báo hiệu với Mỹ năng lực của quân đội Trung Quốc đang không ngừng được cải thiện, dù là về công nghệ tên lửa hạt nhân hay thông thường, cả vũ khí và chiến thuật đều được nâng cấp liên tục”, chuyên gia quân sự Song Zhongping cho hay.

Ông Song cho biết lực lượng này có thể đóng vai trò then chốt trong cuộc xung đột nếu có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan và "ngăn chặn các thế lực bên ngoài như Mỹ can thiệp vào nội bộ của Trung Quốc, đặc biệt là liên quan đến Đài Loan".

Đoạn phim về chuyến thị sát của ông Tập tới căn cứ ở An Huy do đài truyền hình nhà nước CCTV quay lại.

Liang Guoliang, nhà bình luận quân sự tại Hong Kong, cho biết các tên lửa xuất hiện trong đoạn phim là DF-26, thế hệ tên lửa đạn đạo tầm trung mới mà Trung Quốc tích cực phát triển trong những năm gần đây, mệnh danh "sát thủ tàu sân bay" hoặc "tàu tốc hành Guam" vì khả năng vươn tới lục địa Mỹ.

25 xe phóng tên lửa DF-26 xuất hiện trong đoạn phim của CCTV. Trong số đó, 20 xe xếp hàng ngay ngắn ngoài trời để kiểm tra, trong khi 5 xe trình diễn quá trình phóng trong nhà. Điều này cho thấy một lữ đoàn tên lửa DF-26 có ít nhất 25 xe phóng tên lửa.

Ông Liang cho biết đó là điều "không thể tưởng tượng được" trong những ngày đầu của Quân đoàn Pháo binh số 2, tiền thân của Lực lượng Tên lửa, khi mỗi lữ đoàn chỉ được trang bị một tên lửa đạn đạo duy nhất. Quân đoàn Pháo binh số 2 chuyển thành Lực lượng Tên lửa vào năm 2015 như một phần của cuộc cải tổ quân sự rộng lớn hơn.

Theo chuyên gia Liang, báo cáo nhấn mạnh đến sự gia tăng đáng kể về khả năng chiến đấu của các lữ đoàn Lực lượng Tên lửa, với "khả năng cơ động và sống sót hiện rất cao" và đạt một trong những "mức độ tinh vi công nghệ cao nhất trên thế giới".

Những xe phóng tên lửa xuất hiện trong đoạn phim quay lại chuyến thị sát của ông Tập Cận Bình. (Nguồn: CCTV)

Vài trò tối quan trọng của DF-26

Tên lửa DF-26 có thể nhanh chóng chuyển đổi giữa đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân, có hệ thống dẫn đường tiên tiến cho phép điều chỉnh quỹ đạo giữa hành trình.

Dữ liệu công khai cho thấy tên lửa DF-26 dài khoảng 14 m, đường kính 1,4 m và trọng lượng phóng 20 tấn. Tên lửa có thể mang một đầu đạn 1,8 tấn hoặc ba đầu đạn nhắm mục tiêu độc lập, với tầm bắn tối đa 5.000 km cùng khả năng phóng di động.

Mỗi xe phóng đi kèm với hai xe vận chuyển tên lửa chuyên dụng, nghĩa là mỗi xe phóng được trang bị tổng cộng ba tên lửa. Do đó, một lữ đoàn tên lửa DF-26 có khả năng bắn hơn 75 tên lửa cùng một lúc, tiêu diệt một hoặc thậm chí nhiều nhóm tác chiến tàu sân bay của đối phương.

Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, nhận định: "Nếu răn đe thất bại, Trung Quốc sẽ sử dụng các cuộc tấn công chính xác tầm xa để ngăn chặn việc tiếp cận và di chuyển trong Tây Thái Bình Dương. Các tên lửa DF-26 và DF-21D là trọng tâm của chiến lược này".

Chuyên gia Davis cho rằng DF-26 có thể được sử dụng để nhắm vào các căn cứ quân sự Mỹ ở quần đảo Ryukyu (Nhật Bản), đảo Guam và có thể là miền bắc Australia. Trong khi đó, DF-21D là tên lửa đạn đạo tầm trung đời đầu có thể được sử dụng để nhắm vào tàu chiến.

Chuyên gia Davis nói thêm rằng chuyến thị sát của ông Tập nhấn mạnh sự sẵn sàng của quân đội Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan.

Tên lửa DF-26 trong lễ duyệt binh tại Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 9/2015. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Theo chuyên gia Liang Guoliang, dù căn cứ và đơn vị hoạt động mà ông Tập đến tthị sát không được xác định, nhưng khả năng đó là Căn cứ 61, một trong sáu căn cứ của quân đội Trung Quốc chịu trách nhiệm phóng tên lửa.

Đại học Không quân Mỹ cho rằng căn cứ này chủ yếu tập trung vào Đài Loan.

Chuyên gia Song Zhongping mô tả Lực lượng Tên lửa là "xương sống" trong chiến lược răn đe hạt nhân của quân đội Trung Quốc. Ông cho biết nếu Mỹ can thiệp, xung đột ở eo biển Đài Loan sẽ lan rộng ra ngoài khu vực lân cận và điều này có nghĩa Lực lượng Tên lửa phải sẵn sàng chiến đấu hoàn toàn.

“Việc nâng cấp hệ thống vũ khí cần có thời gian, vì vậy Lực lượng Tên lửa phải phát huy tối đa tiềm năng của các thiết bị hiện có và sử dụng các chiến thuật mới để giành chiến thắng trong các cuộc xung đột quân sự nếu có thể xảy ra trong tương lai”, ông Song nói.

Hoa Vũ (Nguồn: SCMP, Liên hợp Tảo báo)

Tin mới