Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tư duy kinh tế của vị tướng Trường Sơn huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên

Không chỉ là Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn huyền thoại, "cây cao bóng cả" trên tuyến chi viện chiến lược, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn có tư duy sắc sảo về kinh tế.

Nhắc đến Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nhiều người nghĩ ngay đến một vị Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn huyền thoại, "cây cao bóng cả" trên tuyến chi viện chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Rất ít người biết rằng vị tướng tài năng và đức độ này còn có tư duy rất sắc sảo về kinh tế.

Tác giả của "Đường kín Tây Trường Sơn"

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh tại phường Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) hiện lưu giữ nhiều hiện vật quý về đường Trường Sơn, trong đó có bức ảnh về đường kín và mô hình một đoạn đường kín Tây Trường Sơn trong chiến tranh. Tại đây, vào thời điểm kỷ niệm 55 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19 - 5 - 2014), tôi được nghe Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, tác giả của sáng tạo độc đáo “Đường kín Tây Trường Sơn” kể về quá trình làm đường con đường này.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cho biết, từ đầu năm 1971, sau khi thất bại ở nhiều nơi trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ và tay sai tìm cách đánh trực tiếp vào các đoàn xe vận tải của ta. Từ chỗ dùng máy bay phản lực oanh tạc bắn phá với thời gian không dài, xác suất thấp, chúng chuyển sang dùng máy bay AC130 có tốc độ bay chậm, thời gian ở trên không lâu, với những trang thiết bị trinh sát mới, có khả năng phát hiện mục tiêu nhanh vào ban đêm, tạo thành các pháo đài hiện đại di động trên bầu trời, đánh trực tiếp vào xe vận tải, khiến ta không sử dụng được đội hình xe vận tải lớn, tốc độ vận chuyển chậm và gây thiệt hại khá nghiêm trọng về người và xe của ta.

Trước thủ đoạn đánh phá ngăn chặn mới của địch và yêu cầu chi viện cho chiến trường lớn hơn, nhanh hơn, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã thực hiện hàng loạt biện pháp chống ngăn chặn của địch bằng sức mạnh của một binh chủng hợp thành, như: Tập trung cao xạ, tên lửa đánh mạnh máy bay; mở thêm các đường nhánh để phân tán đội hình xe; tổ chức nghi binh thu hút địch vào một số tuyến... Các giải pháp đó đều có tác dụng tốt nhưng hiệu suất vận tải vẫn chưa cao và phải trả giá quá đắt.

Bộ tư lệnh Trường Sơn trong khi nghiên cứu các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của chiến trường đã phát hiện yếu tố “địa lợi”: Ở cao nguyên phía tây Trường Sơn, rừng đại ngàn dù bị chất độc hóa học do Mỹ thả nhưng vẫn xanh tốt, chạy suốt từ Trung Lào, Hạ Lào, nối với Tây Nguyên của Việt Nam và Đông Bắc Campuchia. Yếu tố “địa lợi” đó là cơ sở để Bộ tư lệnh Trường Sơn nghiên cứu xây dựng một tuyến đường kín, lấy rừng đại ngàn làm màn ngụy trang kín đáo, khổng lồ.

Để giữ được bí mật cao nhất, lâu nhất, khi thiết kế tuyến đường, Bộ tư lệnh Trường Sơn cho phép đường được lượn vòng và kéo dài để tránh tối đa việc chặt phá cây rừng. Nền đường chỉ rộng 4m, bảo đảm cho tán cây hai bên đường giao nhau. Ở những vị trí thuận lợi qua rừng già thì phải mở thêm một tuyến song song để sử dụng hai chiều. Từ một đến hai cây số phải có một đoạn đường tránh dài từ 150m đến 200m có tính chất như một nhà ga để điều chỉnh xe đi hai chiều. Ở một vài điểm cục bộ, đường đi qua không có cây, công binh phải làm màn ngụy trang nhân tạo bằng cách bứng cây to về trồng hai bên đường, có xe téc tưới nước, khi cây chết phải thay ngay. Cũng có chỗ làm dàn phong lan ngụy trang kín đường.

Mạng “Đường kín Tây Trường Sơn” xuất hiện trong thời gian ngắn đã tạo ra bước ngoặt lớn trong sự phát triển của tuyến chi viện chiến lược. Đội hình xe từ chỗ chỉ chạy chủ yếu vào ban đêm đã chuyển sang chạy ban ngày, cung vận chuyển dài hơn. Đặc biệt, đường kín đã ngăn chặn được sự đánh phá bằng máy bay AC130 hiện đại của địch, bảo đảm an toàn cho cả người và xe của ta.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gặp mặt cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn nhân kỷ niệm 58 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (năm 2017). (Ảnh: Trường Sơn).

Dùng máy bay Mỹ... phá đá, làm đường

Khách đến tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh đều rất thích thú khi nghe nhân viên thuyết minh giới thiệu về cây nhiệt đới mà không quân Mỹ thả xuống trên đường Trường Sơn đang trưng bày tại các bảo tàng này.

Cây nhiệt đới thực chất là thiết bị trinh sát điện tử hiện đại, gồm bộ cảm ứng thu các chấn động. Có nhiều loại cây nhiệt đới được Mỹ cho biệt kích đem đi thả hoặc cho máy bay thả bằng dù xuống đường Trường Sơn. Cây nhiệt đới có khả năng cắm chặt xuống đất khi thả từ máy bay, ngụy trang khéo léo và phát hiện các tiếng động do người và xe phát ra để truyền về trung tâm xử lý, thông báo chính xác vị trí đối phương.

Theo Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, thời gian đầu, khi mới đi vào hoạt động, cây nhiệt đới gây thiệt hại khá nặng cho các lực lượng của ta trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu được nguyên lý hoạt động, bộ đội Trường Sơn đã dùng chính phương tiện của Mỹ để lừa máy bay và sở chỉ huy Mỹ bằng cách bí mật đặt cây nhiệt đới vào sát các khu căn cứ của Mỹ-ngụy và thật bất ngờ, không quân Mỹ lại giội bom vào chính căn cứ của chúng. Việc này làm cho Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Việt Nam kinh hoàng, bối rối.

Cũng có khi cây nhiệt đới được đưa đến nơi ta bố trí hỏa lực phòng không, rồi bộ đội tạo ra chấn động, đúng như dự đoán, địch điều hàng loạt máy bay mang bom tới ném xối xả xuống nơi không người. Quân ta giăng sẵn bẫy phục kích “làm thịt” ngay máy bay Mỹ có khi còn chưa kịp ném bom. Vài lần như vậy khiến máy bay Mỹ cũng “thần hồn nát thần tính”, ném bom thật nhanh mà không kịp quan sát kỹ mục tiêu. Nhưng điều thú vị nhất, đó là việc thi thoảng công binh Trường Sơn lại nhờ Mỹ “giúp” mở đường.

Sau khi di chuyển cây nhiệt đới đến vị trí cần làm đường và tạo ra những chấn động giả, bộ đội và thanh niên xung phong chỉ việc chờ đợi Mỹ ném bom, sau đó san lấp lại là xong. Ở những nơi đồi núi, đá cứng, đất rắn, trong tay chỉ có cuốc xẻng thô sơ, thì một trận bom để “mở đường” của máy bay Mỹ còn hiệu quả gấp mấy lần sức người, nhất là việc sản xuất đá rải mặt đường cho xe chạy.

Sau thất bại của cây nhiệt đới trên đường Trường Sơn, quân đội Mỹ phát minh ra một loại thiết bị điện tử khác, chúng gọi là “máy đánh hơi người” và được đánh giá là thiết bị điện tử hiện đại nhất lúc bấy giờ. Thiết bị này được thả xuống từ máy bay hoặc có thể đeo trên lưng của lính Mỹ. Sau khi nghiên cứu, bộ đội Trường Sơn phát hiện ra nguyên lý hoạt động của thiết bị này dựa vào mùi khí amoniac có trong nước tiểu của người. Amoniac cũng có trong nước tiểu của động vật.

Vì thế, Bộ đội Trường Sơn nghĩ ngay ra cách để đánh lừa thiết bị này, đó là mang những chậu đựng nước tiểu của người và động vật để vào nơi cần nhử máy bay địch đến ném bom. Đó có thể là bãi đất trống, mỏm đá cần phải phá, cũng có khi là nơi “giăng bẫy” cho trận địa pháo phòng không của ta...

Làm cầu Chương Dương từ vật liệu... thừa

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên la một trong số ít lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam từng nắm giữ cương vị quyết định ở nhiều bộ, ngành khác nhau, từ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tin cẩn giao làm đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ phụ trách Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; cũng như giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ban Chỉ đạo Nhà nước về dự án Hồ Chí Minh.

Thể theo tâm nguyện của bộ đội Trường Sơn, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất với lãnh đạo Đảng và Nhà nước xây dựng cơ bản đường Trường Sơn, biến con đường phục vụ chiến tranh giải phóng dân tộc thành con đường động lực phát triển kinh tế. Đồng chí cũng đề nghị đổi tên dự án đường Trường Sơn thành đường Hồ Chí Minh như hiện nay.

Với tầm nhìn xa trông rộng, và bằng kinh nghiệm xương máu, thực tiễn trong chiến tranh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất mở nhánh Tây đường Hồ Chí Minh từ Khe Gát Quảng Bình đến Tây Nguyên. Theo đồng chí, con đường nhánh Tây Trường Sơn có rất nhiều lợi thế trong bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, cả hai con đường (đường Hồ Chí Minh và đường Hồ Chí Minh nhánh phía Tây) đã hoàn thành nhiều đoạn và phát huy hiệu quả.

Một trong những dấu ấn đậm nét của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đồng Sỹ Nguyên là việc tận dụng vật liệu thừa để làm cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng. Đây là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam không cần có sự trợ giúp kỹ thuật của các kỹ sư nước ngoài.

Trước đó, vào những năm 80 của thế kỷ XX, cả Hà Nội chỉ có cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Do làn đường ôtô quá nhỏ nên cảnh ách tắc luôn xảy ra và cầu được mệnh danh là "cây cầu dài nhất thế giới" do xe phải mất nhiều tiếng đồng hồ mới qua được. Trong khi đó, cầu Thăng Long còn đang dở dang và dù có xong thì cũng không chia sẻ được nhiều do vị trí quá xa trung tâm. Chính vì vậy, dựng ngay một cây cầu để vào trung tâm Hà Nội là ưu tiên số một.

Thời điểm đó, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã thuyết phục Chính phủ cho tận dụng vật liệu “thừa” là một số thanh thép phục vụ thi công cầu Thăng Long và rất nhiều dầm cầu đường sắt. Để phù hợp khổ cầu đường bộ như cầu Chương Dương, các dầm sắt này đã được “chế sửa” lại theo cách riêng mà thế giới chưa từng làm.

Nguồn: Công Thương

Tin mới