Chiều 16/7, TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về về tình hình dịch COVID-19, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, tỷ lệ người chết do mắc COVID-19 tại TP.HCM hiện nay là 0,75%, thấp hơn so với thế giới với 2%.
Cố gắng kéo giảm bệnh nhân tử vong
Theo ông Nam, số người chết gia tăng vì khả năng biến chứng nặng của chủng Delta rất nhanh. Các ca bệnh chết đa số lớn tuổi, có bệnh nền. Một vài ca xuất hiện ở nhóm trẻ hơn, nhưng cũng xoay quanh nhóm 60 tuổi.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam.
"Thời gian tới, TP.HCM cố gắng kéo giảm tỷ lệ người chết do mắc COVID-19 bằng cách thiết lập các bệnh viện điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 4 tầng, trong đó tầng 4 điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch", ông Nam nói.
Liên quan đến việc sử dụng học trường học làm khu cách ly, ông Nam cho biết, chủng Delta có nguy cơ lây nhiễm cao, khi sử dụng trường học nhà vệ sinh không đủ vì không giống như căn hộ hay ký túc xá có phòng riêng.
Ở trường học nhiều lớp học chỉ có 1-2 khu vệ sinh nên việc lưu thông từ phòng qua khu vệ sinh gây nguy cơ lây nhiễm.
Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn, nếu dùng trường học thì chỉ làm nơi cách ly tạm thời các F0 qua test nhanh. Nếu bố trí làm khu cách ly F1 thì quy định khung giờ đi vệ sinh để hạn chế giao lưu, tiếp xúc, để giảm nguy cơ lây mắc dịch bệnh COVID-19.
Có thể mở rộng lên 50.000 giường
Theo ông Nam, với số lượng F0 tăng nhanh, việc điều phối đến các bệnh viện chưa đáp ứng vì khả năng cung ứng cơ sở vật chất, giường bệnh cũng còn gặp nhiều khó khăn.
TP cũng đã triển khai phương án khắc phục tình trạng chậm chuyển F0 nặng đi cách ly, điều trị trong khi các bệnh viện quá tải. Ngành Y tế đã chủ động xét nghiệm tầm soát rộng bằng cách test nhanh và PCR nhằm truy vết nhanh các F0 trong cộng đồng, chuyển đến bệnh viện dã chiến, tuy nhiên năng lực đáp ứng có hạn.
Bệnh viện dã chiến số 5 dự kiến đưa vào hoạt động vào ngày 20/7.
Nguyên nhân của việc chậm trễ này do hầu hết bệnh viện dã chiến được thành lập từ các khu tái định cư nên cần phải sửa chữa, nâng cấp. Dù ngành Y tế thành phố đã nỗ lực phối hợp với các sở, ngành để mở rộng các bệnh viện dã chiến, đồng thời chuyển đổi công năng của các bệnh viện, nâng số giường bệnh lên đến khoảng 20.000 giường.
"Sở Y tế có kế hoạch mở rộng thêm 50.000 giường, từ đó có thêm giường bệnh, thêm cơ sở vật chất. Đây cũng là hướng khắc phục, giải quyết vấn đề quá tải và chậm chuyển bệnh nhân đến khu vực điều trị", ông Nam cho biết.
Về việc huy động lực lượng y tế cho bệnh viện điều trị đang quá tải, TP.HCM nhận được sự hỗ trợ của Bộ Y tế cùng các tỉnh, thành. Hiện thành phố sử dụng nguồn nhân lực của thành phố cũng như nguồn nhân lực tăng cường để tham gia công tác phòng, chống dịch từ lấy mẫu xét nghiệm, điều tra truy vết đến việc phục vụ trong các bệnh viện dã chiến, bệnh viện hồi sức COVID-19.