Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú cho hay, sau một thời gian dài đi đầu trong việc tự chủ về tài chính, đến nay trường tiếp tục được phê duyệt đề án tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế.
“Theo đó, trường có thể được thành lập thêm các tổ, ban, phòng, bộ phận. Theo quy định chung đối với các trường công lập bình thường, mỗi trường chỉ có 6 tổ gồm 5 tổ chuyên môn và một tổ hành chính. Nhưng với việc tự chủ, giờ đây trường chúng tôi có thể có nhiều hơn 6 tổ đó, tùy theo kế hoạch giáo dục. Ví dụ trường có thể có thêm tổ đồng hành sáng tạo giúp ban lãnh đạo trong việc nghiên cứu các khóa tập huấn cho giáo viên... Tất nhiên quyền là mình được thêm, song phải căn cứ trên nhu cầu thực tế”, ông Nhâm chia sẻ.
Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) là trường công lập đầu tiên được tự chủ cả về tổ chức bộ máy và biên chế. (Ảnh: Vietnamnet)
Về biên chế, nếu thấy cần thiết, trường có quyền và chủ động ký hợp đồng tuyển dụng. "Trước đây có một số vị trí việc làm không có trong danh mục nên không được tuyển dụng. Nhưng giờ đây chúng tôi được phép có thêm. Ví dụ như để quản lý học sinh cần giám thị, trước đây chúng tôi không được tuyển dụng đội ngũ này bởi không có vị trí việc làm. Nhưng giờ đây, hoàn toàn có thể có thêm vị trí việc làm này", ông Nhâm nói.
Ông Nhâm đánh giá, với quyết định này, trường được tạo hành lang pháp lý và quyền chủ động để tự chủ hơn trong việc vận hành kế hoạch giáo dục của mình.
Theo quyết định này, về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, căn cứ chương trình, kế hoạch dài hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú- Đống Đa được chủ động quyết định các biện pháp để tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động chuyên môn theo quy định pháp luật. Nhà trường tổ chức giới thiệu, lựa chọn các thành viên Hội đồng trường trình Sở GD-ĐT phê duyệt.
Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa trong một lần tới thăm và trao tặng tiền ủng hộ của giáo viên, học sinh nhà trường cho một số trường học khó khăn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: Vietnamnet)
Hiệu trưởng được tổ chức các hoạt động liên doanh, liên kết và hợp đồng với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về nghiên cứu khoa học, dịch vụ khoa học trong lĩnh vực GD-ĐT và các hợp đồng kinh tế khác, phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị.
Trường được chủ động quyết định việc vay, huy động, góp vốn; liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân bằng các hình thức xã hội hóa khác nhau để mở rộng cơ sở vật chất… đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức bộ máy, hiệu trưởng nhà trường được quyền quyết định kế hoạch biên chế và có trách nhiệm báo cáo kế hoạch biên chế để Sở GD-ĐT tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, giám sát. Hiệu trưởng quyết định kế hoạch sử dụng lao động hợp đồng làm việc tại đơn vị.
Về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tuyển dụng và tiếp nhận viên chức, lao động hợp đồng, nhà trường xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức, trong đó xác định rõ số lượng cần tuyển của từng ngạch, chức danh nghề nghiệp, điều kiện tiêu chuẩn, hình thức, thời gian tuyển dụng.
Hiệu trưởng tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển dụng viên chức theo đúng qui trình, qui định hiện hành của pháp luật. Hiệu trưởng được quyền tiếp nhận viên chức thuộc các đơn vị do TP quản lý có chức danh nghề nghiệp tương đương giáo viên THPT hạng II trở xuống.
Hiệu trưởng quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức đối với những người được tuyển dụng lần đầu.
Hiệu trưởng quyết định điều động, biệt phái luân chuyển, chấm dứt hợp đồng làm việc đối với lao động hợp đồng và viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của trường từ chức danh nghề nghiệp tương đương giáo viên THPT hạng II trở xuống.
Về việc nâng lương, Hiệu trưởng quyết định nâng bậc lương thường xuyên, phụ cấp thâm niên vượt khung, nâng bậc lương trước thời hạn, phụ cấp thâm niên nhà giáo, kéo dài thời gian nâng lương đối với viên chức và người lao động hợp đồng của đơn vị.