Năng lực phòng thủ của Ukraine đang dần được cải thiện nhờ lực lượng được củng cố và loạt khí tài mà phương Tây viện trợ. Nhưng vấn đề đau đầu nhất hiện nay với Bộ trưởng Tài chính Ukarine Sergii Marchenko là kinh phí để trang trải cho cuộc chiến.
Kể từ khi xung đột bùng phát, Ukraine phải vật lộn với khoảng chênh lệnh đáng kể giữa ngân sách cho chiến sự và nguồn thu thuế suy giảm trong bối cảnh nền kinh tế bị tàn phá.
Phương Tây, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU) hứa hẹn về các khoản viện trợ. Nhưng các gói hỗ trợ tài chính này đều đổ về rất nhỏ giọt.
Ngân hàng trung ương Ukraine đang phải bù đắp khoản chênh lệnh, in thêm tiền để chính phủ có thể trả lương cho quân đội, mua vũ khí và đạn dược.
Nhưng điều đó vô hình trung là suy yếu đồng tiền quốc gia, đẩy lạm phát lên cao và làm dấy lên lo ngại nền tài chính mỏng manh có thể làm suy yếu khả năng tài trợ ngân sách cho cuộc chiến hiện tại.
"Dù là đêm hay ngày thì nó vẫn là cơn đau đầu dai dẳng với tôi", ông Marchenko nói.
Gót chân Achilles
Trước chiến sự, Ukraine là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu nếu xét theo thu nhập bình quân đầu người.
Các cuộc khủng hoảng kinh tế kéo lùi quốc gia này trong khi các nước Đông Âu khác gia nhập EU và phát triển nhhanh chóng.
Bộ trưởng Tài chính Ukarine Sergii Marchenko. (Ảnh: WSJ)
Theo Wall Street Journal, khát vọng của Ukraine trong việc định hình lại nền kinh tế "hướng theo phương Tây" là một trong những nguyên nhân dẫn tới xung đột với Nga.
Sản lượng kinh tế Ukraine sụt giảm sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự hồi tháng 2. Tổng sản phẩm quốc nội hàng tháng giảm gần một nửa trong tháng 3 do các doanh nghiệp phải đóng cửa, hàng triệu người sơ tán khỏi đất nước.
Với việc năng lực phòng thủ của Ukraine được cải thiện giúp làm chậm bước tiến của quân đội Nga, nền kinh tế của nước này đang có dấu hiệu ổn định hơn. Nhưng chính phủ Ukraine dự báo GDP trong năm nay của nước này sẽ thấp hơn năm ngoái khoảng 30% và khả năng củng cố tài chính cho chiến sự sẽ phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế.
Thiếu tiền có nguy cơ trở thành gót chân Achilles của Ukraine. Trước xung đột, các khoản thu và chi của Ukraine bù đắp cho nhau. Hiện tại, nguồn thu từ thuế chỉ trang trải được khoảng 40% chi tiêu của chính phủ. Trong khi đó, tài chính chi trả cho xung đột chiếm hơn 60% ngân sách.
Dù ông Marchenko đã tìm cách cắt giảm tất cả các khoản chi tiêu không cần thiết, chính phủ Ukraine vẫn cần khoảng 5 tỷ USD/tháng để trang trải chi tiêu phi quân sự.
Các chính phủ phương Tây cam kết hỗ trợ Ukraine bằng cách khoản viện trợ không hoàn lại và cho vay. Điều này giúp Kiev có thêm các nguồn lực cho cuộc chiến dài hơi.
Nhưng 30 tỷ USD mà các nước này hứa hẹn trong năm nay không đủ để đáp ứng nhu cầu của quốc gia Đông Âu. Chưa kể việc giải ngân đang diễn ra chậm hơn nhiều với các cam kết.
Ông Marchenko không dưới một lần thúc giục các nước phương Tây hành động nhanh chóng hơn.
"Sự hỗ trợ mà chúng tôi nhận được giúp chúng tôi có cơ hội chiến thắng cuộc chiến này và tốt hơn hết là các khoản này nên sớm tới tay chúng tôi. Nếu không có số tiền này, cuộc chiến sẽ kéo dài hơn và gây thiệt hại cho các nền kinh tế", Bộ trưởng Tài chính Ukraine cho hay.
Một vấn đề đáng chú ý khác là các nước phương Tây gần đây bắt đầu tỏ ra hụt hơi trong việc cung cấp các gói hỗ trợ tài chính mới.
Dữ liệu được Viện Kinh tế Thế giới Kiel ở Đức tổng hợp cho thấy, 6 quốc gia châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Ba Lan không đưa ra bất cứ cam kết viện trợ quân sự mới nào cho Ukraine vào tháng 7.
Đây là tháng đầu tiên mà các nước này không đưa ra bất kỳ lời hứa hẹn nào về việc bơm thêm tiền cho Kiev kể từ khi chiến sự bùng phát, dấu hiệu cho thấy viện trợ quân sự cho Ukraine đang giảm dần.
Thống kê của Kiel cũng chỉ ra rằng các cam kết viện trợ quân sự của châu Âu cho Kiev liên tục giảm kể từ cuối tháng 4.
Một hội nghị của EU về cuộc xung đột Ukraine. (Ảnh: Reuters)
Trong một sự kiện tại Đan Mạch 2 tuần trước, các nước phương Tây cam kết viện trợ thêm cho Ukraine hơn 1,5 tỷ USD. Nhưng con số này được đánh giá là khá ít ỏi so với những gì được đưa ra ở các hội nghị trước đó.
“Khi so sánh tốc độ ký những tờ séc và số tiền được chuyển đi với những đề xuất của Ukraine, đây chỉ là một con số rất nhỏ”, ông Christoph Trebesch - trưởng nhóm theo dõi viện trợ dành cho Ukraine cho hay.
Chật vật tìm giải pháp
Trước loạt diễn biến không mấy lạc quan, ông Marchenko nhận được một thông tin tích cực vào ngày 10/8.
Theo đó, các chủ nợ nước ngoài đã đồng ý đề xuất của Bộ Tài chính Ukraine về việc đóng băng các khoản nợ của nước này tới năm 2024. Động thái này cùng một số thỏa thuận tương tự vào tháng trước giúp Kiev tiết kiệm được 5,9 tỷ USD trong 2 năm.
Nhưng nó là chỉ một phần nhỏ so với khoản thiếu hụt của Ukraine.
Các quan chức Ukraine cho biết Anh và Mỹ đang thực hiện các cam kết của họ nhưng Kiev bắt đầu thất vọng khi các lời hứa hẹn của EU bị cuốn vào tranh cãi nội bộ giữa Đức và Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành khối.
Cho tới nay, Ukraine mới chỉ nhận được 1 tỷ trong số 9,2 tỷ USD mà EU cam kết viện trợ, Đức chuyển cho Kiev khoản tài trợ song phương trị giá hơn 1 tỷ USD vào tháng 6 nhưng lại phản đối kế hoạch của EC về việc cung cấp các khoản vay lãi suất thấp được hỗ trợ bởi sự bảo đảm từ các nước thành viên EU.
Các cuộc thảo luận về việc đưa ra các khoản tài trợ hay cho vay và làm thế nào để chia sẻ gánh nặng đã kéo dài suốt mùa hè. EC cho biết họ đang làm việc để đi tới một đề xuất mới.
Theo ông Rostyslav Shurma - cố vấn kinh tế cho Tổng thống Zelensky, Ukraine không có thời gian chờ đợi các cuộc tranh cãi từ EU.
"Vấn đề là họ không cảm nhận được sức ép của chiến tranh. Điều duy nhất là họ cảm thấy ở EU lúc này là giá cả tăng cao", ông Shurma cho hay.
Để bù đắp thiếu hụt, chính phủ Ukraine đang phát hành trái phiếu chiến tranh, nhưng các khoản tiết kiệm của người dân nước này lại có hạn. Nhiều người dân Ukraine đang phải sống bằng những đồng tiền tiết kiệm của họ, bao gồm hàng triệu người tị nạn.
Ukraine đang phải vật lộn với bài toán ngân sách cho chiến sự. (Ảnh: Getty Images)
Ngân hàng trung ương Ukraine đang cố lấp lỗ hổng bằng cách in thêm tiền.
“Đó là một quyết định rất đau đớn đối với chúng tôi", Sergiy Nikolaychuk - Phó thống đốc Ngân hàng Quốc gia Ukraine cho biết.
Từ năm 2015, Ngân hàng Quốc gia Ukraine tăng cường tính độc lập về chính trị như một phần cải cách theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea. Theo đó, ngân hàng này phải tuân thủ chính sách chống lạm phát.
Nhưng sau khi Nga đưa quân sang Ukraine, ngân hàng của Kiev buộc phải thay đổi.
"Chúng tôi không còn cách lựa chọn nào khác, nếu không nền tài chính công sẽ sụp đổ", ông Nikolaychuk nói.
Ngân hàng in thêm tiền và mua trái phiếu chính phủ, tùy thuộc vào lượng viện trợ tài chính phương Tây gửi đến mỗi tháng. Việc in thêm nhiều tiền vào tháng 6 gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của đồng hryvnia của Ukraine, buộc ngân hàng trung ương phải phá giá tiền tệ so với đồng USD vào tháng 7.
Giá trị của đồng tiền này đã giảm khoảng 30% kể từ khi chiến sự bắt đầu, đẩy lạm phát tăng lên hơn 20%.
Nếu các chính quyền phương Tây giải ngân khoảng 3 tỷ USD mỗi tháng, Ngân hàng Quốc gia Ukraine có thể kiểm soát được mức độ in tiền, theo ông Nikolaychuk.
Ngân hàng này đang thúc giục chính phủ tăng thuế và cắt giảm các khoản chi để ổn định lại tài chính. Nhưng ông Marchenko cho rằng điều này không phù hợp với tình hình hiện tại.
"Thỉnh thoảng, chúng tôi có quan điểm khác biệt với ngân hàng quốc gia. Chúng tôi phải lo lắng tới việc giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Thà chấp nhận rủi ro lạm phát còn hơn không trả lương cho các binh sỹ", ông Marchenko nói.
Bộ trưởng Tài chính Ukraine dự đoán chiến sự sẽ còn kéo dài, kéo thể là sang tới năm 2023.
"Đó là một cuộc chạy đua marathon", ông nói.
Kiev đang có các cuộc thảo luận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về một chương trình cho vay mới và để gửi đề xuất chính thức. Một chương trình của IMF có thể khuyến khích các chính phủ phương Tây tăng cường hỗ trợ tài chính.
"Nếu không có chương trình của IMF, sẽ rất khó để hướng tới năm 2023", ông Marchenko cho hay.
Nhưng cái khó của IMF lúc này là dự đoán khoản nhu cầu tài chính của Ukraine vốn phụ thuộc vào khả năng kháng cự của lực lượng Kiev trên chiến trường.
"Có sự băn khoăn về độ tin cậy của dữ liệu và dự báo. Không dễ để xây dựng một chương trình với một quốc gia đang trong thời chiến", người đứng đầu Bộ Tài chính Ukraine thừa nhận.