Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng cùng 53 bị cáo được áp giải đến tòa trước giờ tuyên án
Đúng 14h ngày 28/7, HĐXX phiên toà sơ thẩm đại án "chuyến bay giải cứu" thông báo sau thời gian nghị án, hôm nay sẽ công bố bản án.
Trước khi tòa bắt đầu tuyên án, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng xin có ý kiến nhưng không được chấp thuận với lý do đã thông qua bản án, ông Dũng có ý kiến cần làm đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền.
Bị cáo Chử Xuân Dũng được dẫn giải đến toà chiều 28/7.
Từ 13h30, 44 bị cáo bị tạm giam được cán bộ hỗ trợ tư pháp đưa tới TAND Hà Nội trên 14 xe thùng, 10 bị cáo được tại ngoại cũng lần lượt đến tòa chờ nghe tuyên án.
Qua 12 ngày thẩm vấn và tranh tụng, Viện Kiểm sát đề nghị phạt tử hình cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên với cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất vụ án; 48 người án tù có thời hạn (18 tháng đến 20 năm) và 5 người án treo (1 đến 3 năm).
Phiên xét xử kéo dài 18 ngày (dự kiến kéo dài một tháng). Số người tham gia được cho là nhiều nhất trong những đại án gần đây với 54 bị cáo, 105 luật sư, 46 người có quyền nghĩa vụ liên quan, 33 nhân chứng.
Nhiều bị cáo được Viện Kiểm sát đánh giá lại các tình tiết giảm nhẹ, số tiền đã khắc phục hậu quả để điều chỉnh mức án đề nghị, trong đó 5 người được giảm 1 năm tù; 4 người được chuyển từ án tù có thời hạn sang án treo.
Với số lần đưa - nhận hối lộ lên tới 515 lần, tổng 165 tỷ đồng, hành vi của 21 cựu quan chức nhận hối lộ bị Viện Kiểm sát đánh giá là "tham nhũng cực kỳ nguy hiểm", "phản bội sự cố gắng của chính đồng nghiệp, đồng đội, đồng chí của mình".
Vụ án xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh chưa từng có trong lịch sử nhân loại, trong khi Chính phủ có phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau" thì nhóm cán bộ này lại lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, "trong sự khó khăn cùng cực của người dân". Sai phạm của các bị cáo bị xác định đã làm mất tính nhân đạo của những chuyến bay giải cứu, Cơ quan công tố buộc tội.
Cơ quan tố tụng xác định, từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo - người dân tự trả phí toàn bộ.
Doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay combo phải xin chủ trương của UBND cấp tỉnh, thành phố - nơi thực hiện cách ly công dân về nước. Hồ sơ sau đó được gửi về Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để đơn vị này tổng hợp, lấy ý kiến tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng).
Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, Bộ Ngoại giao đề xuất Chính phủ phê duyệt tổng 372 chuyến bay combo. Để có chi phí "bôi trơn" khi thực hiện các chuyến bay, nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.
Tổng số công dân trên 372 chuyến bay combo là hơn 93.000 người.