Ý kiến trên được đưa ra tại buổi toạ đàm “Tự chủ đại học ở Việt Nam không thể nửa vời” do VOV2 tổ chức mới đây. TS Mai Văn Tỉnh, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng thẳng thắn, việc đổi mới tự chủ đại học ở Việt Nam đang yếu và thiếu 3 ở ba vấn đề: Lý luận, khái niệm về quản lý giáo dục đại học và tự chủ đại học chưa thật đúng; chưa có canh tân về công nghệ; đổi mới quan hệ xã hội.
Trong tự chủ, học phí của người học phải dựa trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ, nhưng không có nghĩa tất cả đổ lên đầu sinh viên, mà cần các nguồn xã hội hoá khác cùng chung tay và có trách nhiệm với nhân lực tương lai.
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, tự chủ đại học bao gồm tự chủ về chuyên môn - nhân sự - tài chính. Tuy nhiên, tự chủ tài chính không có nghĩa các trường đều phải tự lo về tài chính. Bởi các trường đại học được coi là dịch vụ công đặc biệt, cần có sự chia sẻ giữa các bên liên quan nhà nước - người học - xã hội.
"Nhà nước cần có trách nhiệm đầu tư kinh phí cho các trường và người học cũng cần đóng góp học phí phù hợp với lợi ích các em nhận được. Đó có thể coi như khoản đầu tư cho tương lai. Chứ không phải tự chủ là các trường tự lo về kinh phí hoạt động và tự tăng học phí", Thứ trưởng nói.
Trong quá trình tự chủ, các trường phải tự thực hiện tự quản trị theo mức độ nhất định thì mới được giao quyền. Khi trường thực hiện tự chủ, Nhà nước sẽ giảm dần việc quản lý về mặt thủ tục hành chính, giao cho các trường tự quyết định. Ở các trường, quyền lực đó sẽ được chia sẻ giữa hội đồng trường và hiệu trưởng.
(Ảnh minh hoạ: H.C)
Bàn về lợi ích của việc tự chủ, theo Thứ trưởng Sơn, khi trường thực hiện tự chủ, các quyết định, thủ tục hành chính sẽ được giải quyết nội bộ nhanh hơn, thiết thực hơn. Nếu việc tự chủ tốt thì người đứng đầu nhà trường sẽ tiếp tục trao quyền tự chủ xuống các cấp khoa, phòng… tạo ra sự năng động, sáng tạo trong toàn hệ thống. Đó là tiền đề để tập hợp trí tuệ của toàn bộ cán bộ, nhân viên nhà trường. Kết quả cuối cùng là mang lại lợi ích cho người học, cho xã hội và nâng cao chỉ số đánh giá của trường.
Trước đây, khi chưa thực hiện cơ chế tự chủ, hiệu trưởng nắm quyền nhiều nhất trong trường đại học, nhưng sau khi áp dụng cơ chế tự chủ thì các trường bắt buộc phải có hội đồng trường. Bởi điều này liên quan đến nhiều vấn đề lợi ích các bên như định hướng, tài sản, chuyên môn… và hiệu trưởng không đủ sức để quản lý hết được. Do đó, cần có hội đồng để cùng quyết định, chia sẻ quyền lực và chia sẻ trách nhiệm với hiệu trưởng.
(Ảnh minh hoạ: C.H)
Ở góc độ các trường, PGS.TS Nguyễn Mai Hương, Chủ tịch hội đồng trường Đại học Mở Hà Nội nêu quan điểm, tự chủ đại học là năng lực tự quản lý dựa trên tính độc lập tương đối của nhà trường với các mối quan hệ từ bên ngoài. Tự chủ đại học là các trường có quyền tự điều chỉnh, điều tra và thể hiện các tính chất liên quan đến hoạt động của nhà trường. Tự chủ đại học luôn gắn với tự chịu trách nhiệm và giải trình.
Trước đây từng có quan niệm tự chủ đại học là tự chủ tài chính, nhưng với bậc đại học thì cái gốc của tự chủ phải bắt đầu từ chuyên môn. Luật Giáo dục đại học cũng chỉ rất rõ, tự chủ đại học là tử chủ toàn diện về học thuật - tổ chức - tài chính cơ sở vật chất.
Khi các trường nắm vận mệnh của mình thì sẽ có quyền quyết định và thực hiện tốt hơn. Từ đó tạo ra sự đa dạng giữa các trường đại học. Sinh viên là người thừa hưởng trực tiếp từ việc tự chủ này.
Ở Đại học Mở Hà Nội, trường thực hiện tự chủ về chuyên môn, mở các ngành học mới phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp của xã hội, số lượng sinh viên theo học các ngành cũng tăng lên rõ rệt.
Về nguyên nhân nhiều trường đại học chậm trễ trong thực hiện tự chủ, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch hội đồng quản trị Đại học FPT nhận thấy, hiện có một số cách hiểu, tự chủ gắn với tự túc. Nếu tự túc thì quyền tự trị sẽ ra sao, nên dẫn đến lối suy nghĩ tự chủ đại học là tự chủ tài chính.
"Giáo dục đại học là lĩnh vực đặc thù, tự chủ là quyền của các trường tự quyết, nó khác hoàn toàn với việc tự túc, tự trị", ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, đến nay, đã quá thời hạn thực hiện Nghị định 99 của Chính phủ về thành lập hội đồng trường, nhưng nhiều nơi vẫn loay hoay chưa thực hiện được - đây là điều kiện tiên quyết trong thực hiện tự chủ đại học. Hay việc đạt chuẩn kiểm định, nhiều trường, nhiều ngành học vẫn chưa hoàn thành khâu đánh giá này, khiến cho việc tự chủ bị trì trệ. Nếu các trường không làm xong hai việc này thì không thể chuyển sang cơ chế tự chủ mới được.