Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tỷ phú tự thân ở Trung Quốc: Làm công lương 24.000 đồng/ngày, giàu nhờ giấy vụn

(VTC News) -

Các nữ tỷ phú tự thân của Trung Quốc đều có xuất phát điểm nghèo khó, nhờ nắm bắt cơ hội đã ghi tên mình vào danh sách những người giàu nhất đất nước.

Đừng bỏ cuộc chỉ vì một lần lui bước”, lời bà Zhou Qunfei, nữ tỷ phú Trung Quốc - một trong những quốc gia có số tỷ phú tự thân nhiều nhất thế giới.

Từ công nhân lương 1 USD/ngày đến top nữ tỷ phú giàu nhất hành tinh

Zhou Qunfei, 51 tuổi, là giám đốc điều hành của Lens Technology - một công ty sản xuất và bán màn hình cảm ứng cho máy tính, điện thoại thông minh, ống kính máy ảnh và một số sản phẩm kính bảo vệ cùng các phụ kiện điện tử khác. Danh sách đối tác của Lens Technology gồm nhiều gã khổng lồ công nghệ như Tesla, Apple và Samsung. Theo Forbes, tính đến tháng 5/2021, công ty trị giá 19,7 tỷ USD.

Nhìn vào Zhou Qunfei của hiện tại, không mấy ai biết được bà từng trải qua tuổi thơ cơ cực, phải bỏ học để đi làm công nhân với mức lương bèo bọt. Con đường trở thành một trong những nữ tỷ phú giàu nhất thế giới của bà không hề bằng phẳng.

Zhou Qunfei - giám đốc điều hành của Lens Technology. (Ảnh: China Today)

Zhou Qunfei sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc. Sớm mồ côi mẹ từ khi 5 tuổi, Qunfei được nuôi lớn bằng đồng lương ít ỏi của cha - một nghệ nhân đan tre khuyết tật. Người bố không thể chăm sóc con gái đến tuổi trưởng thành và mất khi Qunfei mới 16 tuổi.

Không còn cha mẹ, Qunfei phải bỏ học và đến sống với người chú ở tỉnh Quảng Đông. Để tự trang trải, bà xin làm công nhân trong dây chuyền lắp ráp của một nhà máy sản xuất mặt kính đồng hồ với mức lương 1 USD/ngày. Ban ngày đi làm, buổi tối bà tham gia lớp kế toán tại chức đại học Thâm Quyến với mong ước thay đổi cuộc đời. Nhờ chăm chỉ làm việc, Zhou Qunfei được thăng chức lên vị trí quản lý trong nhà máy, đánh dấu cột mốc đầu tiên trong sự nghiệp rực rỡ của bà.

Năm 1993, với số vốn tích lũy là 2.500 USD và những kiến thức quý giá từ công việc trước, Zhou Qunfei bắt đầu công việc kinh doanh đầu tiên của mình: sản xuất kính đồng hồ. Trong 10 năm tiếp theo, nhờ sự giúp đỡ từ các thành viên trong gia đình, công ty thấu kính Lens Technology của bà bước đầu đặt được nền tảng vững trãi với hơn 1.000 công nhân.

Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn và thất bại với tư cách là một doanh nhân”, Qunfei chia sẻ về quá trình thành lập doanh nghiệp của mình.

Bước ngoặt lớn cho công ty của Qunfei đến khi bà giành được hợp đồng sản xuất màn hình thủy tinh cho Motorola vào năm 2003, vừa đúng thời điểm ngành công nghiệp thiết bị di động chuyển từ màn hình nhựa sang thủy tinh. Thỏa thuận với Motorola đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp lớn khác hợp tác với công ty của nữ doanh nhân Qunfei. Nhiều gã khổng lồ công nghệ như HTC, Nokia và Samsung,… liên hệ với bà để xin ký hợp đồng. Năm 2007, Apple cũng chọn Lens Technology làm nhà cung cấp màn hình cảm ứng thủy tinh. Kể từ đó, khách hàng của công ty tiếp tục mở rộng, bao gồm các tên tuổi lớn khác như LG, Microsoft, Huawei và Tesla.

Bản thân Zhou Qunfei được công nhận là một trong những nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới. Tính đến tháng 6/2021, tài sản của bà có giá trị 15 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 131 trong Danh sách tỷ phú của Forbes.

Trong một cuộc phỏng vấn, Qunfei đã chia sẻ về việc kiên trì theo đuổi mục tiêu sự nghiệp: “Một khi bạn bỏ cuộc giữa chừng, bạn sẽ không có đủ can đảm để quay lại và bắt đầu lại từ đầu. Chỉ khi tiếp tục kiên trì, chúng ta mới có thể thành công. Đừng bỏ cuộc chỉ vì một lần lui bước”.

Liu Fangyi – Nắm bắt cơ hội trong thảm họa toàn cầu

Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3/2020, thị trường sụp đổ và các nền kinh tế trên toàn thế giới rơi vào suy thoái. Đồng thời, hàng trăm tỷ phú rớt khỏi hàng ngũ trong danh sách Các tỷ phú thế giới của Forbes. Nhưng chính trong thời điểm khó khăn đó, một số doanh nhân lại tìm thấy “cơ hội ngàn vàng”. Nhiều công ty và cá nhân giàu lên nhanh chóng nhờ phát triển vaccine mới và các phương pháp điều trị đầy hứa hẹn, trong khi những người khác bán thiết bị xét nghiệm và bảo hộ - các mặt hàng thiết yếu trong thời kỳ đại dịch.

Một năm sau, thế giới ghi nhận kỷ lục 493 doanh nhân mới gia nhập danh sách tỷ phú. Một trong số đó là Liu Fangyi, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Intco Medical – hãng sản xuất đồ bảo hộ cá nhân như găng tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ và nước rửa tay của Trung Quốc. Ông trở thành tỷ phú nhờ phát triển thiết bị bảo hộ - y tế trong đại dịch COVID-19.

Intco Medical là hãng sản xuất đồ bảo hộ cá nhân như găng tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ và nước rửa tay của Trung Quốc. 

Là một trong những tỷ phú tự thân của Trung Quốc, ông Fangyi bắt đầu kinh doanh găng tay dùng một lần khi còn là sinh viên đại học California ở Irvine, vào những năm 1990.

Năm 2009, ông trở về Trung Quốc để thành lập Intco Medical, công ty được niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến từ tháng 7/2017.

Gã khổng lồ về thiết bị y tế này có 10 nhà máy của mình với hơn 6.000 nhân viên, sản xuất hàng tỷ chiếc găng tay và khẩu trang dùng một lần, hàng triệu lít gel khử trùng. Đến nay, sản phẩm của công ty ông có thể được tìm thấy ở bất kỳ nhà hàng nào tại Trung Quốc. Các sản phảm này cũng được bán ở hơn 120 quốc gia khác trên thế giới.

Theo Forbes, giá trị tài sản ròng của ông đã tăng vọt lên khoảng 4,2 tỷ USD vào tháng 3 năm nay.

“Bà trùm tái chế giấy vụn” Zhang Yin

Năm 1985, người phụ nữ 27 tuổi tên Zhang Yin ly hôn chồng, ôm theo con trai và số vốn chưa đến 4.600 USD bắt đầu công việc kinh doanh giấy vụn tại Hong Kong.

Người phụ nữ ấy chính là chủ tịch của Nine Dragons Paper Holdings ngày nay. Theo thống kê của Forbes năm 2020, bà sở hữu tài sản trị giá 1,9 tỷ USD, đứng thứ 301 trong số những người giàu nhất Trung Quốc và là một trong những nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới.

Bà Zhang Yin - chủ tịch của Nine Dragons Paper Holdings. (Ảnh: Getty Images)

Nhờ tác phong giản dị và cách làm việc không nề hà, bà Zhang rất được giới doanh nhân Trung Quốc nể trọng. Theo tờ Daily Telegraph, thành công của bà Zhang "là bước đột phá đối với phụ nữ Trung Quốc".

Zhang Yin xuất thân là chị cả trong số 7 người con của một gia đình quân nhân nghèo khó ở tỉnh Hắc Long Giang. Bà từng tiết lộ: “Trong ký ức của tôi, gia đình chỉ ăn thịt vào cuối tuần”.

Sự thiếu thốn về vật chất khiến Zhang càng trân trọng giá trị của tài sản. Bà tin rằng kiến thức có thể thay đổi vận mệnh, vì vậy bà luôn nỗ lực học tập hết mình với mục tiêu cải thiện hoàn cảnh gia đình. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà làm kế toán trong một công ty liên doanh với thu nhập khá cao. Trong một lần đến thăm Hong Kong, bà Zhang nhìn thấy tiềm năng của ngành giấy phế liệu – một ngành công nghiệp không mấy hấp dẫn với nhiều người. Với niềm tin rằng ngành này có triển vọng lớn, bà quyết định bỏ việc để khởi nghiệp.

Bà Zhang Yin đã nhìn thấy tiềm năng của ngành giấy phế liệu ở Hong Kong. (Ảnh: Getty Images)

Thời điểm mới bắt đầu, do không thạo tiếng Quảng Đông, bà Zhang thường kém tự tin mỗi khi giao tiếp với các doanh nhân bản xứ. Không chỉ vậy, bà còn nhiều lần bị đối tác lừa gạt và khó hòa hợp với người dân địa phương.

Năm 1990, bà Zhang chuyển đến Los Angeles cùng với chồng thứ hai là nha sĩ Lai Ming và thành lập công ty America Chung Nam với mục đích tìm nguồn giấy thải để tái chế thành bao bì cho các mặt hàng tiêu dùng Trung Quốc. Những đầu, hai vợ chồng phải lái xe vòng quanh nước Mỹ tìm các bãi rác để đề nghị thu mua giấy vụn. Đáp lại những nỗ lực ấy, America Chung Nam đã trở thành hãng xuất khẩu giấy hàng đầu tại Mỹ.

Năm 1996, bà Zhang trở về Trung Quốc thành lập Nine Dragons Paper Holdings. Trong 9 năm, công ty trở thành nhà sản xuất sản phẩm bao bì giấy đứng thứ hai châu Á và thứ 8 thế giới. Ước tính, giá trị thị trường của Nine Dragons Paper vào khoảng 2,5 tỷ tệ.

Tiết lộ về nguyên nhân lựa chọn lĩnh vực tái chế, Zhang Yin nói: "Một đồng nghiệp trong ngành kinh doanh đã nói với tôi: 'Giấy thải giống như một khu rừng. Giấy có thể được tái chế, hết thế hệ này sang thế hệ khác' ”.

Trần Trang

Tin mới