Theo học một ngôi trường nhỏ ở ngoại ô TP.HCM, cậu học trò Nguyễn Đình Quốc Khánh từng là người duy nhất của trường thời điểm ấy đỗ vào Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM).
Mặc dù học khối tự nhiên, song Khánh lại có khả năng tiếng Anh rất tốt. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Khánh trúng tuyển vào ngành Sư phạm tiếng Anh của ĐH Sư phạm TP.HCM.
Nguyễn Đình Quốc Khánh (sinh năm 1993) đang học tiến sĩ năm cuối tại khoa Hóa, ĐH California ở Santa Barbara (Mỹ).
Bước sang năm thứ hai, Khánh có cơ hội được học chuyển tiếp tại ĐH New Orleans (Mỹ).
“Cho đến thời điểm ấy, tôi vẫn chưa xác định được, nếu sang Mỹ tôi sẽ theo học ngành gì. Tiếp tục học ngành sư phạm sẽ là điều rất khó khăn vì mình không thể cạnh tranh về mặt giao tiếp với người bản xứ. Khi ấy, tôi bắt đầu nhen nhóm mong muốn được đóng góp vào một phần trong quy trình nghiên cứu ra thuốc chữa bệnh cho con người”, anh nói.
Vì vậy, Khánh quyết định lựa chọn ngành Hóa Dược tại ĐH New Orleans. Anh cho rằng, đó là quyết định liều lĩnh vào thời điểm ấy, bởi “môn Hóa không phải là thế mạnh”.
“Tôi từng không thích môn Hóa, học Hóa cũng rất dở và chỉ được 4 điểm thi đại học. Lý do là bởi tôi cảm thấy mình phải học thuộc và nhớ nằm lòng quá nhiều mà không thực sự hiểu bản chất của vấn đề.
Thời gian luyện thi đại học, có những câu trong đề phải “có chiêu” mới làm được. Chưa hết, chúng tôi phải ngồi cân bằng rất nhiều phản ứng, thực hiện rất nhiều phép tính toán quá phức tạp mà đôi lúc tôi nghĩ, mình đang học Toán chứ không phải học Hóa", anh nói.
Khánh cho biết mình rất may mắn khi được làm thí nghiệm với một trong những thiết bị hiển vi điện tử nghiệm lạnh tối tân nhất thế giới
Khi học ở ĐH New Orleans, Khánh được làm rất nhiều thí nghiệm, hiểu được gốc rễ bản chất của từng phản ứng và trả lời được câu hỏi “Tại sao?” trước mỗi vấn đề cụ thể. Từ đó, Khánh không còn bị “ngợp” trước môn Hóa.
Tuy vậy, anh cho rằng, dù chương trình Hoá học ở Việt Nam nặng nhưng cũng trang bị cho sinh viên những lợi thế nhất định. Ví dụ, trong lớp Hoá Đại cương năm thứ nhất, sinh viên Việt Nam đã thuộc lòng phân tử khối của bạc clorua (AgCl) là 143,5, trong khi nhiều sinh viên Mỹ vẫn loay hoay tìm nguyên tố bạc trên bảng tuần hoàn.
Cuối cùng, cậu sinh viên người Việt tốt nghiệp loại xuất sắc với GPA 3.94/4.00. Sau đó, anh tiếp tục được nhận vào học chương trình tiến sĩ tại ĐH California ở Santa Barbara. Hướng nghiên cứu của Khánh là về anh hưởng của đuôi carboxy lên sự đa phân hoá (oligomerization) của thụ thể adenosine A2A.
Kinh nghiệm vào đại học hàng đầu
Để giành được suất học tiến sĩ ngành Hoá Lý Sinh (Biophysical Chemistry) tại Mỹ, anh Khánh nói bản thân phải chuẩn bị rất lâu trước đó. Khi xác định được những trường phù hợp, anh bắt đầu chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để sẵn sàng “apply”.
“Kinh nghiệm làm nghiên cứu là yếu tố rất quan trọng, nhất là khi muốn ứng tuyển vào những ngôi trường đại học nghiên cứu hàng đầu”, anh Khánh nói.
Vì thế, vào năm cuối cùng của bậc đại học, Khánh xin vào làm việc trong các lab của trường và dành không dưới 1/2 thời gian mỗi ngày tại đây. Tuy vậy, anh cho rằng, sinh viên nên cố gắng tìm kiếm cơ hội làm nghiên cứu càng sớm càng tốt, thậm chí ngay từ năm nhất hoặc năm hai.
“Ở bên Mỹ, sinh viên luôn có ít nhất một kỳ được đi làm nghiên cứu. Các vị trí trong lab mà sinh viên có thể tham gia cũng rất nhiều. Mình có thể mở lời với các nghiên cứu sinh, rằng: “Lab có đang cần sinh viên phụ giúp không?” hoặc viết email trực tiếp tới các giáo sư.
Mặc dù cách làm này không phải lúc nào cũng nhận được phản hồi, nhưng nếu mở rộng phạm vi, chắc chắn sẽ có cơ hội. Điều quan trọng nhất là thái độ tích cực”, Khánh chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo anh Khánh, email gửi đi cũng phải trình bày rõ ràng những hiểu biết về nội dung lab đang thực hiện, tại sao bản thân lại hứng thú với những nghiên cứu trong lab.
“Việc 'rải' một email giống nhau với nội dung sơ sài đi khắp nơi là điều tối kỵ, bởi lẽ chỉ cần đọc email, các giáo sư sẽ nhận ra ngay sinh viên có dành nhiều thời gian để tìm hiểu về lab và hứng thú với lab hay không. Nếu thực sự tâm huyết, chắc chắn các giáo sư sẽ chú ý", anh Khanh nói.
Một yếu tố quan trọng khác khi muốn nộp đơn vào học tiến sĩ, đó là thư giới thiệu. Anh Khánh cho rằng, thư giới thiệu thông thường là những nhận xét về năng lực học tập, nghiên cứu hoặc làm việc của ứng viên. Do đó, lựa chọn người viết thư nên là những người hiểu rõ về mình để có thể giới thiệu chi tiết nhất.
“Hợp lý nhất là nên nhờ người mà bạn đã từng làm nghiên cứu trong lab của họ, vì đó là những người đã trực tiếp xem xét và chứng kiến quá trình làm nghiên cứu của bạn.
Ví dụ như tôi đã nhờ thầy chủ nhiệm lab và hai người thầy khác – những người tôi thường xuyên qua văn phòng của họ để hỏi và trao đổi bài. Đây cũng là những người nắm bắt rõ ràng nhất tư duy và cách suy nghĩ của tôi, từ đó có thể đưa ra đánh giá khách quan về việc tôi có khả năng để tiếp tục thực hiện nghiên cứu ở bậc tiến sĩ hay không”, anh Khánh gợi ý.
Khánh trong buổi thuyết trình về đề tài tiến sĩ nghiên cứu cấu trúc thụ thể adenosine A2A
Ngoài ra, bài giới thiệu bản thân cũng rất quan trọng, bởi nếu chỉ có điểm số hay kinh nghiệm nghiên cứu – vốn là những thông số trên giấy – cũng sẽ không giúp nhà tuyển sinh đánh giá được toàn diện con người ứng viên.
Nhà tuyển sinh mong muốn tìm hiểu nhiều hơn thế, như: “Ứng viên đó là ai?”, “Họ là người như thế nào?”. Vì thế, bài giới thiệu phải nói được lý do rất rõ ràng và cụ thể như vì sao bản thân muốn học lên tiến sĩ, lý do chọn trường, chọn ngành... Bạn cũng nên gửi cho một vài người có kinh nghiệm và chuyên môn đọc và góp ý xem đã có thuyết phục hay không.
Ngoài các yếu tố trên, ứng viên cũng cần lưu ý một vài yếu tố khác như khả năng tiếng Anh hay thành tích học tập. Thành tích học tập và khả năng tiếng Anh tốt sẽ giúp cho hồ sơ của bạn có tính cạnh tranh hơn.
Nguyễn Đình Quốc Khánh đang là thành viên chủ chốt của Cộng đồng Hoá học Việt Nam (Vietnamese Chemical Association) – một tổ chức được thành lập và điều hành bởi nhóm các nhà Hoá học trẻ người Việt với mong muốn kết nối các học giả, chuyên gia, sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt trên khắp thế giới.
Sau 10 tháng thành lập, nhóm tổ chức được 11 webinar với các chủ đề phong phú như năng lượng tái tạo, hiển vi điện tử, tổng hợp hữu cơ, Covid-19,… đến các vấn đề liên quan đến hành trình của nghiên cứu sinh như nghiên cứu lâm sàng, tìm việc ngoài học thuật.
Hiện tại, cộng đồng này có gần 3.500 người theo dõi đến từ 45 quốc gia trên khắp thế giới.