Trước khi phát hiện có một khối u ở ngực trái vào tháng 5/2020, Su Lin - cô gái trẻ 34 tuổi người Singapore là người rất khỏe mạnh, đam mê đạp xe, thường xuyên chạy bộ và tập yoga. Vốn trẻ trung và đầy sức sống, Su Lin chưa bao giờ nghĩ mình lại mắc căn bệnh quái ác này.
“Khi phát hiện, tôi nghĩ rằng khối u của mình không nghiêm trọng lắm. Nhiều người bạn của tôi cũng bị nhưng họ chỉ cần cắt bỏ khối u nang đó. Vì vậy, tôi chưa đi khám luôn mà đợi đến khi rảnh rỗi”, cô giáo tiểu học cho biết.
Sau nhiều lần kiểm tra và chụp cắt lớp, cô nhận được kết quả chẩn đoán về bệnh tình của mình - một kết quả cô không bao giờ muốn nghe thấy. Sun Lin được chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn 1.
“Khi đó, tôi thậm chí không khóc nổi vì quá sốc”, cô cho biết. “Tôi luôn nghĩ rằng ung thư chỉ xảy ra với người lớn tuổi. Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ mắc căn bệnh này”, Su Lin cũng nói thêm rằng gia đình cô không ai có tiền sử mắc ung thư.
Là một người trẻ tuổi năng động, Su Lin đã bị sốc khi được chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn 1 vào cuối tháng 6. (Ảnh: Su Lin)
Phải mất 4 ngày bình tĩnh, cô mới dám kể về bệnh tình của mình cho người thân ở Kuala Lumpur, Malaysia. Họ rất sốc nhưng cũng nhanh chóng lấy lại tinh thần để động viên Su Lin. “Dù không có những cái ôm mà chỉ có những lời động viên qua cuộc gọi video, nhưng tôi cũng cảm thấy mạnh mẽ hơn. Đó là lúc tôi nghĩ rằng mình có thể vượt qua được cú sốc này", cô nói.
Với tinh thần lạc quan, Su Lin tập trung vào việc điều trị và phục hồi một cách nhanh chóng. Vào tháng 7, cô trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u trên vú và hiện đang trong quá trình hóa trị.
Su Lin cho biết, cô muốn chia sẻ câu chuyện của mình để nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú và tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên đối với mọi người.
“Dù bạn bao nhiêu tuổi, đừng bao giờ coi mọi thứ đều hiển nhiên. Dù không thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe nhưng bạn phải luôn chú ý đến cơ thể của mình, bởi vì chúng ta chỉ có duy nhất một cơ thể và một cuộc sống”, cô nói.
Theo Cơ quan lưu trữ thông tin về ung thư Singapore (SCR), có 2.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú mỗi năm. Từ năm 2013 đến năm 2017, 16,3% bệnh nhân nữ dưới 40 tuổi được chẩn đoán mắc ung thư vú. Trò chuyện trên Kênh truyền hình Channel News Asia (CNA), các bác sĩ cho biết tỷ lệ mắc ung thư vú ở phụ nữ trẻ đang tăng lên - hệ quả của cuộc sống sung túc nhưng chứa nhiều áp lực.
TS Radhika Lakshmanan, bác sĩ phẫu thuật tổng quát, chuyên gia tư vấn các bệnh về vú cho biết, tỷ lệ bệnh nhân ung thư vú trẻ tuổi ngày càng lớn hơn trong thập kỷ qua. Phòng khám của cô tiếp đón khoảng 50 bệnh nhân ung thư vú mới mỗi năm. Trong đó, số lượng phụ nữ dưới 40 tuổi chiếm khoảng 30%.
“Có quan điểm cho rằng, nguyên nhân trẻ hóa ung thư vú là do phụ nữ có xu hướng sinh con đầu lòng muộn hơn", bà cho biết.
Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ mang thai và sinh con sớm sẽ giảm nguy cơ phát triển ung thư vú về sau. Trong khi đó, có thai trên 35 tuổi có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.
TS Lakshmanan cho biết, phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư vú trẻ tuổi cũng có thể phức tạp hơn so với bệnh nhân lớn tuổi. Điều này do sự tác động của một số yếu tố, ví dụ khả năng sinh sản.
“Hóa trị ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản. Vì vậy, trước khi bắt đầu điều trị, bệnh nhân thường được khuyên tham khảo ý kiến bác sĩ phụ khoa để cân nhắc việc đông lạnh hoặc trữ phôi vì cơ hội thụ thai của họ có thể giảm sau khi điều trị ung thư”, bà nói.
Bên cạnh những nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức về ung thư vú trong những năm qua, thì vẫn còn khoảng cách đáng kể giữa tuyên truyền và hành động.
Cuộc điều tra sức khỏe dân số quốc gia tại Singapore năm 2020 cho thấy, có 85 - 99% phụ nữ biết về chụp X-quang tuyến vú. Tuy nhiên, chỉ 38,7% phụ nữ trong độ tuổi từ 50 - 69 cho biết họ đã chụp quang tuyến vú trong vòng 2 năm qua.
PGS.TS Veronique Tan, Cố vấn cao cấp của Khoa phẫu thuật vú tại Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore (NCCS) cho biết, hầu như các trường hợp mắc ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn sau.
“Tại Singapore, 10% trường hợp ung thư vú được chẩn đoán ở giai đoạn 4. Và nếu bạn coi giai đoạn 3 và 4 là ung thư vú tiến triển, thì có 25% trường hợp được chẩn đoán ở giai đoạn đó. Con số này thực sự rất cao", cô cho biết.
Theo PGS Veronique Tan, NCCS nhận thấy có khoảng 1.200 trường hợp ung thư vú mới mỗi năm tại Singapore. Trong khi đó, Hàn Quốc - quốc gia có tỷ lệ dân số tương đương với Singapore - chỉ có 1% bệnh nhân ung thư vú được chẩn đoán ở giai đoạn 4.
TS Tan cho biết, một trong số những quan niệm sai lầm phổ biến về ung thư vú đó là bệnh này thường xảy ra với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư.
Nhiều nỗ lực được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức về căn bệnh ung thư vú.
“Nhiều phụ nữ nghĩ rằng họ không cần phải đi chụp chiếu vì gia đình họ không có tiền sử ung thư và họ cảm thấy hoàn toàn ổn. Nhưng trên thực tế, 85% phụ nữ mới được chẩn đoán mắc ung thư vú không có tiền sử gia đình. Vì vậy, không có tiền sử gia đình không có nghĩa là chúng ta đang an toàn, và có tiền sử gia đình không có nghĩa là bạn sẽ phải mắc ung thư vú. Mọi người đều có thể gặp rủi ro như nhau", cô nói thêm.
Cũng theo PGS Tan, mặc dù các trường hợp ung thư vú ở nam giới tương đối hiếm, nhưng cũng không thể loại trừ. Cô cho biết thêm rằng mình gặp 1 hoặc 2 bệnh nhân nam mỗi năm.
“Nhiều người đàn ông ngoài kia không bao giờ nghĩ rằng mình cũng có thể bị ung thư vú. Vì thế, trong nhiều trường hợp, chẩn đoán bệnh bị trì hoãn vì họ không nghĩ đến việc phải đi khám”, cô cho biết.
Hiện, có nhiều cuộc thảo luận giữa NCCS, Hiệp hội Ung thư Singapore và Quỹ Ung thư vú để thành lập một nhóm hỗ trợ cho các bệnh nhân nam mắc ung thư vú tại đây.