Hãng thông tấn Nga TASS hôm 14/12 dẫn lời ông Andrey Kaprin, quan chức bộ y tế nước này cho biết, vaccine mRNA nội địa chống ung thư họ mới phát triển dự kiến được bắt đầu sử dụng vào năm 2025, và sẽ được phân phối miễn phí cho bệnh nhân.
Ông Kaprin là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Trưởng khoa Ung thư của Bộ Y tế Liên bang Nga, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y khoa Quốc gia về X quang.
Vaccine chống ung thư được miễn phí cho bệnh nhân
Trước đó, giám đốc Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật học quốc gia Gamaleya, ông Alexander Gintsburg, nói với TASS rằng các nghiên cứu tiền lâm sàng về loại vaccine ung thư này cho thấy nó có khả năng ức chế sự phát triển của khối u, cũng như có thể là khả năng di căn. Ông nói thêm rằng những người đầu tiên được tiêm vaccine ung thư mới như một phần của các thử nghiệm lâm sàng có thể là những bệnh nhân mắc bệnh ung thư hắc tố và ung thư phổi.
Theo ông Kaprin, Nga phát triển được vaccine ngăn ung thư này dựa trên công nghệ mRNA. Việc sản xuất vaccine cho từng bệnh nhân cụ thể sẽ tốn khoảng 300 nghìn rúp (2.889 USD) của nhà nước, tuy nhiên được miễn phí cho bệnh nhân.
"Nhìn chung, tất cả các loại thuốc ung thư, đặc biệt là lúc đầu, khi chúng thâm nhập thị trường, bao gồm cả thuốc miễn dịch, đều rất đắt, nhưng chúng tôi không muốn nghĩ rằng đây sẽ là loại thuốc chỉ dành cho giới thượng lưu”, ông Kaprin phát biểu trên Radio Russia.
Vaccine này được một số nhóm trung tâm khoa học Nga cùng phát triển: Trung tâm Gamaleya, Viện nghiên cứu ung thư Herzen Moskva (một phần của Trung tâm nghiên cứu y khoa quốc gia về X quang thuộc Bộ Y tế Liên bang Nga), và Trung tâm nghiên cứu y khoa quốc gia về ung thư N.N. Blokhin.
Theo Izvestia, các nghiên cứu tiền lâm sàng về vaccine này đã được thực hiện trong ba năm.
Tháng 11/2024, người đứng đầu Cơ quan Y tế và Sinh học Liên bang (FMBA) Veronika Skvortsova cho rằng vào cuối năm 2025, Nga có thể bắt đầu sử dụng vaccine ung thư trong nước. Khi đó, các nghiên cứu chỉ ra rằng loại vaccine này có thể làm giảm khối lượng khối u trong ung thư biểu mô ruột ở động vật tới 80%. Điều này cho phép các đối tượng tiếp tục sống chung với khối u và không chết vì nó.
Công nghệ mRNA mở ra nhiều hướng đi cho vaccine ung thư.
Những thông tin khác xung quanh vaccine ung thư
Vaccine phòng ngừa ung thư không được hiểu giống như vaccine phòng ngừa cúm và các bệnh truyền nhiễm khác. Các bệnh ung thư không lây nhiễm cho con người mà xảy ra do trục trặc trong cơ thể, thường là khi hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Vì vậy vaccine ung thư không hẳn là loại thuốc mà sau khi dùng bạn sẽ không bị ung thư nữa, mà chủ yếu được hiểu như phương pháp điều trị sử dụng cho các ca bệnh đã được chẩn đoán.
Một số vaccine phòng ngừa có thể chống lại ung thư từ khi chưa mắc bệnh là các loại vaccine phòng nhiễm các loại virus làm tăng nguy cơ ung thư (viêm gan, HPV).
Gần đây, tiến bộ trong nghiên cứu vaccine chống ung thư được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ quá trình phát triển vaccine mRNA chống COVID-19. Công nghệ mRNA được ưa chuộng trong lĩnh vực ung thư học và nhiều nước cũng đang trong quá trình nghiên cứu vaccine ung thư dựa trên công nghệ này.
Vaccine mRNA hoạt động bằng cơ chế mã hóa chuỗi protein của kháng nguyên ung thư trong mRNA, đưa mRNA này vào cơ thể để các kháng nguyên này được sinh ra trong cơ thể và buộc hệ thống miễn dịch phải tấn công chúng.
Vì vậy, các vaccine mRNA sẽ được tạo ra cá nhân hóa dựa trên "hộ chiếu khối u" của mỗi người. Bằng cách phân tích các đặc điểm di truyền của tế bào ung thư trong cơ thể người bệnh, sẽ cho thấy chính xác cách điều chỉnh vaccine để hệ miễn dịch của bệnh nhân bắt đầu chống lại chúng.
Vào tháng 9/2024, Nga đã thông qua luật cho phép sử dụng thuốc được cá nhân hóa. Bộ Y tế sẽ cần cho phép để các loại thuốc này được thử nghiệm lâm sàng.
Còn nhiều thách thức trong điều trị ung thư. (Ảnh minh họa)
Còn nhiều thách thức trong điều trị ung thư
Các nhà khoa học chỉ mới ở giai đoạn đầu của hành trình tạo ra một loạt vaccine ung thư đầy đủ. Họ có rất nhiều vấn đề cần giải quyết và một khoảng cách trong việc đưa lý thuyết đến gần thực tế. Trước hết, không phải tất cả các tế bào khối u đều có kháng nguyên riêng, trong khi đây là điều kiện chính để phát triển vaccine. Nếu hướng hệ miễn dịch vào những kháng nguyên cũng đồng thời có trong các tế bào khỏe mạnh, vaccine cũng sẽ tiêu diệt chúng và hậu quả của việc này có thể rất nguy hiểm.
Ngoài ra, các tế bào khối u không phải lúc nào cũng “ngoan ngoãn” chờ đợi số phận mà vaccine đã tạo ra. Chúng có thể sử dụng các cơ chế khác nhau để trở nên vô hình đối với hệ thống miễn dịch, hoặc tiến hóa, cố gắng sống sót sau sự tấn công của hệ thống miễn dịch. Trong một số trường hợp, vaccine chỉ kéo dài sự sống chứ không chữa khỏi bệnh.
Trong cuộc chiến chống lại ung thư, kích thước của khối u cũng đóng vai trò lớn. Ngay cả khi có phản ứng miễn dịch cần thiết, có thể vẫn chưa đủ để vượt qua khối u hoàn toàn. Bản thân hệ thống miễn dịch cũng có thể làm cơ thể suy yếu. Và ngay cả khi tìm thấy một loại vaccine có hiệu quả cho một loại ung thư cụ thể, nó vẫn cần phải được điều chỉnh cho các nhóm người khác nhau: người già, trẻ em, người mắc bệnh đi kèm.
Việc phát triển vaccine mRNA cũng liên quan đến việc tạo ra một loại thuốc được cá nhân hóa, nghĩa là mỗi bệnh nhân sẽ cần phải có mũi tiêm riêng dựa trên phân tích khối u. Việc sản xuất một loại vaccine như vậy không chỉ mất nhiều thời gian (và trong thời gian này, khối u có thời gian để thay đổi) mà còn tốn kém.