Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trường y cạnh tranh bằng học phí sẽ không thể đào tạo bác sĩ giỏi

(VTC News) -

Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền cho rằng, các trường ngành Y Dược tuyệt đối không nên cạnh tranh bằng học phí, học phí thấp sẽ không thể đào tạo bác sĩ giỏi.

Thông tin Đại học Y dược TP.HCM dự kiến tăng học phí trong năm học 2020- 2021, có ngành tăng gấp 4-5 lần so với năm học 2019-2020 gây ra nhiều luồng ý kiến tranh cãi. Dưới đây là bài viết của PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, về vấn đề này. 

Tự chủ đi đôi với tăng học phí

Bắt đầu từ ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi chính thức có hiệu lực. Theo đó, đến tháng 8/2020 tất cả các trường đại học phải hoàn thiện hội đồng trường, đây là một trong những điều kiện tiêu chuẩn để tự chủ đại học.

Các trường Y Dược khi thực hiện tự chủ sẽ không được hưởng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Do vậy các trường đều dự kiến điều chỉnh tăng học phí để đảm bảo việc thu chi, đầu tư khi tự chủ.

Cùng với đó, hiện các trường đại học đều tăng cường cạnh tranh về chất xám. Các nhà khoa học có xu hướng dịch chuyển từ các trường đại học công sang tư hoặc từ trường này sang trường khác. Nếu như các trường không đáp ứng được nhu cầu cơ bản về lương, chế độ nghiên cứu, môi trường làm việc… thì các nhà khoa học rất dễ dịch chuyển.

Điều đó đòi hỏi các trường phải đưa ra kế hoạch tài chính quan trọng, đảm bảo đời sống, thu nhập của cán bộ, viên chức. Như vậy, việc các trường Y Dược tăng học phí trong thời gian tới, khi thực hiện tự chủ, là xu hướng phát triển tất yếu.

Ngoài việc học lý thuyết, sinh viên ngành Y Dược chủ yếu thực hành trong phòng thí nghiệm qua mô hình, thực hành ở bệnh viện… Các thiết bị mô phỏng của trường giống như một bệnh nhân và một bệnh viện thu nhỏ.

Trong khi đó, để mua được thiết bị mô phỏng tích hợp 3D, 4D trong giảng dạy cho sinh viên, cần đầu tư kinh phí rất lớn. Nếu học phí thấp, các trường không thể có nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị thực hành, không thể đảm bảo việc đào tạo cho ra lò bác sĩ đạt chuẩn.

Trong quá trình học, sinh viên thường xuyên làm thí nghiệm trên động vật như chó, chim bồ câu, ếch…, cũng cần nguồn kinh phí không nhỏ. Nhất là ở bộ môn giải phẫu cơ thể người, cần có phòng giải phẫu, phòng bảo quản xác người được hiến tặng… Việc duy trì phòng này tốn chi phí rất lớn.

Sinh viên ngành Y Dược trong giờ thực hành thí nghiệm. (Ảnh minh hoạ)

Không cạnh tranh về học phí

Năm học 2019-2020, học phí của các trường ở mức 13,5 triệu đồng, năm học tới sẽ tăng 10% lên mức 14,5 triệu đồng. Nếu tự chủ thì tăng thêm 3 triệu đồng/sinh viên, tương đương 16,5 triệu/năm. Mức phí này là bình thường, không cao, sinh viên vẫn đáp ứng được.

Riêng với sinh viên năm nhất, hiện nay các cơ sở giáo dục khối ngành sức khoẻ chưa thống nhất về mặt bằng học phí. Các trường đang đợi ý kiến từ Bộ Y tế. Tuy nhiên, quan điểm của tôi nếu tăng thì cũng phải tăng có lộ trình cụ thể, rõ ràng.

Đồng thời, các trường khối ngành Y Dược nên thống nhất một khung học phí chung. Việc này rất cấp thiết, nên tạo ra mặt bằng chung giữa cả trường công và trường tư. Các trường chỉ nên cạnh tranh về dịch vụ, về sự hài lòng của sinh viên, còn cạnh tranh về học phí là không phù hợp.

Cần tạo nên sự ổn định về mức phí để đào tạo ra một bác sĩ, không thể quá rẻ, nhưng cũng không thể quá cao. Tuyệt đối không được cạnh tranh về học phí. Nếu trường nào có mức học phí quá thấp thì chắc chắn không ổn khi đào tạo, học phí quá cao thì trách nhiệm với xã hội không đảm bảo. 

Nếu so sánh giữa các trường đại học khác, chỉ có chi phí đơn thuần về phòng ốc, điện nước, cán bộ giảng viên sẽ tương đươnng, nhưng riêng với ngành Y Dược, chi phí vật tư tiêu hao trong quá trình sử dụng đều lớn. Đặc biệt, chi phí đầu tư cho các phòng thí nghiệm, giải phẫu… quá lớn. Nếu như không tăng chi phí đào tạo cho ngành Y thì chắc chắn không thể tạo ra được bác sĩ tốt.

Môi trường ngành Y Dược có 3 đặc thù lớn. Thứ nhất, thời gian đào tạo sinh viên trường Y là 6 năm, trong khi các trường khác 3-4 năm. Thứ hai, chi phí đào tạo lớn, học phí cao nên khi sinh viên ra trường, buộc phải trả lương cao cho họ. Thứ ba là trách nhiệm của ngành Y cao hơn, nặng nề hơn vì liên quan đến sinh mạng của con người. Do đó, Nhà nước cần điều chỉnh mức lương để họ sống được bằng nghề của họ.

Trên thế giới giải quyết con đường học y khoa của sinh viên nghèo bằng 2 cách: Sinh viên nghèo cố gắng học giỏi để giành học bổng (hiện nay trường giành 5% quỹ học phí để làm học bổng). Hoặc nhà nước sẽ có gói tín dụng cho sinh viên vay, đặc biệt là sinh viên ngành Y vay với mức ưu đãi riêng biệt. Học phí sinh viên ngành Y cao hơn thì gói cho vay phải lớn hơn, không thể thấp như sinh viên ngành khác.

Ở Việt Nam hiện nay mức cho vay tín dụng sinh viên là 2,5 triệu đồng/tháng, chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn ở của sinh viên chứ không giải quyết vấn đề học phí, đặc biệt là sinh viên ngành Y Dược càng không thể đủ. Do đó, đi đôi với chính sách tăng học phí khi các trường đại học chủ, Nhà nước cũng nên có những gói tín dụng tốt hơn cho sinh viên.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh

Tin mới