Ngày 16/10/1964, tại sa mạc La Bố Lạc xa xôi ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc đã kích nổ thành công quả bom nguyên tử đầu tiên, có mật danh là "Miss Qiu" (cô Khâu). Phản ứng dây chuyền phân hạch mà vụ nổ kích hoạt làm tan chảy nửa trên của một tòa tháp sắt cao 120 m. Đó là thời điểm then chốt trong quá trình theo đuổi vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.
Cuộc thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc năm 1964. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Thử nghiệm được tiến hành vào thời điểm Trung Quốc gặp phải những thách thức chính trị to lớn: liên minh giữa nước này với Liên Xô đã tan vỡ và Moskva rút lại sự hỗ trợ về công nghệ vào cuối những năm 1950, đồng thời Trung Quốc đang chìm trong khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Tuy nhiên, vụ nổ này đưa Trung Quốc vào lộ trình nhanh chóng để phát triển sức mạnh hạt nhân trước thời hạn quan trọng do Mỹ, Liên Xô cũ và Anh trong Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT).
Thỏa thuận này quy định đầu năm 1967 là hạn chót để xác định và công nhận các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là các "quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân" hợp pháp và có đặc quyền được sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Trở lại ngày 6/8/1946, một năm sau vụ đánh bom Hiroshima, cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Anna Louise Strong, mô tả bom nguyên tử rất đáng sợ nhưng thực chất chỉ như "con hổ giấy" dùng để răn đe.
Chủ tịch Mao giải thích: “Tất nhiên, bom nguyên tử là vũ khí giết người hàng loạt, nhưng chính con người mới quyết định kết quả của một cuộc chiến tranh”.
Nhà sử học Zhang Jing của Đại học Bắc Kinh cho rằng đó là phát biểu "chiến thuật" nhằm nâng cao tinh thần của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong bối cảnh nguy cơ xảy ra nội chiến, cùng những lo ngại Mỹ có thể can thiệp và sử dụng vũ khí nguyên tử.
Mười năm sau đó, ông Mao tuyên bố Trung Quốc theo đuổi các công nghệ quốc phòng tiên tiến, bao gồm cả vũ khí hạt nhân.
“Chúng ta không chỉ cần nhiều máy bay và pháo binh hơn, mà còn cần cả bom nguyên tử. Trong thế giới ngày nay, chúng ta không thể thiếu thứ này nếu không muốn bị người khác bắt nạt”, ông Mao nói trong một cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc năm 1956.
Quyết định này một phần xuất phát từ những thiếu sót về công nghệ của quân đội Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên hay cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất vào năm 1954. Nhưng theo nhà sử học Zhang, lời cam kết của Moskva trong việc hỗ trợ Bắc Kinh phát triển công nghệ hạt nhân cũng đóng vai trò quan trọng.
Với chiến lược và chính sách quốc gia được đề ra, việc chiêu mộ các nhà vật lý hạt nhân như Đặng Gia Tiên và các nhà khoa học khác nhanh chóng được triển khai. Các viện nghiên cứu được thành lập cùng nhiều cơ sở vật chất được xây dựng. Các mỏ uranium ở các tỉnh Giang Tây và Hồ Nam cũng bắt đầu đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, trong vòng vài năm, quan hệ giữa Bắc Kinh và Moskva trở nên xấu đi. Liên Xô dừng viện trợ và rút các chuyên gia hạt nhân khỏi Trung Quốc, đồng thời tiêu hủy tất cả các tài liệu liên quan khi họ rời đi. Đó là tháng 6/1959, người Trung Quốc phải tự mình tiếp tục và họ đặt tên cho chương trình bom nguyên tử độc lập của mình là “Dự án 596”.
Những hình ảnh về thành tựu vũ khí nguyên tử gắn với nhà vật lý hạt nhân Đặng Gia Tiên ở Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc khi đó xảy ra tranh cãi về bom nguyên tử. Có những ý kiến đề xuất nên tạm dừng dự án vì nước này đang phải chịu nạn đói. Một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất là Bộ trưởng Ngoại giao Trần Nghị, người nổi tiếng với câu nói "chúng ta phải có bom nguyên tử ngay cả khi chúng ta phải bán quần".
Tháng 7/1960, các cuộc tranh luận đã kết thúc khi Chủ tịch Mao Trạch Đông tuyên bố "hãy quyết tâm làm việc bằng các công nghệ tiên tiến".
Đến tháng 8/1964, việc chế tạo bom nổ U-235 hoàn tất và các báo cáo tình báo Trung Quốc cho rằng người Mỹ hoặc thậm chí người Nga có thể đã cân nhắc hành động chống lại các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc. Điều đó đã được xác nhận nhiều thập kỷ sau trong các tài liệu được giải mật của Mỹ.
Đáp lại, ông Mao Trạch Đông tái khẳng định mục đích của bom nguyên tử là “răn đe, không nhất thiết phải sử dụng trong thực tế”.
“Vì mục đích là để răn đe, tốt nhất là nên cho nổ sớm hơn”, ông Mao ra lệnh vào ngày 20/9/1964. Thế giới đã nghe thấy tiếng nổ chưa đầy một tháng sau đó.
Vài giờ sau vụ nổ ngày 16/10/1964, chính phủ Trung Quốc ngay lập tức tuyên bố chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, rằng "sẽ không bao giờ, bất cứ lúc nào hoặc trong bất kỳ hoàn cảnh nào, là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân".
Bắc Kinh tuyên bố cam kết "vô điều kiện không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia không có vũ khí hạt nhân hoặc các khu vực không có vũ khí hạt nhân" và bắt đầu thúc giục bốn cường quốc hạt nhân khác vào thời điểm đó cam kết "không sử dụng trước".
Theo giáo sư quan hệ quốc tế Li Bin tại Đại học Thanh Hoa, tuyên bố này phù hợp với lý thuyết cho rằng sự phản đối của người dân trên toàn thế giới sẽ khiến việc sử dụng vũ khí hạt nhân trở thành điều cấm kỵ.
“Do điều cấm kỵ về hạt nhân này, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân không thể phát động vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột thông thường”, ông Li nói và chỉ ra các sự kiện trong những thập kỷ qua đã chứng minh ngay cả khi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân chiến đấu trong một cuộc xung đột thông thường, họ cũng không dám sử dụng vũ khí hạt nhân để xoay chuyển tình hình.
Ông Li nói cam kết “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước” của Trung Quốc dựa trên giả định rằng không ai có thể thực sự là người đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột thông thường.
Theo tiền đề đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ thời Chủ tịch Mao trở đi có xu hướng nhấn mạnh tầm quan trọng về mặt chính trị của vũ khí hạt nhân, thay vì coi chúng là vũ khí quân sự thực sự có thể triển khai trong chiến tranh.
Nhà sử học Zhang cho biết: “Theo quan điểm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, việc phát triển vũ khí hạt nhân có thể dẫn đến sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện đại… và giúp Trung Quốc lấy lại vị thế trong cộng đồng quốc tế, bên cạnh những lo ngại về an ninh quốc gia”.
Những bom nguyên tử thế hệ đầu của Trung Quốc. (Ảnh: Sohu)
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc vẫn tiếp tục trên con đường phát triển hạt nhân: cuộc thử nghiệm bay đầy đủ đầu tiên của ICBM DF-5 được tiến hành vào tháng 5/1980; cuộc thử nghiệm hạt nhân trong khí quyển cuối cùng được thực hiện vào tháng 10 năm đó.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) JL-1 được thử nghiệm vào năm 1982. Và vào năm 1983, Type 092 SSBN - tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc có khả năng bắn SLBM vào thời điểm đó - đã được đưa vào biên chế.
Đến năm 1985, người kế nhiệm Chủ tịch Mao, Chủ tịch Đặng Tiểu Bình, đã cắt giảm một triệu quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, trong một động thái chuyển hướng lớn sang phát triển kinh tế.
Nhà sử học Zhang giải thích: “Một trong những lý do quan trọng khiến chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc thành công là sự đảm bảo an ninh và sự tự tin mà năng lực hạt nhân mang lại cho Trung Quốc”.
Khi cuộc cắt giảm hàng loạt đang diễn ra, cựu Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đề nghị quân đội Trung Quốc "kiên nhẫn trong vài năm".
“Tôi thấy rằng vào cuối thế kỷ này, chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua mục tiêu tăng gấp 4 lần GDP và đến lúc đó, chúng ta sẽ mạnh hơn về mặt tài chính và có thể chi một khoản tiền tương đối lớn để hiện đại hóa trang thiết bị quân sự của mình”, ông Đặng cam kết với quân đội.
Trong những “năm kiên nhẫn” đó, nhiều chương trình quốc phòng lớn bị hủy bỏ hoặc đình chỉ. Nhưng tính đến thời điểm Trung Quốc tham gia Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996, quốc gia này đã tiến hành tổng cộng 45 cuộc thử hạt nhân vật lý.
Dựa trên những thí nghiệm đó, các nhà khoa học Trung Quốc hoàn thành việc chế tạo vũ khí neutron vào năm 1988, xác nhận sở hữu bom nhiệt hạch thu nhỏ vào năm 1999, chế tạo các tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân DF-21 và DF-31, cũng như tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) JL-2, và cuối cùng đã triển khai khả năng hạt nhân trên biển với JL-1A trên tàu ngầm Type 092.
Đến năm 1999, như ông Đặng dự đoán, nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ và ngân sách quân sự bắt đầu tăng vọt. Phần lớn số tiền được chi cho các năng lực thông thường.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 của Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Trung Quốc duy trì "chính sách hạt nhân tối thiểu", nhưng kho vũ khí hạt nhân của nước này lại mở rộng đáng kể với viêc việc đưa vào sử dụng SSBN Type 094 mới, SLBM JL-3 mới, DF-5C, ICBM DF-31AG và DF-41, IRBM có khả năng mang vũ khí hạt nhân DF-21D/26 và tàu lượn siêu thanh DF-17, cũng như máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân được cải tiến từ nền tảng cũ hơn H-6 series.
Theo ước tính của Lầu Năm Góc, tính đến tháng 5/2023, Bắc Kinh sở hữu hơn 500 đầu đạn hạt nhân đang hoạt động, có thể tăng lên hơn 1.000 đầu đạn vào năm 2030 và tiếp tục gia tăng cho đến năm 2035, tạo nên kho vũ khí hạt nhân tương đương với Mỹ và Nga.
Bên cạnh đó, việc xây dựng ít nhất 300 hầm chứa ICBM mới ở phía tây bắc Trung Quốc có thể đã hoàn thành vào năm 2022, với một số trong số đó được trang bị vũ khí. Cùng với các lò phản ứng nhanh mới và các cơ sở tái chế, Trung Quốc đang mở rộng số lượng các nền tảng triển khai hạt nhân trên đất liền, trên biển và trên không, đồng thời đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ việc mở rộng thêm các lực lượng hạt nhân của mình, bao gồm tên lửa DF-5C và JL-3.