Cũng phải nói rõ, TCC chính là cổ đông lớn nhất của BigC Thái Lan, với 97,94% cổ phần, sau cuộc đua thâu tóm cổ phần đa số (58,6%) của Tập đoàn Casino (Pháp) ở BigC Thái Lan hồi tháng 2/2016 và mua lại 25% cổ phần của CP Group tại đây hồi tháng 5/2016.
BigC hiện là một nhà bán lẻ thực phẩm và bất động sản thương mại hàng đầu ở Thái Lan, có mạng lưới rộng lớn với hơn 700 điểm kinh doanh, trong đó có 125 đại siêu thị...
Nếu cộng với những gì Mega Market Việt Nam (tên chính thức của Metro Việt Nam kể từ tháng 7/2016) đang có là 19 trung tâm bán sỉ đang hoạt động trên toàn quốc, 2 trung tâm trung chuyển, phân phối rau quả đặt tại Lâm Đồng và cá tươi tại Cần Thơ, 2 trung tâm chuyên văn phòng phẩm tại TP.HCM và Hà Nội, thì việc hợp nhất với BigC Thái Lan, theo tiết lộ của tỷ phú Chareon, chắc chắn sẽ tạo nên quyền lực mới của TCC tại khu vực, chứ không dừng lại ở thị trường Việt Nam hay Thái Lan.
Ở góc độ hàng hóa Việt Nam, đây là tin mừng, vì khi TCC đang nắm trong tay cả kênh bán sỉ và bán lẻ rộng khắp, cơ sở để thực hiện cam kết đưa hàng Việt tới các thị trường trong khu vực là chắc chắn, cho dù tỷ phú Thái Lan nói sẽ tiếp tục đàm phán với Big C Thái Lan.
Thực ra, kế hoạch với hàng Việt Nam mà ông Charoen nhắc tới đã được bắt đầu kể từ tháng 7/2016, khi hơn 100 tấn thanh long đã được TCC xuất sang phân phối trong hệ thống BigC Thái Lan. Đơn hàng này sẽ được tiếp tục với tần xuất 100 tấn thanh long/tháng. Hiện tại, TCC đang tìm kiếm các nhà cung cấp hàng nông sản khác như bơ, cam sành, vú sữa, khoai lang...
Ngoài ra, sau 8 tháng nắm quyền điều hành Metro, TCC đã đẩy mạnh các dự án phát triển nông nghiệp, gồm cả rau củ quả lẫn thủy hải sản, trong đó hỗ trợ nông dân từ giai đoạn chọn giống đến quy trình thu hoạch theo tiêu chuẩn VietGap. Hiện tại, Mega Market Việt Nam đã phát triển hơn 95 mặt hàng VietGap với sản lượng hơn 700 tấn/tháng, chiếm 70% lượng nông sản tại đây.
Đặc biệt, một vài thông tin cũng cho biết, Mega Market có thể sẽ đầu tư sang Thái Lan để mở kênh bán sỉ tại thị trường này. “Thời gian qua, chúng tôi đang nỗ lực để vực dậy Metro, vì trước đó, bên bán là Metro Cash & Carry của Đức không mặn mà điều hành, trong khi chúng tôi không thể tham gia sâu hơn do chưa hoàn tất thủ tục”, ông Chareon nói.
Trong con mắt của tỷ phú Chareon, Việt Nam tiếp tục là địa điểm được cân nhắc, thậm chí theo đúng lời của ông là “có sự quan tâm đặc biệt”. “Chúng tôi đến Việt Nam vào năm 1995, trải qua khủng hoảng năm 1997, nhưng vẫn cầm cự để không từ bỏ. Cho tới thời điểm này, với các kế hoạch mở rộng liên tục trong vài năm qua, chúng tôi tin tưởng vào quyết định của mình về sự phát triển của thị trường Việt Nam”, ông Chareo chia sẻ trong lần đến Việt Nam vào cuối tháng trước.
Ba lý do níu chân vị tỷ phú này tại Việt Nam, đó là người lao động cần cù, có nỗ lực phát triển bản thân; Chính phủ quan tâm tạo điều kiện để người dân phát triển và nguồn nước tốt cho phát triển nông nghiệp. Có thể đây là lý do khiến ông quyết định tiến hành các thủ tục mua lại Metro tại Việt Nam, thay vì ở nước ngoài theo đề xuất của bên bán. Cũng chính bởi vậy, ông cũng phản biện những lo ngại về việc Metro sẽ trở thành kênh cung cấp hàng hóa Thái Lan tại Việt Nam.
“Khi chúng tôi kinh doanh Metro, chúng tôi phải nghĩ tới chất lượng và chi phí khi lựa chọn nguồn hàng. Ví dụ, nếu mua ở Việt Nam, chúng tôi sẽ có lợi nhiều về chất lượng và giá cả hàng nông sản, mà nếu nhập thì chi phí cho hư hại sẽ lớn. Hơn thế, Metro là kênh bán buôn, tỷ lệ lợi nhuận thấp, nếu nhập khẩu nhiều, chi phí vận chuyển sẽ cao, làm giảm lợi nhuận. Là người kinh doanh nên chúng tôi phải cân nhắc, sẽ chỉ nhập những mặt hàng Việt Nam chưa có”, tỷ phú Chareon thẳng thắn chia sẻ quan điểm.
Đặc biệt, ông Chareon cũng đang hào hứng với kế hoạch bắt tay với các nhà sản xuất Việt Nam để mở rộng cả chủng loại và khối lượng hàng hóa xuất khẩu sang Thái Lan qua kênh của TCC. Vì ông tính, cả ông và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đều có lợi. Trong kế hoạch này, ThaiBev - chuỗi nhà hàng sushi Nhật Bản Oishi - cũng đang được giao tìm các nhà hàng Việt Nam để đưa sang phát triển tại Thái Lan.