Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tuần dương hạm hạt nhân Kirov: ‘Át chủ bài’ của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh

(VTC News) -

Chiến hạm hạt nhân Kirov thuộc Dự án 1144 Orlan là vũ khí “át chủ bài” Liên Xô ở Trung Đông khiến tàu chiến Mỹ phải rút khỏi bờ biển Lebanon trong Chiến tranh Lạnh.

Tàu tuần dương hạng nặng chạy bằng năng lượng hạt nhân Kirov, soái hạm của Dự án 1144 Orlan, được Liên Xô đưa vào hoạt động cách đây 40 năm.

Sự xuất hiện của vũ khí “át chủ bài” này ở phía Đông Địa Trung Hải đã buộc các tàu chiến của Hải quân Mỹ phải rút khỏi bờ biển Lebanon, chấm dứt hỗ trợ hỏa lực cho chiến dịch trên bộ của Israel. Kết quả, cuộc chiến ở Trung Đông đã kết thúc bằng các cuộc đàm phán hòa bình.

Tuần dương hạm hạt nhân Kirov thuộc Dự án 1144 Orlan. (Ảnh: Ria Novosti)

Dự án “Chim săn mồi”

Những năm 1970, tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đã được trang bị tên lửa đạn đạo và trở thành vũ khí chiến lược. Để chống lại, Liên Xô nhanh chóng chế tạo các tàu chống ngầm có kích thước và sức mạnh lớn.

Bộ chỉ huy Hải quân Liên Xô đã quyết định kết hợp khả năng chống tàu ngầm của các tuần dương hạng nặng và lực lượng tấn công tên lửa. Để có thể điều lực lượng này đến bất kỳ đâu trên thế giới, Matxcơva quyết định trang bị cho con tàu các tổ máy điện hạt nhân.

Hải quân Liên Xô trước đó đã rất ấn tượng trước màn "đi vòng quanh thế giới” trong 65 ngày của bộ ba nguyên tử Mỹ là tàu sân bay Enterprise, tàu tuần dương Long Beach và tàu khu trục nhỏ Bainbridge.

Liên Xô sau đó đặt tên dự án là Orlan. Đó là tên của một trong những loài chim săn mồi giỏi nhất trên thế giới và cũng được in trên quốc huy của Hoa Kỳ. Kiến trúc sư trưởng của dự án chính là Boris Kupensky, huyền thoại chế tạo chiến hạm của Xô Viết.

Tuy nhiên, một vấn đề nghiêm trọng nảy sinh là tổ máy điện hạt nhân cho tàu ngầm và tàu phá băng không đủ cung cấp sức mạnh cho một tàu chiến khổng lồ như dự án Orlan. Theo quy định, năng lượng 2 lò phản ứng hạt nhân không được phép vượt quá giới hạn tải trọng là 8.000 tấn. Song quy định này đã được gỡ bỏ bởi Tổng tư lệnh Hải quân Liên Xô Sergei Gorshkov.

Georgy Kudrov, nhà thiết kế hàng đầu của Cục thiết kế Phương Bắc cho biết, Tổng tư lệnh Gorshkov đã đi vòng quanh những mô hình dự án, dùng ngón tay đo thứ gì đó và khẳng định: "Con tàu này là dành cho tôi". Gorshkov chỉ vào lò phản ứng hạt nhân, yêu cầu thực hiện dự án.

Tại thời điểm đó, phòng thiết kế của Kudrov đang đồng thời thiết kế 7 con tàu khác nhau, tải trọng “quái dị”. 100 kỹ sư đóng tàu từ các phòng thiết kế khác nhau ở Liên Xô đã được cử đến để phát triển Dự án 1144 Orlan.

Chiến thuật tấn công của tên lửa Granit

Sức mạnh nổi bật của tàu tuần dương Kirov là tên lửa hành trình siêu thanh P-700 Granit, với tốc độ Mach 2,5. Tên lửa chống hạm này thực hiện đòn tấn công “bầy đàn”, và có thể trao đổi thông tin khi đang di chuyển.

Sau lệnh tấn công, nhóm tên lửa chính bay thấp trên mặt nước và một tên lửa Granit khác bay lên cao, nhằm chuyển hướng chú ý của lực lượng phòng không đối phương. Trong trường hợp tên lửa này bị bắn hạ, một tên lửa Granit khác sẽ bay lên thế chỗ. Sau khi tiếp cận tàu địch, tên lửa chống hạm phân tán các mục tiêu và tấn công chúng từ các hướng khác nhau.

Tàu tuần dương Dự án 1144 Orlan tấn công mục tiêu bằng tên lửa Granit. (Ảnh minh họa)

Vào thời điểm đó, các tàu hạt nhân của dự án Atlant đã được trang bị tên lửa Granit. Để không làm thay đổi bệ phóng, các tên lửa phóng dưới nước cũng được lắp đặt trên tuần dương hạm Kirov.

NATO gọi tên lửa này là Shipwreck (xác tàu đắm). Bởi vì rất khó để bắn hạ tên lửa Granite đang bay. Ngay cả khi gặp hỏa lực phòng không cực mạnh, tên lửa nặng 7 tấn này vẫn tiếp tục bám sát mục tiêu theo quán tính và đánh chìm chiến hạm đối thủ.

Ngoài ra, hệ thống phòng không trên tàu Kirov cũng mang tính cải tiến cao, khi lần đầu tiên một phiên bản hải quân của tổ hợp phòng không tầm xa S-300 được lắp đặt trên tàu. Theo đó, các bệ phóng tên lửa này được lắp ở mũi và đuôi tàu.

Nhà thiết kế chính của hệ thống phòng không Granit Arkady Yezhov cho biết, tên lửa có thể bắn đồng thời 12 mục tiêu từ mọi hướng. Đối với những năm 70, khả năng này là rất đặc biệt.

Kết quả, Liên Xô đã tạo ra một tàu tuần dương có khả năng bảo vệ đội hình chiến đấu khỏi các cuộc tấn công trên không, trên mặt nước của đối thủ. Đồng thời có thể tìm diệt tàu ngầm và hỗ trợ binh lính trên bộ bằng hỏa lực mạnh.

Sứ mệnh hòa bình của tàu Kirov

Giữa những năm 1980, khi xuất hiện ở Địa Trung Hải, tuần dương hạm Kirov của Liên Xô đã góp phần quan trọng vào tiến trình kết thúc chiến tranh ở Lebanon.

Ngay khi chúng tôi tiếp cận ở cự ly 600 km, các cuộc tấn công bằng pháo binh và không kích bị chặn lại, chiến hạm Mỹ rút lui khỏi khu vực”, chỉ huy đầu tiên của tuần dương hạm Kirov, Alexander Kovalchuk cho biết.

Theo đó, trực thăng trên tuần dương hạm Kirov liên tục xuất hiện khiến hàng không mẫu hạm và tàu chiến lớn của Hải quân Mỹ đã không thể tiếp cận bờ biển Lebanon gần hơn 500 km, chấm dứt hỗ trợ hỏa lực cho chiến dịch trên bộ của Israel. Nhờ đó, chiến tranh ở quốc gia Trung Đông này đã nhanh chóng kết thúc, bằng các vòng đàm phán hòa bình.

Chiến hạm hạt nhân Dự án 1144 Orlan của Liên Xô có vai trò quan trọng tại chiến tranh Lebanon.

Thật là tự hào về vũ khí của chúng tôi. Tàu tuần dương có thể tấn công bằng tên lửa vào mục tiêu từ biển Trắng đến nhiều điểm trên đất liền”, Kovalchuk khẳng định.

Sau khi chế tạo thành công tàu tuần dương này, 5 nhà thiết kế của Cục Thiết kế Phương Bắc cùng một lúc đã nhận được giải thưởng nhà nước. Sau khi hạ thủy chiến hạm dẫn đầu, Liên Xô quyết định đóng thêm 4 chiếc tàu tuần dương lớp Orlan tại nhà máy đóng tàu Baltic.

Một trong số chúng, tàu Peter Đại đế, hiện là soái hạm của Hạm đội Phương Bắc. Trong khi tuần dương hạm Đô đốc Nakhimov đang được hiện đại hóa, tàu Đô đốc Lazarev đã ngừng hoạt động và bị thanh lý. Con tàu cuối cùng của  loạt 4 chiếc trên là Đô đốc Ushakov, hiện đã rút khỏi biên chế hạm đội Nga và chờ thanh lý.

Đình Nguyễn (Nguồn: RG.ru)

Tin mới