Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

GS lọt top ảnh hưởng nhất thế giới: Tự chủ đại học không phải là bỏ bộ chủ quản

(VTC News) -

GS.TSKH Nguyến Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội lọt vào top 10.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới nói về tự chủ đại học.

- Thưa GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, lọt top 10.000 Nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới, thầy có cảm xúc thế nào?

Cảm giác của tôi là rất bất ngờ, rất tự hào, phấn khởi và vinh dự khi là người Việt Nam được đứng trong bảng xếp hạng cao so với các đồng nghiệp quốc tế.

Trong danh sách xếp hạng này có rất nhiều nhà khoa học lớn, nổi tiếng của thế giới, cho thấy các nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có thể hội nhập và sánh ngang với các nhà khoa học quốc tế.

Đây cũng là thành quả của rất nhiều năm kiên trì, nỗ lực làm việc miệt mài của tôi và nhóm nghiên cứu và đã được đền đáp bằng sự rút ngắn khoảng cách với các nhà khoa học trên thế giới.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đứng đầu trong 3 nhà khoa học Việt Nam lot top 10.000 Nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới.

- Tự chủ đại học phải dựa trên lợi ích 3 nhóm: người học, trường học, cơ quan quản lý. GS bình luận thế nào về ý kiến này?

Tự chủ đại học phải giải quyết được bài toán hài hòa quan hệ giữa cơ quan quản lý, nhà trường và người học. Nhưng như vậy thôi chưa đủ. Còn phải đáp ứng yêu cầu của xã hội và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nếu chúng ta đem mô hình lợi ích 3 nhóm đó mà đặt trong bối cảnh xã hội và thực tiễn không phù hợp thì quá trình triển khai tự chủ không khả thi và cũng sẽ gặp nhiều vướng mắc.

Yêu cầu của xã hội là sản phẩm đào tạo của trường đại học phải có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cho sự phát triển của đất nước. Đây chính là chuẩn đầu ra của sản phẩm đào tạo, là thước đo và chuẩn mực để từ đó chúng ta đưa ra những mô hình và lộ trình tự chủ phù hợp.       

- Tự chủ đại học có phải là các trường tự túc không, thưa GS?

Hiện nay rất nhiều người đang hiểu tự chủ là các trường tự túc. Nhưng hiểu như vậy là phiến diện, không đúng với tự chủ đại học và sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại về hoạt động của nhà trường và chất lượng giáo dục.

Bài học của Nhật Bản và nhiều nước khác cho thấy tự chủ đại học không có nghĩa Nhà nước cắt toàn bộ kinh phí cho các trường. Ở Nhật bản khi thực hiện tự chủ, Nhà nước chỉ giảm mỗi năm 1% ngân sách cấp. Nhưng quan trọng nhất là các trường đại học quốc lập đã phát huy cao nhất sự năng động, sáng tạo và tính linh hoạt trong các hoạt động, gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu, thúc đẩy khoa học công nghệ và kinh tế phát triển, thích ứng được với những biến động và yêu cầu của thời đại.

Từ đó làm cho Nhật Bản luôn giữ vững được lợi thế cạnh tranh, trở thành một trong những nền kinh tế lớn hàng đầu của thế giới. Đồng thời tự chủ đại học cũng giúp cho Nhà nước giảm được gánh nặng ngân sách.

- Làm sao để tự chủ đại học đảm bảo cơ chế cho người nghèo, người khuyết tật, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội hưởng thụ nền giáo dục đại học bình đẳng, kể cả chương trình tiên tiến, chất lượng cao?

Để làm được điều này, kinh nghiệm cho thấy Nhà nước cần có những chính sách học bổng hỗ trợ cho những đối tượng này.

Nhà nước và các trường đại học cần có những chính sách để cấp học bổng cho những sinh viên tài năng và có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, nguồn vốn từ các ngân hàng xã hội với các chính sách cho vay ưu đãi dành cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là giải pháp khả thi và hữu hiệu.

Các trường đại học cần huy động các nguồn hỗ trợ học bổng cho những đối tượng này từ các doanh nghiệp, các địa phương cũng là bài học và mô hình hay mà chúng ta có thể phát huy để có thêm nguồn lực chung tay với nhà trường và gia đình.

-Các trường thực hiện tự chủ đại học, quyền hạn của các trường và các cơ quan chủ quản (Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh) như thế nào?

Nhiều ý kiến cho rằng tự chủ đại học là bỏ cơ quan chủ quản, với thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, nhiều văn bản chồng chéo, tôi cho rằng nếu bỏ vai trò của cơ quan chủ quan, chúng ta sẽ có nhiều vấn đề không khả thi trong quá trình thực hiện tự chủ. Một ví dụ đơn giản là đầu mối thi đua khen thưởng. Không qua cơ quan chủ quản, chẳng lẽ các trường đều làm việc trực tiếp với Ban thi đua khen thưởng Trung ương?

Vì vậy, về mặt triết lý, vấn đề đặt ra không phải các trường đại học được tự chủ hay chưa được tự chủ. Mà tự chủ đại học là xu thế tất yếu với tất cả các trường đại học, nhất là các trường đại học công lập, và tùy từng điều kiện, nguồn lực, từng trường đại học có thể thực hiện quyền tự chủ từng bước đến mức độ nào để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Trong điều kiện Việt Nam như hiện nay, tự chủ đại học không có nghĩa là bỏ bộ chủ quản, bỏ khái niệm cơ quan chủ quản, mà vấn đề then chốt là cơ chế vận hành mối quan hệ giữa bộ/cơ quan chủ quản với trường đại học (có thể được thực hiện thông qua Quy chế về tự chủ đại học do Chính phủ ban hành) nên đổi mới và thực thi như thế nào để thực hiện tốt mục tiêu mà chúng ta đã đề ra. Đây là điều mà tôi thấy chúng ta còn lúng túng và phải tập trung giải quyết trong thời gian tới.

- GS có thể chỉ ra nhiều vướng mắc thực hiện quyền tự chủ đại học?

Những vướng mắc trong tự chủ đại học được thể hiện ở những chồng chéo trong các văn bản luật và các quy định hiện nay của một số bộ ngành và đã có nhiều ý kiến về vấn đề này. Ví dụ các trường đại học công lập chưa được bổ nhiệm ngạch bậc lương cho các GS/PGS giảng viên cao cấp mà vẫn phải qua Bộ Nội vụ.

Một ví dụ, chẳng hạn quy định mở đào tạo bậc cử nhân sau 2 khóa tốt nghiệp mới được mở đào tạo bậc sau đại học, và tất cả các trường đại học phải thực hiện theo Quy chế đào tạo của Bộ, trong khi thực tế là có một số ngành/chuyên ngành lại chỉ phù hợp đào tạo ở bậc thạc sỹ và tiến sỹ và không nên mở ở bậc đại học. Hoặc việc đào tạo thạc sỹ cho các địa phương, phục vụ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của các địa phương cũng phải xin phép Bộ.

Hiện nay 2 Đại học quốc gia (ĐHQG) đã được ban hành Quy chế đào tạo riêng, nhưng lại quy định không được trái với các quy định trong Quy chế hiện hành, trong khi bối cảnh 4.0, việc đào tạo có tính liên ngành, xuyên ngành và cá thể hóa, nhiều vẫn đề nảy sinh từ thực tiễn Quy chế chưa lường hết được, thì hoàn toàn có thể yên tâm cho phép 2 ĐHQG được xây dựng và ban hành Quy chế đào tạo riêng, tiên phong và thí điểm, Quy chế này có thể có những điểm khác với Quy chế của Bộ.

Về mức học phí, Điều 65 của Luật giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 quy định các trường đại học công lập chưa tự chủ phải thực hiện mức thu học phí theo quy định của Chính phủ, và đến nay đã 2 năm ban hành Luật giáo dục đại học sửa đổi, mức quy định mới này vẫn chưa ban hành, vẫn thực hiện thu học phí theo Nghị định 86 cũ, do vậy chưa tạo điều kiện cho các trường đại học, nhất là các trường lớn, mạnh và đang trên đà có thể tự chủ (như một số trường đại học thành viên của ĐHQG) được thu học phí theo định mức hạch toán đủ để thu hút nhân tài và đảm bảo chất lượng đào tạo như kỳ vọng, trong khi kinh phí đầu tư của Nhà nước còn hạn hẹp.

Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cần cơ ché tự chủ cao nhất và mạnh nhất. 

- Đại học Quốc gia Hà Nội đang thực hiện tự chủ thế nào, thưa GS?   

Hai ĐHQG là cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, có đơn vị thành viên lâu đời, có đơn vị thành viên mới còn non trẻ, vì vậy, đối chiếu với các quy định và tiêu chí về tự chủ đại học hiện nay, thì một số trường đại học thành viên có bề dày và truyền thống, đào tạo những ngành “hot” sẽ dễ đạt tiêu chí tự chủ hơn cả ĐHQG.

Trong khi ĐHQG rất cần cơ chế tự chủ cao nhất và mạnh nhất. Đó là một bất cập cần được tháo gỡ bằng quy chế về tổ chức và hoạt động của 2 ĐHQG trong thời gian tới.

Trong khi chờ đợi một quy chế như vậy, những cơ sở giáo dục đào tạo thành viên của ĐHQG Hà Nội như Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Ngoại ngữ và ngay cả trường ĐH Y dược mới được thành lập có sức hút rất lớn đối với người học và quan tâm của xã hội, hoàn toàn có thể thực hiện tự chủ sớm.

Khi một đơn vị tự chủ, thì sẽ kéo theo nảy sinh một số vấn đề cần quan tâm giải quyết, chẳng hạn như cơ chế và quan hệ, sự chia sẻ nguồn lực giữa các đơn vị, giữa đơn vị tự chủ với các đơn vị đào tạo khác chưa tự chủ sẽ như thế nào? Sự chỉ đạo và điều hành của ĐHQG Hà Nội với các đơn vị tự chủ sẽ như thế nào? Cần tránh hiện tượng các trường tự chủ như một “bờ cõi riêng”, khi đó sẽ không phát huy được thế mạnh của mô hình ĐHQG.

Xin trân trọng cảm ơn GS!

MAI THY

Tin mới