Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tỷ giá tháng 3: Hạ nhiệt 'sóng thần'

(VTC News) -

Cùng với thị trường vàng và chứng khoán, thị trường ngoại tệ đã trải qua những ngày biến động rất mạnh ở thời điểm cuối tháng 3.

Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt, giảm từ “đỉnh” 24.000 đồng/USD. Không chỉ có vậy, tỷ giá còn được dự báo sẽ ổn định trong năm 2020.

Tỷ giá tăng mạnh

Trong năm 2019, bất chấp thị trường vàng, chứng khoán biến động mạnh và thị trường bất động sản tăng cục bộ, thị trường ngoại tệ vẫn ổn định, rất ít khi có  “sóng”. Tính chung cả năm 2019, đồng USD gần như đi ngang. Đây là thành công lớn của ngành ngân hàng.

Tỷ giá USD/VND hạ nhiệt, giảm từ “đỉnh” 24.000 đồng/USD sau khi Ngân hàng Nhà nước có động thái can thiệp.

Tới tháng 3 năm nay, “sóng” tỷ giá đã xuất hiện. Đỉnh điểm là ngày 23/3/2020, đồng USD bứt phá trên cả ngân hàng và thị trường tự do. Sau nhiều đợt điều chỉnh theo xu hướng đi lên liên tục, cuối ngày 23/3, tỷ giá tự do tăng hơn 200 đồng/USD, lên mức cao kỷ lục 23.850 đồng/USD – 24.000 đồng/USD. Đây là mức cao kỷ lục của đồng bạc xanh.

Còn trên thị trường ngân hàng, tỷ giá cũng tăng khoảng 150 đồng/USD lên mức cao mới. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chốt ngày 23/3 ở mức 23.570 - 23.760 đồng/USD. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) niêm yết giá USD ở mức 23.570 - 23.730 đồng/USD.

So với phiên cuối cùng của năm 2019, tỷ giá đã có những bước đi rõ rệt: tăng 690 đồng/USD, tương đương 3% trên thị trường tự do và tăng 460 đồng/USD, tương đương 2% trên thị trường ngân hàng. Đây là mức tăng khá mạnh trong vòng 3 tháng.

Có nhiều lý do khiến đồng bạc xanh “nóng” lên trông thấy. Thứ nhất, do thị trường chứng khoán thế giới lao dốc, nhà đầu tư thua lỗ nặng nên phải bán tháo vàng và các tài sản có thanh khoản cao để bù đắp. Trước sự bấp bênh của nhiều tài sản, tiền mặt trở thành nơi trú ẩn an toàn nhất.

Thứ hai, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có những quyết định giảm sốc lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo lý thuyết, đồng USD sẽ giảm giá trị. Tuy nhiên, song song với FED, ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới đồng loạt cắt giảm lãi suất. Trong bối cảnh đó, do được đánh giá cao hơn nên đồng USD vẫn tăng giá.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm mạnh một loạt các lãi suất điều hành. Sau quyết định này, lãi suất huy động cả kỳ hạn ngắn lẫn dài hạn nhanh chóng giảm. Đó là nguyên nhân khiến tiền đồng bớt hấp dẫn hơn so với USD.

Giảm từ “đỉnh” 24.000 đồng/USD

Ngày 24/3, Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng có biện pháp tác động tới thị trường ngoại tệ bằng cách giảm mạnh giá bán đồng USD. Ngay lập tức, thị trường có phản ứng lại với quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ giá đồng loạt giảm sâu trên cả thị trường ngân hàng và thị trường tự do.

Các cửa hàng kim hoàn trên thị trường tự do điều chỉnh tỷ giá giảm 120 đồng/USD, xuống: 23.800 – 23.880 đồng/USD. Đồng bạc xanh đã mất mốc 24.000 đồng/USD chỉ sau một ngày chinh phục thành công.

Còn trên thị trường ngân hàng, tỷ giá giảm gần 100 đồng/USD. Tại thời điểm cuối ngày 24/3, Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức: 23.490 – 23.650 đồng/USD. Tỷ giá tại BIDV giảm xuống mức: 23.540 đồng/USD – 23.700 đồng/USD.

Tới ngày 26/3, tỷ giá đảo chiều đi lên nhưng vẫn cách xa mức “đỉnh” thiết lập trong ngày 23/3.

Sáng nay 29/3, Ngân hàng Nhà nước áp dụng tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD là 23.235 đồng “ăn” 1 USD – đi ngang so ngày 27/3 nhưng là phiên giảm thứ 3 liên tiếp so với trước đó.

Trong báo cáo mới được công bố, Công ty chứng khoán MBS đánh giá nguồn lực hạn chế sức nóng của tỷ giá. Theo đó, MBS tin rằng tính chung cả năm nay, tỷ giá chỉ điều chỉnh khoảng 2% vì các yếu tố cơ bản đều thuận lợi.

Thứ nhất, theo MBS, trong các tháng cuối năm Mỹ sẽ duy trì chính sách siêu nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế nên nhà đầu tư sẽ tích cực mua vào các tài sản chính, giảm nắm giữ đồng USD, từ đó khiến đồng USD giảm giá trị.

Thứ hai, xét về tình hình trong nước, MBS phân tích cán cân thanh toán thặng dư trong quá khứ đã tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào và qua đó gia tăng dư địa điều chỉnh tỷ giá phù hợp với mục tiêu đặt ra.

H.Bình

Tin mới