Chia sẻ với báo chí, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, điểm khác biệt lớn nhất về kỳ thi đánh giá năng lực do Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội tổ chức là thi 8 môn độc lập. Trong đó, môn Ngữ Văn thi 70% tự luận, 30% trắc nghiệm; các môn còn lại thi 70% trắc nghiệm, 30% tự luận. Các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hiện nay đều thi trắc nghiệm 100%.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội quyết tâm giữ thi tự luận và tỷ lệ điểm giữa các phần thi cũng có sự cân đối nhất định. Thi tự luận là bước đầu đánh giá năng lực này của một nhà giáo tương lai.
“Chúng tôi đã thử nghiệm trên hệ thống các trường thực nghiệm trực thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội như Trường THPT chuyên, Trường THPT Nguyễn Tất Thành, kết quả cho thấy thí sinh làm tốt phần trắc nghiệm sẽ vẫn làm tốt phần tự luận”, GS Minh nói.
Không nhất thiết phải có nhiều kỳ thi riêng để tuyển sinh. (Ảnh: Như Ý)
Về phương hướng tổ chức kỳ thi từ năm 2025, khi thí sinh học chương trình mới bắt đầu tốt nghiệp THPT, GS Minh cho hay trường sẽ có điều chỉnh thích ứng dựa trên nghiên cứu từ lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm để có phương án phù hợp.
Đã có gần 10 kỳ thi riêng do các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức để tuyển sinh. GS Minh nhận định, xu hướng là các trường ĐH sẽ dần liên kết với nhau, tạo sự thống nhất trong xét tuyển.
“Khi liên kết, các trường sẽ có ngân hàng đề thi phong phú, tạo ra một kỳ thi công bằng, chất lượng”, GS Minh nói. Hiện, một số trường không chỉ liên kết tuyển sinh mà còn công nhận tín chỉ, kết quả đào tạo của nhau.
TS Nguyễn Văn Cường, chuyên gia tư vấn giáo dục độc lập ghi nhận giáo dục ĐH của Việt Nam đang tích cực đổi mới theo xu hướng tăng cường tính tự chủ và hội nhập quốc tế. Tự chủ trong công tác tuyển sinh là một nội dung của tự chủ ĐH.
“Nhưng chúng ta hãy hình dung nếu mỗi trường ĐH đều tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng thì không chỉ gây ra sự lãng phí về tài chính mà còn tăng nhiều tải trọng cho xã hội như về giao thông, an ninh trong các kỳ thi. Việc này cũng gây ra gánh nặng tài chính, trách nhiệm và sự lo lắng của cha mẹ trong việc chăm lo, chuẩn bị cho kỳ thi ĐH của con, gây quá tải cho học sinh”, TS Cường nêu quan điểm.
Theo ông, việc các trường ĐH tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng phản ánh sự thiếu tin tưởng của các trường vào kết quả giáo dục và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và cách nhìn nhận chưa đầy đủ dưới góc độ hệ thống về việc tuyển sinh. Đồng thời gây bối rối cho giáo viên khi phải đảm bảo chất lượng chương trình giáo dục phổ thông trong khi học sinh còn bị phân tâm vào việc chuẩn bị cho kỳ thi ĐH.
TS Cường cho rằng, các trường cần một chiến lược để thu hút được nhiều ứng viên phù hợp với đặc thù, mục tiêu đào tạo và mục tiêu phát triển của trường.
“Cần tránh vòng luẩn quẩn kiềm chế sự phát triển: các trường ĐH không tin tưởng bằng tốt nghiệp phổ thông, tổ chức kỳ thi tuyển riêng với nội dung giáo dục phổ thông. Các doanh nghiệp không tin tưởng bằng cấp ĐH, tổ chức thi tuyển nhân viên với nội dung chuyên môn trong giáo dục ĐH” - TS Nguyễn Văn Cường - chuyên gia tư vấn giáo dục độc lập.