Bác sĩ Trần Huỳnh (tên tiếng Anh là Huynh Wynn Tran), đang làm việc tại Bệnh viện Assistant Professor, Los Angeles, Mỹ đưa ý kiến trước việc Đại học học Y- Dược TP.HCM và một số trường có ngành Y tăng học phí. Trong đó ông nhấn mạnh đến cơ hội thành bác sĩ của sinh viên tâm huyết, và học phí tăng thì thu nhập có tăng lên không:
Trong lúc tình hình kinh tế thế giới chao đảo vì COVID-19, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam giảm, thì trường Đại học Y Dược TP.HCM tăng học phí, có ngành cao hơn gấp 5 lần như Y và Răng Hàm Mặt lên 68-70 triệu đồng, tương đương 3,000 USD/năm học.
Việc tăng học phí lên 5 lần như thế có thể lấy đi cơ hội thành bác sĩ của những của sinh viên học sinh thực sự có tâm huyết và sinh viên nghèo với ngành Y.
Hiện chi phí ăn uống, ở trọ và đi lại tại TP.HCM trung bình khoảng 3-5 triệu đồng (khoảng 200 USD/tháng và khoảng 2.000 USD/năm học). Như vậy, chi phí ăn uống và học Y tại Sài Gòn mỗi năm khoảng 120 triệu (tương đương 5.000 USD).
Trong 6 năm học Y tại Việt Nam, chi phí ít nhất đã là 720 triệu cho mỗi sinh viên (chưa kể dự tính tăng 10% mỗi năm).
Sau khi ra trường, một bác sĩ phải đi học thêm ít nhất 18 tháng để có bằng hành nghề, học cao học 2 năm, hay làm bác sĩ 2-3 năm. Như vậy sẽ thêm khoảng 200 triệu đồng và cộng thêm cả chi phí ăn, ở trong 18-24 tháng đó.
Rõ ràng tổng số tiền ít nhất để thành bác sĩ tại Việt Nam khoảng 1 tỷ đồng (43.000 USD). So với thu nhập trung bình một người Việt Nam khoảng 2.700 USD/năm thì những con số chi phí để học Y quá cao.
Bác sĩ Trần Huỳnh, làm việc tại Bệnh viện Assistant Professor, Los Angeles, Mỹ. (Ảnh: NVCC)
Một số ý kiến cho rằng sinh viên nghèo, nếu học giỏi vẫn có thể học ngành Y do trường có chương trình học bổng (trường Đại học Y- Dược TP.HCM có hỗ trợ 800 học bổng trên 2.100 sinh viên).
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để thành bác sĩ là sinh viên phải yêu thích nghề Y và có tâm huyết với nghề. Học giỏi (dựa vào bảng điểm) không phải là điều duy nhất để thành bác sĩ. Rất nhiều nghiên cứu và thực tế chỉ ra điểm cao trong lúc học Y không liên quan gì đến thành một bác sĩ giỏi và tận tâm sau này.
Đẩy học sinh tâm huyết với nghề Y ra xa
Do học bổng chỉ dành cho top 10-25% sinh viên giỏi, phần lớn sinh viên y khoa còn lại (trên 50%) vì nhiều lý do không có bảng điểm hoàn hảo, và sẽ không có học bổng hỗ trợ. Với chi phí học cao gần gấp đôi so với thu nhập của người dân Việt Nam, nhiều em sinh viên và gia đình không thể tiếp tục đi học.
Nhưng, đây có thể là những sinh viên tâm huyết nhất với ngành Y và có thể sẽ trở thành những bác sĩ giỏi nhất sau này. Học phí quá cao sẽ khiến các bạn tâm huyết với nghề Y không thể theo đuổi những năm còn lại.
Nhiều học sinh bậc THPT có tâm với ngành Y, nhưng không phải là những học sinh giỏi nhất, và các em sẽ không có cơ hội học bổng nếu được nhận vào trường Y. Các em này sẽ chọn học ngành khác thực tế hơn. Bởi 120 triệu/năm học là khả năng quá cao để em và gia đình có thể đeo đuổi.
Sinh viên nghèo dồn thời gian đi làm thêm
Học phí tăng khiến nhiều sinh viên nghèo dồn hết thời gian vào bảng điểm hay làm thêm để kiếm tiền.
Đào tạo bác sĩ mất rất nhiều thời gian, thường ít nhất 10-11 năm để có một bác sĩ giỏi và tâm với nghề Y. Nghề Y cần các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội, và kiến thức rộng. Đây là những thứ không thể học bằng sách vở và không thể đánh giá bằng bảng điểm.
Tôi có cơ hội làm việc với nhiều sinh viên Y khoa tại Việt Nam học rất giỏi, có bảng điểm tuyệt đối, nhưng tính nhân ái, kiến thức xã hội, và cách đối xử với bệnh nhân của các bạn thì còn ngây ngô. Tôi từng viết và nói nhiều về sự cần thiết của tăng kiến thức xã hội, tiếng Anh chuyên ngành, và kỹ năng sống cho các sinh viên Y khoa Việt Nam.
Hiện nay, nhiều trường Y tại Mỹ đã bỏ cách tính điểm trong trường, đa số là trường đều chuyển thành pass/fail cho các môn học vì muốn sinh viên Y chú trọng vào kiến thức và kỹ năng, không chú trọng vào bảng điểm.
Đào tạo Y khoa tại Việt Nam hiện nay có thể ví dụ học phổ thông cấp 4 khi các em sinh viên phải học thi, thi học, rất vất vả, với điểm số là quan trọng nhất. Vì đây là tiêu chuẩn để được thi nội trú, để được thi cao học, và để được xin việc sau này.
Để tồn tại và có tiền đóng học phí, những sinh viên nghèo phải học ngày đêm để có điểm top hoặc đi làm thêm bên ngoài. Cả hai việc này đều sẽ không tạo ra một bác sĩ có tâm huyết.
Sinh viên thực hành soi kính hiển vi. (Ảnh: H.C)
Học phí cao nhất, thu nhập nhất nhất
Theo mức thang học phí mới như các trường dự kiến thu thì Y khoa tại Việt Nam sẽ là một trong những ngành có học phí cao nhất. Tính ra, chi phí học Y tại Việt Nam khoảng 5.000 USD, cao gần gấp đôi thu nhập trung bình một người dân Việt Nam 2.700 USD/năm.
Trong khi đó, lương bác sĩ khởi điểm khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, tương đương 200-300USD/tháng, khoảng 2.500-3.000 USD/năm. Mức lương này thuộc dạng thu nhập thấp nếu trên 10 năm đầu tư học hỏi.
Tại các nước khác, lương một bác sĩ trung bình cao hơn 4- 6 lần so với thu nhập trung bình của người dân, đền bù công sức đèn sách học hành hơn 10 năm.
Cuối cùng, ai sẽ được học Y tại Việt Nam?
Có thể chỉ còn những sinh viên rất giàu và những sinh viên rất nghèo nhưng học giỏi trên sách vở có thể tiếp tục học. Tuy nhiên, cả hai nhóm sinh viên sẽ cho ra những bác sĩ ở hai thái cực khác nhau. Cái chúng ta cần nhất là những bác sĩ có tâm với nghề Y và là những nhà lâm sàng giỏi, mà ngay từ đầu những sinh viên này có thể đã bị loại bỏ do học phí quá cao.
Giải pháp là gì?
Đó là cần hỗ trợ từ nhiều nguồn. Tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới, học y khoa là một trong những cách đầu tư chắc chắn và hiệu quả nhất. Vì vậy, các ngân hàng thường kết hợp với trường Y cho sinh viên vay tiền học. Dù lãi suất cao, nghiên cứu cho thấy đa số sinh viên y khoa sau khi ra trường đều có thể trả nợ (mặc dù mất khá nhiều thời gian).
Nhiều tỉnh miền Tây có chương trình hỗ trợ cho các sinh viên Y khó khăn học tại Sài Gòn nhưng các em sẽ cần nhiều hơn nữa do học phí đã tăng 5 lần.
Các hoạt động xã hội, nghiên cứu, kỹ năng khác nên có những học bổng tương tự.
Bên cạnh đó, tăng lương bác sĩ và trả lương bác sĩ nội trú. Lương trung bình của bác sĩ tại Việt Nam hiện nay chưa cao. Mặc dù có nhiều bác sĩ làm việc ở bệnh viện tư có mức lương rất cao, lương trung bình ở mặt bằng chung vẫn chưa xứng đáng với công sức bỏ ra trong hơn 10 năm học hành.
Cần loại bỏ học phí ở chương trình cao học hoặc bác sĩ nội trú. Các bác sĩ nội trú này có thể giam gia chữa bệnh và góp phần vào chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.