Hôm 17/1, tuyển nữ Việt Nam bước ra sân tập ở Ấn Độ để chuẩn bị cho Asian Cup 2022 với chỉ 5 thành viên. Số còn lại, gồm 18 cầu thủ và một số thành viên của ban huấn luyện, vẫn đang ở lại châu Âu do mắc COVID-19. Điều đáng mừng là trong hôm nay, 14 cầu thủ đã có xét nghiệm PCR âm tính, đủ điều kiện để bay sang Ấn Độ hôm 20/1.
Trước đó, do nằm ở bảng đấu rất khó tại Asian Cup với các đối thủ Nhật Bản, Hàn Quốc và Myanmar, nên thầy trò HLV Mai Đức Chung đi tập huấn tại châu Âu, cọ xát với các đội nữ ở Tây Ban Nha nằm nâng cao trình độ và tích lũy trải nghiệm thi đấu quốc tế sau hơn 2 năm chủ yếu thi đấu trong nước vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Kế hoạch chuẩn bị đã "đổ bể" khi một đội bóng của tuyển nữ Việt Nam có các cầu thủ mắc COVID-19. Dịch bệnh sau đó lây lan nhanh, khiến 80% thành viên đội tuyển dương tính với SARS-CoV-2.
Tuyển nữ Việt Nam chỉ có 5 cầu thủ tham gia buổi tập.
Ở cuộc họp kỹ thuật hôm 17/1, HLV Mai Đức Chung chỉ mong mỏi tuyển nữ có 13 cầu thủ - con số vừa đủ để đội không bị xử thua 0-3 trước Hàn Quốc.
Với diễn biến hiện tại, có thể đội tuyển sẽ tập hợp được 18 thành viên để đấu với Hàn Quốc, bao gồm 14 cầu thủ di chuyển từ Tây Ban Nha cùng 4 cầu thủ đang có kết quả âm tính tại Ấn Độ (trước đó có thêm 2 cầu thủ mắc COVID-19 tại Ấn Độ vừa được xác định trong hôm qua và hôm nay).
Tuy nhiên, việc phải tự cách ly, đồng thời nhiễm bệnh trong những ngày qua khiến vấn đề thể lực của cầu thủ trước thềm Asian Cup 2022 vẫn là dấu hỏi lớn.
Sau 2 năm dịch bệnh làm trì hoãn hệ thống giải thi đấu vô địch quốc gia, dịch COVID-19 như đòn giáng quyết định xuống giấc mơ World Cup mà bóng đá nữ Việt Nam ấp ủ trong nhiều năm trời.
Cách đây 7 năm, tuyển nữ Việt Nam từng có cơ hội đá trận play-offs giành vé trực tiếp dự World Cup trên sân nhà Thống Nhất với đối thủ Thái Lan. Dù được đánh giá nhỉnh hơn đối thủ và có lợi thế sân nhà, nhưng thầy trò HLV Trần Vân Phát lại "cầm vàng rồi để vàng rơi", thua chung cuộc 1-2 bởi thi đấu quá thận trọng khi bố trí sơ đồ 5 hậu vệ.
Đến năm 2018, tuyển nữ Việt Nam lại lỡ hẹn với World Cup, nhưng lần này là do sắp đặt của định mệnh. Huỳnh Như cùng đồng đội rơi vào bảng tử thần với 3 đối thủ Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia.
Ở bảng đấu quá khó, Việt Nam thua cả 3 trận, thủng lưới 18 lần. Trong khi đó, Thái Lan tiếp tục đi World Cup khi chỉ nằm ở bảng đấu có Trung Quốc, Philippines và Jordan.
Các tuyển thủ nữ không mắc COVID-19 vẫn đang miệt mài tập thể lực cùng HLV Cedric Rogers
Tuyển nữ Việt Nam đã thắng Thái Lan 2 lần trong năm 2019, lần lượt tại chung kết AFF Cup và chung kết SEA Games để giành ngôi hậu châu lục. Tại ASIAD, các cô gái vàng cũng giành hạng Tư.
Đó là thành tích vinh quang, nếu xét trên mức độ đầu tư khiêm tốn cho bóng đá nữ Việt Nam trong nhiều năm qua, đồng thời nhiều nữ cầu thủ phải vượt khó, vượt khổ để nuôi dưỡng đam mê chơi bóng.
Tuyển nữ Việt Nam chỉ còn một cột mốc để đánh dấu giai đoạn phát triển vàng son, đó là tấm vé dự vòng chung kết World Cup. Đó là cơ hội sáng nhất để bóng đá nữ đổi đời, được quan tâm và đầu tư nhiều hơn, thay vì "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" ở các giải quốc tế, để rồi khi AFF Cup, SEA Games kết thúc thì đâu lại vào đó.
Khi lá thăm may rủi (bóng đá nữ lại gặp vận rủi, không thấy vận may) đưa tuyển nữ Việt Nam rơi vào bảng đấu khó với Nhật Bản, Hàn Quốc, tiếng thở dài đâu đó lại vang lên. Đường đến World Cup không chỉ xa, mà còn lắm chông chênh lận đận dù tuyển nữ Việt Nam không bao giờ thiếu niềm tin và nỗ lực.
Dịch COVID-19 một lần nữa thách thức thầy trò HLV Mai Đức Chung, mà đến lúc này, tuyển nữ Việt Nam không còn quyền tự quyết, chỉ mong được "trời thương" cho các cầu thủ sớm âm tính trở lại. Có được 13 cầu thủ ở trận gặp ứng viên vô địch Hàn Quốc thì như lời "bố Chung" nói, đó đã là thành công. Tuyển nữ lúc này không thể mong gì hơn.
Ban huấn luyện đội nữ vẫn đang đợi tin vui từ Tây Ban Nha.
"Xưa giờ khổ thế nào, bây giờ khổ thế ấy, được cái cầu thủ mình mang phẩm chất kiên cường của phụ nữ Việt Nam nên phải cố vượt qua", cựu trưởng đoàn Dương Vũ Lâm của tuyển nữ chia sẻ.
Để nuôi giấc mơ World Cup, có những tuyển thủ từng nhận chưa đến 1 triệu đồng để sắm giầy, sắm đồ thi đấu, nhận lương 2 triệu đồng/tháng mà một nửa trong số đó dùng để trả tiền điện, ăn những suất ăn kiểu "nhân viên văn phòng" trị giá 30.000 đồng, nhịn đói 2 ngày cuối tuần để có tiền gửi cho gia đình.
Huỳnh Như chia sẻ ở giải Cúp Quốc gia nữ vừa kết thúc, đội nữ CLB TP.HCM phải tự massage, xoa bóp cho nhau vì đội không có bác sĩ. Với một đội bóng đã đi trên con đường không mấy lúc bằng phẳng, dịch COVID-19 có lẽ chỉ là thêm một khó khăn nữa.
Bất chấp chỉ có 5 cầu thủ, các thành viên tuyển nữ vẫn xỏ giày ra sân. Huỳnh Như cùng đồng đội đá bóng ma để giữ cảm giác bóng, duy trì thể lực và giữ thể trạng. Số cầu thủ mắc COVID-19 tự tập luyện tại phòng, để nuôi niềm tin có thể chơi với phong độ cao nhất khi có kết quả âm tính trở lại.
Thầy trò HLV Mai Đức Chung vẫn nỗ lực và dù chỉ còn một tia hy vọng, các cầu thủ cũng sẽ không từ bỏ. Đó là bản tính kiên cường của bóng đá nữ Việt Nam.