Theo BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I TP.HCM, vaccine COVID-19 hay bất kỳ vaccine nào khác khi vào cơ thể đều có thời gian “sống” nhất định, không thể vĩnh viễn. Thậm chí tế bào trong cơ thể con người cũng sẽ được thay thế bởi các tế bào mới khác. Ngay cả virus cũng vậy, chỉ một số loại đặc biệt như virus HIV, viêm gan B hoặc các virus cộng sinh với cơ thể trong máu là tồn tại lâu.
Vaccine COVID-19 không thể tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể con người. (Ảnh: Thái Bình)
Sau khi tiêm, nhiều người lầm tưởng vaccine tồn tại trên cơ thể gây ra các phản ứng như sốt, đau nhức tay, người hay mệt mỏi, song thực chất không phải vậy. Đó là những phản ứng của cơ thể theo chu kỳ khi gặp phải các thành phần trong vaccine, còn thực chất, vaccine có thể đã được đào thải từ trước.
Thông thường tuỳ vào cơ địa cũng như loại vaccine một người được tiêm mà chu kỳ phản ứng này diễn ra trong khoảng 72 giờ (khoảng 3 ngày) rồi hết. Tuy nhiên, cũng có trường hợp chu kỳ phản ứng có thể kéo dài hơn, nhưng thường là kết thúc sau 28 ngày. "Vì vậy mà thời điểm này con người cần tiêm thêm 1 liều vaccine nữa để kích hoạt thêm phản ứng miễn dịch"", bác sĩ Khanh nói.
Chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 mũi 3?
Tại Việt Nam, theo thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, tính tới 14h chiều 23/11, cả nước tiêm được hơn 111 triệu liều. Cả nước có 58 tỉnh, thành phố tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. 22 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ trên 95% là: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP. HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.
5 tỉnh, thành phố tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine dưới 70% dân số từ 18 tuổi trở lên là: Thanh Hóa (53,6%), Sơn La (58,3%), Nghệ An (61,1%), Nam Định (64,4%) và Quảng Bình (68,6%). Bộ Y tế đã phân bổ vaccine cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng.
Hiện 32/63 tỉnh tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó 4 tỉnh tỷ lệ bao phủ trên 90% là Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đồng Nai và Long An.
Bộ Y tế đang tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và chuẩn hóa, liên thông dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19, qua đó rà soát, thống kê các trường hợp tiêm đủ 2 mũi để chuẩn bị xây dựng kế hoạch tiêm mũi 3 với các trường hợp đủ thời gian, ưu tiên người trên 50 tuổi…
Về tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em, theo Bộ Y tế, đến 23/11, cả nước có 25 tỉnh, thành phố tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi là Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.