Mặc dù Mỹ đã nhất trí chuyển giao F-16 cho Ukraine, nhưng giới lãnh đạo quân sự Mỹ lưu ý phải đến năm sau các máy bay chiến đấu này mới có thể xuất hiện trên bầu trời Ukraine. Hơn nữa, sẽ cần một khoảng thời gian dài để các phi công Ukraine đạt được trình độ chiến đấu toàn diện trên quy mô lớn.
Tướng Không quân Mỹ James Hecker cho biết, các phi công Ukraine hiện đang tham gia huấn luyện F-16. Với tư cách là người giám sát Lực lượng Không quân Mỹ tại Châu Âu (USAFE), Bộ Tư lệnh Không quân Đồng minh của NATO và Lực lượng Không quân Mỹ Châu Phi (AFAFRICA), Tướng Hecker đã đưa ra thông báo này trong cuộc họp giao ban trực tuyến với Nhóm Nhà văn Quốc phòng (Defense Writers) vào tuần trước.
F-16 của Không quân Hoàng gia Đan Mạch.
Khó khăn trước mắt
Tướng Hecker cho biết: “Những phi công này chưa có kinh nghiệm bay, họ chỉ có số giờ bay tích lũy ít ỏi. Do đó, họ vẫn chưa thể sẵn sàng tham gia các hoạt động chiến đấu ở tiền tuyến”. Ở thời điểm hiện tại, các phi công đến từ Ukraine đang tham gia các chương trình đào tạo ngôn ngữ chuyên sâu, được thiết kế và thực hiện tỉ mỉ tại Vương quốc Anh.
Hecker giải thích, “bước tiếp theo, các phi công Ukraine sẽ được huấn luyện với máy bay cánh quạt, sau đó họ sẽ di chuyển đến Pháp để tích lũy kinh nghiệm lái máy bay phản lực Dornier Alpha. Với sự phức tạp như vậy, quá trình này khó có thể hoàn thành trước cuối năm nay”.
Vấn đề về trình độ thông thạo ngôn ngữ tác chiến của các phi công Ukraine và khoảng thời gian cần thiết để nâng cao năng lực chiến đấu của họ từ cơ bản lên nâng cao, đang là một chủ đề được giới chuyên gia quân sự rất quan tâm.
Hecker thừa nhận rằng ngay cả khi Ukraine mua được F-16 trong năm tới, thì cũng rất khó có đủ số phi công có kỹ năng điều khiển những chiếc máy bay này.
Để thuần thục sử dụng F-16 không phải là điều đơn giản. Những người lính có thể thành thạo một số hệ thống vũ khí khá nhanh, nhưng những hệ thống như F-16 phải mất một thời gian dài để các phi công có được những kỹ năng và trình độ đủ cao.
Một chiếc MiG-29 của Không quân Ba Lan với một chiếc F-16 của Không quân Mỹ.
Lựa chọn F-16
Hecker đưa ra lập luận rằng, máy bay F-16 có khả năng vượt trội hơn so với những phương tiện trong kho vũ khí hiện có của Ukraine, chủ yếu bao gồm Su-27 Flanker và MiG-29 Fulcrum, cả hai loại máy bay đều được chế tạo từ thời Liên Xô.
Một số phóng viên đã đặt ra câu hỏi cho Hecker, “Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, ông sẽ chọn MiG-29 hay F-16?” Sau một lúc dừng lại, Hecker tuyên bố quả quyết “Lựa chọn của tôi chắc chắn sẽ là F-16”.
Việc cung cấp F-16 cho Ukraine sẽ mang lại những lợi thế chiến lược nhất định. Về cơ bản, khả năng tương tác của nó với các loại vũ khí hiện tại do Mỹ cung cấp sẽ được tăng cường đáng kể. Hiện tại, các loại vũ khí được viện trợ cần phải được điều chỉnh để lắp trên các máy bay như MiG-29 hoặc Su-27. Tuy nhiên, F-16 vốn đã tương thích với các loại vũ khí này, từ đó mang lại hiệu quả hoạt động cao hơn.
Ngay từ khi bắt đầu cuộc xung đột, các chuyên gia Bulgarian Military đã khẳng định sự cần thiết của một nền tảng máy bay chiến đấu ở Ukraine, một nền tảng có khả năng tích hợp dễ dàng nhiều loại vũ khí tương thích của NATO.
Một hệ thống như vậy sẽ cho phép triển khai nhanh chóng các loại vũ khí mới, đặc biệt là các vũ khí tầm xa như tên lửa hành trình và tên lửa chống bức xạ tốc độ cao, từ đó tối đa hóa khả năng của chúng. Điều quan trọng là việc sử dụng những vũ khí này không đòi hỏi phải có kinh nghiệm sâu rộng đối với những nhiệm vụ mà chúng được triển khai.
Phi công điều khiển F-16.
Yêu cầu đối với phi công F-16
Vào tháng 2/2023, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng, Ukraine đang tìm kiếm sự hỗ trợ của các phi công F-16 nước ngoài dày dặn kinh nghiệm. Mục tiêu là tìm hiểu sâu hơn về những khó khăn mà Ukraine sẽ phải đối mặt, liên quan đến việc đào tạo phi công chiến đấu F-16.
Đối đầu với một đối thủ đáng gờm, chẳng hạn như Su-35 hay thậm chí là Su-27 của Nga, đòi hỏi người phi công phải tích lũy kinh nghiệm thực tế nhiều năm. Đây không phải là nhiệm vụ có thể giao cho một phi công mới vào nghề, bất kể máy bay có công nghệ tiên tiến đến đâu. Hiệu quả của chiếc máy bay chiến đấu phụ thuộc rất nhiều vào khả năng khai thác tối đa các tính năng trên máy bay của phi công. Do đó, một phi công chuyển từ lái MiG-29 sang làm chủ một phương tiện hoàn toàn mới là một thách thức ghê gớm.
Quá trình chuyển đổi từ MiG-29 sang F-16 phiên bản Block 50 hoặc Viper không chỉ đơn thuần là một bước, mà là một bước nhảy vọt đáng kể trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là liên quan đến vũ khí và hệ thống điện tử hàng không.
Theo các chuyên gia quân sự, Ukraine cần triển khai các phi đội gồm 4 chiếc F-16 bay theo cặp để đạt hiệu quả tối ưu trong không chiến. Hơn nữa, để chỉ huy đầy đủ một phi đội như vậy sẽ cần ít nhất một năm huấn luyện chuyên sâu, thì mới có thể đủ sức đối đầu với các phi công Nga.
Cuộc xung đột vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong tương lai gần và có những diễn biến phức tạp, việc phương Tây cam kết hỗ trợ F-16 và đào tạo phi công cho Ukraine vẫn còn rất nhiều thách thức, để có thể đạt được những kết quả mong muốn trong tương lai.