Nếu như các năm trước đây, trường dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, thì năm nay, tỷ lệ này giảm mạnh. Sự thay đổi này khiến nhiều học sinh lớp 12 lo lắng.
Với mong muốn tăng thêm cơ hội trúng tuyển vào trường đại học yêu thích, Nguyễn Trúc Linh, lớp 12 Trường THPT Quang Trung- Đống Đa, Hà Nội, đã nỗ lực học và ôn tập các môn học để xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đồng thời đăng ký các khóa học để thi chứng ngoại ngữ quốc tế. Kết thúc học kỳ 1, năm học 2021-2022 cũng là lúc các trường đại học công bố phương án tuyển sinh năm 2022.
Trúc Linh bất ngờ trước tỷ lệ chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp giảm mạnh và thay bằng phương thức xét tuyển theo kết quả của các kỳ thi riêng, như: kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. "Em đã thi xong IELTS và điểm học bạ học kỳ 1 cũng xong rồi, bây giờ em chỉ còn ôn thi tốt nghiệp 3 môn Toán, Văn, Anh, cả tổ hợp nữa, với cả ôn đánh giá năng lực thì đúng là có khó khăn. Bởi vì đánh giá năng lực lực thì kiến thức rộng hơn nhiều, nên phải ôn nhiều hơn", Trúc Linh nói.
Tham gia kỳ thi đánh giá năng lực và kiểm tra tư duy là lựa chọn của nhiều học sinh lớp 12 năm nay để tăng cơ hội trúng tuyển. Bởi thực tế nhiều trường đại học top đầu sẽ sử dụng kết quả của 2 kỳ thi này để xét tuyển thay vì điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông như những năm trước. Khó khăn ở chỗ là các em cùng lúc phải học, ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và các kỳ thi riêng của trường đại học trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Lo lắng và áp lực là tâm lý chung của rất nhiều học sinh trong thời điểm này.
"Chưa rõ được độ phủ, phạm vi bài học mà mình cần phải ôn để có thể các câu hỏi có trong đấy. Thêm nữa em thấy cũng khá mới với em nên cũng rất băn khoăn".
Để có thể tham gia kỳ thi riêng của một số trường đại học, nhiều học sinh đã phải đăng ký học thêm tại các trung tâm luyện thi. Do có nhiều kỳ thi riêng nên thầy Phạm Hữu Cường, Trung tâm luyện thi Cường Phát (Hà Nội) phải nghiên cứu hướng ra đề của các trường để đổi mới cách dạy.
"Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ, chẳng hạn với môn Văn chỉ hỏi một văn bản thôi chẳng hạn, nhưng đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thì người ta hỏi tới 8 văn bản, 10 văn bản. Có nhiều loại văn bản, có văn bản văn bản kịch, có văn bản truyện, như vậy các con phải học rất là rộng" - thầy Cường nói.
Để hỗ trợ thí sinh học và ôn tập đúng hướng, một số trường đại học chủ trì kỳ thi riêng như Đại học Bách khoa Hà Nội (kỳ thi đánh giá tư duy), Đại học Quốc gia Hà Nội (kỳ thi đánh giá năng lực) đã công bố đề thi thử trên trang thông tin điện tử.
Nhiều trường đồng loạt giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh: Vietnamnet)
Ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, sẽ nghiên cứu mức độ giảm tải trong chương trình học của Bộ Giáo dục và Đào tạo để ra đề trong kỳ thi đánh giá năng lực phù hợp. Tuy nhiên, đề thi của kỳ thi đánh giá năng lực vẫn có độ phủ rộng hơn và khó hơn đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
"70% khối lượng kiến thức nằm lớp 12, còn lại 30% thì trải toàn bộ trong quá trình học trung học phổ thông. Phải nói thực là bài thi đánh giá năng lực, chất lượng và độ khó so với kỳ thi trung học phổ thông là khó hơn rất nhiều. Chính vì thế, để làm được bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội thì các em phải có sự ôn tập và chuẩn bị rất kỹ lưỡng"- ông Đức nói.
Thêm phương thức là thêm cơ hội. Tuy nhiên, trong điều kiện không được đến trường, lại phải ôn thi tốt nghiệp, vừa ôn thi cho các kỳ thi riêng sẽ là thách thức không nhỏ của các sĩ tử năm nay. Cân nhắc và nghiên cứu kỹ phương án của trường mà mình chọn để có định hướng ôn tập đúng và trúng sẽ là giải pháp quan trọng để có cơ hội trúng tuyển cao nhất vào trường, ngành yêu thích.