Theo quyết định điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng nhà nước được công bố từ ngày 17/3, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm.
Ngay sau chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động, đưa lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng đáp ứng quy định mới.
Lãi suất huy động giảm, nhưng gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn thời dịch Covid - 19.
Cụ thể, tại nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng được điều chỉnh xuống còn 4,7%/năm, giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với đầu tháng 3. Các kỳ hạn còn lại đều không thay đổi. Huy động kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng có lãi suất 4,3%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 5,3%/năm.
Chẳng hạn, VietinBank giảm 0,05 điểm phần trăm, niêm yết lãi suất kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,75%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến 3 tháng ở mức 4,3%/năm.
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, Vietcapital Bank giảm 0,2 điểm phần trăm xuống mức 4,7%/năm, áp dụng đồng loạt đối với các kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng. LienVietPostBank giảm tới 0,4 điểm phần trăm đối với lãi suất kỳ hạn từ 1 tháng đến 2 tháng; kỳ hạn 3 tháng đến dưới 5 tháng chỉ còn 4,8%/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm so với trước.
Sacombank niêm yết biểu lãi suất mới từ ngày 17/3 cho kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng dao động 4,3% - 4,7% tùy thuộc vào kỳ hạn gửi, giảm mạnh so với mức 4,9 - 5%/năm áp dụng trước đó. Cụ thể, nếu gửi 1 tháng có lãi suất 4,3%/năm, 2 tháng là 4,4%, 3 tháng là 4,5%, 4 tháng là 4,6% và 5 tháng là 4,7%/năm.
TPBank cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng về mức tối đa 4,7%/năm – bằng với mức lãi suất huy động phổ biến tính tới thời điểm hiện tại của các ngân hàng thương mại. So với bảng lãi suất huy động đầu tháng 3, nhà băng này đã giảm tới 0,25 điểm phần trăm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng.
Mặc dù, mặt bằng lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn đã giảm từ 0,5-1,5%/năm so với thời điểm cuối năm 2019, nhưng tiết kiệm vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn thời điểm này.
TS. Bùi Quang Tín - chuyên gia tài chính - ngân hàng phân tích, trong các kênh đầu tư hiện nay đối với người dân, gửi tiết kiệm vẫn là một trong những kênh phát huy hiệu quả.
Chứng khoán hiện không phải là kênh phù hợp, đổ tiền vào chứng khoán thời điểm này là rủi ro lớn. Kênh đầu tư bất động sản: thanh khoản kém, lãi suất vay vốn chưa hạ so với kỳ vọng nhà đầu tư. Thị trường hàng hóa và đầu tư khác có đến 70% doanh nghiệp cho biết đang cố gắng cầm cự qua đại dịch Covid-19.
Theo tính toán của ông Tín, hiện lãi suất huy động từ 7-8%/năm trừ lạm phát 4% thì người dân vẫn được lãi 3-4%. Thậm chí, kể từ ngày 17/3, một số ngân hàng hạ lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng còn 4,75%, nếu gửi kỳ hạn dưới 6 tháng thì vẫn có khoản dư nhất định. Do đó, tiết kiệm vẫn là kênh hấp dẫn, đầu tư có hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính phân tích: "Nếu tốc độ tăng CPI trung bình năm 2020 xoay quanh mức 4%, thì một số lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn sau khi điều chỉnh vẫn ở mức thực dương. Chưa kể các lãi suất huy động và cho vay trung, dài hạn vẫn được neo ở mức cao, nên quyết định hạ lãi suất điều hành vừa qua sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát trong thời gian tới".