Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Từ ngày 9/7, người dân ra vào TP.HCM thế nào?

(VTC News) -

Từ 0h ngày 9/7 TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân và người điều khiển phương tiện muốn ra vào TP trong 15 ngày tới cần làm gì?

Tối 8/7, UBND TP.HCM tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại TP.HCM và kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa diễn ra.

Muốn ra vào TP.HCM trong thời gian giãn cách phải làm gì?

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, theo quy định mới nhất và hướng dẫn của các cơ quan liên quan, từ 0h ngày 9/7, hoạt động vận tải công cộng và kinh doanh mô tô phải dừng hoàn toàn, kể cả xe liên tỉnh đến TP.HCM và quá cảnh qua TP.HCM. Chỉ trừ xe đưa rước công nhân, chuyên gia và 400 xe taxi đảm bảo đưa đón người dân đến cơ sở y tế mới được hoạt động.

Riêng xe tải vận chuyển hàng hóa, sản xuất kinh doanh vẫn hoạt động trên địa bàn TP nhưng theo quy định phải thực hiện phòng chống dịch.

Việc người dân đổ xô về quê khiến chân cầu Đồng Nai ùn ứ ở làn xe máy.

Sở Giao thông Vận tải sẽ cấp thông báo và cho dán mã PR Code lên phương tiện. TP.HCM đã có văn bản triển khai giữa các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Hiện sở đã cấp cho khoảng 700 xe và đảm bảo những xe đã đăng ký sẽ được ra vào thuận lợi. Người đi trên xe vẫn phải đảm bảo yêu cầu có giấy xét nghiệm COVID-19.

Từ mai, với xe tải vận chuyển hàng hóa sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP.HCM vẫn hoạt động. Thành phố không cấm xe chở hàng hóa hoạt động theo đúng quy định phòng, chống dịch theo điều kiện mới của thành phố.

Với xe liên tỉnh chở nhu yếu phẩm từ TP.HCM đi các tỉnh và các tỉnh đi TP.HCM, Sở GTVT cho biết sẽ chủ trì tiếp nhận danh sách phương tiện của xe chở nhu yếu phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống; xe đưa rước công nhân, chuyên gia; xe chở hàng hóa ra vào cảng; xe quá cảnh (đi qua nhưng không dừng lại).

"Tài xế điều khiển các phương tiện thuộc nhóm ưu tiên nói trên phải có giấy xét nghiệm theo đúng quy định. Ngoài ra phải có thông báo (được hoạt động) của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM và các giấy tờ cần thiết của người tài xế, đơn vị mới được các tỉnh cho hoạt động", ông Lâm nói.

12 trạm chốt cửa ngõ kiểm soát người ra sao?

Về việc di chuyển ra vào thành phố, Phó Chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức cho biết khi áp dụng Chỉ thị 16 thì người dân chỉ được ra đường để giải quyết nhu cầu cấp thiết, giãn cách nhà với nhà, phường với phường.

Nếu người dân không lý giải được việc di chuyển thì chắc chắn là không được phép. Và di chuyển từ TP.HCM sang tỉnh khác cũng có quy định đã nói rõ. Ví dụ người từ TP.HCM sang tỉnh khác sẽ bị cách ly 7 ngày”, ông Đức thông tin.

Về việc lập chốt trên địa bàn, Trung tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.HCM cho biết, Công an TP đã thành lập 12 chốt tại địa bàn giáp ranh Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai.

Trung tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.HCM. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Cụ thể là các chốt trên QL50, QL1, QL22, QL13 (cầu Vĩnh Bình), QL1 (trước KCN Sóng Thần), QL1K, QL1 giáp ranh Đồng Nai, đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây...

Trao đổi về việc sẽ giám sát, xử phạt người dân ra đường khi không có nhu cầu chính đáng như thế nào, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.HCM cho biết lực lượng công an bằng các biện pháp nghiệp vụ sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt.

Công an phối hợp với cảnh sát giao thông, công an phường, cảnh sát cơ động, an toàn thực phẩm, cảnh sát quân sự. Tại các chốt, lực lượng chức năng sẽ đảm bảo kiểm soát người, kiểm soát dịch và kiểm soát phương tiện ra, vào thành phố.

Hoàng Thọ - Mai Thúy

Tin mới