PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, tự chủ là định hướng đúng đắn, nhất định phải làm để phát triển giáo dục đại học, song cần làm thế nào cho phù hợp với thực tiễn đất nước.
PGS.TS Bùi Thị An. (Ảnh: KT)
“Tự chủ đại học là đúng hướng nhưng giáo dục không phải hình thức thu lợi nhuận đến mức nào cũng được. Đầu tư, xã hội hóa giáo dục cũng cần thiết nhưng không thể lợi nhuận vô biên, phải rất hài hòa giữa đầu tư nhà nước và nhân dân. Tăng học phí thế nào để phù hợp với tài chính của người dân.
Đặc biệt khi tăng học phí đại học cần tương xứng với chất lượng đào tạo, đẩy mạnh việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Bên cạnh những trường đào tạo tốt, nhìn chung chất lượng giáo dục đại học ở nước ta chưa thực sự tốt. Bởi vậy câu hỏi lớn đặt ra là học phí tăng nhưng chất lượng đào tạo có tăng hay không? Và nhấn mạnh rằng, tăng học phí cần có giới hạn, để đảm bảo mọi người đều có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, không thể để học sinh chỉ vì học phí quá cao mà không thể theo học đại học”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Trong bối cảnh tự chủ giáo dục đại học, PGS.TS Bùi Thị An cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT cần đẩy mạnh khâu thanh tra, điểm tra công tác đầu tư, thu chi tại các trường đại học, tự chủ không có nghĩa muốn làm gì thì làm, mà phải đảm bảo minh bạch.
Học phí đại học tăng cao khiến không ít phụ huynh, học sinh gặp áp lực về tài chính. (Ảnh minh họa)
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, khi nói đến tăng học phí, bất kể quốc gia nào cũng đều có nguyên tắc với các trường công lập là học phí phải đảm bảo tính công bằng, tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Do đó, mức học phí thường có quy định giới hạn, không phải tăng vô hạn mà cần căn cứ vào mức thu nhập trung bình của người dân.
“Người dân đóng thuế, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, do đó con em họ phải được thụ hưởng những quyền lợi giáo dục tại hệ thống trường công lập, không thể bắt người học phải chịu một gánh nặng lớn về học phí.
Một nền giáo dục tốt phải thỏa mãn một số yếu tố bao gồm tính công bằng về cơ hội học tập, tiêu chí chất lượng, hiệu quả (cùng một khoản tiền phải sử dụng sao cho có hiệu quả nhất), tính thống nhất (tức cần chính sách nhất quán trong toàn bộ hệ thống giáo dục). Nếu thỏa mãn được cả 4 tiêu chí trên mới có thể coi là một nền giáo dục tốt.
Ở nước ta hiện nay đang nói nhiều đến chuyện phải nâng cao chất lượng nhưng chất lượng đó có thực hay không lại là chuyện khác. Khi nâng cao chất lượng bằng cách nâng chi phí cho đào tạo lên mà không có các nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hay từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ dựa vào học phí thì không ổn. Học phí tăng nhưng cần có sự kiểm soát, phải đảm bảo không vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc công bằng của giáo dục, để mọi người đều có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học”, TS Lê Viết Khuyến nói.
Lúng túng trong tự chủ đại học
Còn theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, chủ trương tự chủ đại học là rất đúng đắn, có ý nghĩa đột phá để phát triển giáo dục đại học lên tầm cao mới, thế giới đã thực hiện tự chủ từ rất lâu.
“Hiện nay Chính phủ đã cho thực hiện thí điểm ở 23 trường đại học từ 7 năm trước, đây là 1 quyết định đúng đắn. Mặc dù còn nhiều cản trở, nhưng nhìn chung có tốt hơn so với khi chưa thí điểm, trong đó có ĐH Tôn Đức Thắng nhờ có cơ chế tự chủ mà lọt được vào top 400 của thế giới thời kỳ 2015-2000”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, đến nay khi nhìn lại tổng thể việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học đang còn rất nhiều lúng túng. Trong cả giới quản lý lẫn học thuật đang có sự nhầm lẫn giữa trao quyền tự chủ cho các trường đại học với việc Nhà nước phân quyền cho cơ sở cũng như với đòi hỏi cơ sở phải tự túc về tài chính.
“Luật pháp không đồng bộ, cản trở lẫn nhau, chỉ đạo và triển khai tiền hậu không thống nhất, lủng củng, nửa vời. Đang có sự lẫn lộn và xung đột giữa cơ chế tự chủ với cơ chế chủ quản (như cũ), mà chủ quản vẫn mạnh hơn, cũng có nghĩa là nói tự chủ nhưng vẫn chưa được tự chủ theo đúng nghĩa. Nếu kéo dài tình trạng này, thì chủ trương của Đảng và Nhà nước về tự chủ đại học mặc dù rất đúng đắn nhưng có khả năng phá sản, giáo dục đại học của Việt Nam sẽ không có lối ra để có thể nhanh chóng trưởng thành”, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhận định.
Để giải quyết tình trạng này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng nằm ngoài khả năng của Bộ GD-ĐT mà cần chỉ đạo của các cấp cao, giao cho các bên liên quan thực hiện theo chức năng của mình về tham mưu điều chỉnh các quy định của pháp luật theo hướng nhất quán thực hiện chủ trương tự chủ đại học. Hiện nay đang có sự không đồng bộ giữa luật giáo dục đại học với nhiều luật, nghị định và hướng dẫn.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, để mở đường cho giáo dục đại học cần sớm thống nhất một số quan điểm. Trong đó, không đánh đồng tự chủ đại học với tự túc về nguồn lực. Nhà nước không nên cắt ngân sách của các trường đại học tự chủ mà trái lại cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ đại học, xem đó như là những nơi xứng đáng được Nhà nước tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng của những trường này lên, giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia.
Để trao quyền tự chủ thực sự cho các trường đại học, đặc biệt với các trường công lập, cần kiên quyết xóa bỏ cơ quan chủ quản, để có được điều này đòi hỏi cơ quan chủ quản phải tự nguyện từ bỏ quyền lực, sự chỉ huy trực tiếp của mình đối với trường đại học, không được ẩn dưới tên gọi mập mờ khác như “cơ quan quản lý trực tiếp”.
“Cũng xin lưu ý xóa bỏ cơ quan chủ quản hay xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản nhưng chúng ta không hề phủ nhận vai trò lãnh đạo cực kỳ quan trọng của các cơ quan quản lý Nhà nước và của tổ chức Đảng trong trường”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, trao quyền tự chủ thì phải xác định cụ thể là trao quyền đó cho ai. Nhà nước không thể trao quyền tự chủ trường đại học cho một cá nhân mà phải cho một tập thể lãnh đạo và tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường là Hội đồng trường. Bởi vậy thành lập Hội đồng trường là khâu đột phá trong tiến trình trao quyền tự chủ cho các trường đại học.
Chừng nào cơ quan chủ quản còn chưa tự nguyện từ bỏ vai trò độc quyền chỉ đạo và quản lý trực tiếp của mình theo định chế có cấu trúc kiểu tập quyền/cơ chế chủ quản đối với cơ sở giáo dục đại học thì ở đó chưa nên vội vàng thành lập Hội đồng trường và do đó không nên máy móc chuyển trường qua cơ chế tự chủ. Trao quyền tự chủ thì cơ cấu quản trị, quản lý trường đại học cũng phải thay đổi, không thể vẫn theo thiết chế tập quyền/cơ chế chủ quản như cũ. Cần thay đổi cơ cấu tổ chức và điều lệ hoạt động của trường đại học sao cho phù hợp với cơ chế tự chủ. Phải gắn liền việc trao quyền tự chủ với việc nâng cao trách nhiệm giải trình của trường đại học.