Thông tin trên vừa được Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương xác nhận.
Theo đó, Công ty cổ phần Pacific Foods sẽ xuất khẩu lô vải thiều của huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang vào thị trường 27 quốc gia EU - thị trường tiềm năng với khoảng 430 triệu dân.
Đại diện Pacific Foods cho biết, thời gian tới, sẽ tập trung cho thị trường châu Âu, đẩy mạnh xuất khẩu không chỉ trái vải mà còn nhiều loại trái cây khác như mít, xoài, thanh long… và các nông sản thế mạnh của Việt Nam.
Ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Facific Foods cho biết, hàng nông sản của Việt Nam rất tiềm năng, đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới như vải, thanh long, mít, xoài, nhãn, bưởi… Hiện nay trái cây của Thái Lan và Malaysia xuất qua các nước rất nhiều. Đó vừa là thách thức cũng như cơ hội cho trái cây Việt Nam. Bởi thị trường EU luôn muốn trải nghiệm những sản phẩm đến từ Việt Nam như là một phần đặc sản của vùng hạ lưu sông Mê Kông. Tuy nhiên, hàng nông sản của Việt Nam muốn vươn đi các nước, đầu tiên phải tuân thủ chất lượng sản phẩm, không dùng phân bón hoá học, trồng theo tiêu chuẩn Global gab, Vietgab và Organic. Điều này đồng nghĩa với việc phục vụ thị trường trong nước cũng vậy. Người dân trong nước có quyền được hưởng lợi từ những sản phẩm tốt nhất, chất lượng cao không có dư lượng thuốc kháng sinh.
Lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang EU. (Ảnh: Bộ Công Thương)
Tuy vậy, hành trình để quả vải sang được tay người tiêu dùng châu Âu không hề đơn giản. Ngay từ đầu vụ, vùng vải phục vụ sản xuất sang EU phải được các đối tác nhập khẩu kiểm tra hệ thống quản lý sản xuất và chấp nhận về phần mềm giám sát. Sau đó, doanh nghiệp phải đầu tư máy móc để sơ chế, bảo quản trái vải, đảm bảo từ khi thu hoạch đến khi tới tay người tiêu dùng, nhờ vậy trái vải sẽ sớm được người tiêu dùng tại châu Âu ưa chuộng, đánh giá cao do chất lượng vượt trội, thơm ngon và an toàn.
Trước đó, chiều 7/6, Pacific Foods cũng xuất lô thiều Thanh Hà, Hải Dương đầu tiên đi châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Lô vải xuất khẩu này sẽ đến được tay người tiêu dùng châu Âu sau khoảng 4-5 ngày.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù bị tác động bởi dịch COVID-19 nhưng Bộ Công Thương đã kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ ngay từ niên vụ 2021 để tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và nhất là xuất khẩu.
Hiện hàng chục tấn vải thiều của hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đã có mặt trên kệ hàng tại các chuỗi siêu thị ở Nhật Bản, Singapore và vài ngày tới sẽ có mặt tại các nước EU - thị trường tiềm năng khoảng 430 triệu dân.
Cùng đó, Bộ Công Thương đã kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chuyên môn đã chỉ đạo, hỗ trợ các tỉnh trong quá trình quảng bá, xúc tiến và kết nối tiêu thụ vải.
Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam, với nền tảng sẵn có này cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...
Tỉnh Hải Dương hiện có hơn 9.000 ha vải thiều, trong đó huyện Thanh Hà có hơn 3.300 ha, Chí Linh có hơn 3.500 ha với tổng sản lượng khoảng 55 nghìn tấn. Tỉnh hiện có 45 vùng vải với tổng diện tích 450 ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP; 6.300 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay đã có 1.000 ha được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và 8.000 ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.
Trong khi đó, tỉnh Bắc Giang có diện tích vải thiều dự kiến đạt khoảng 28.100 ha, sản lượng dự kiến đạt 180.000 tấn. Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh dự kiến trên 15.200 ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 82 ha. Vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia.. có diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản là 219 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.