Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trưởng ban Đối ngoại Trung ương: 'Khát vọng phồn vinh của Việt Nam rất lớn'

(VTC News) -

“Khát vọng phồn vinh” của Việt Nam rất lớn và hoạt động đối ngoại là một thành tố quan trọng để làm nên thành công đó.

Chiều 27/1, trả lời báo chí bên lề hành lang Đại hội XIII, ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương có chia sẻ về những chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới.

- Xin ông cho biết những điểm cơ bản trong chính sách đối ngoại của Việt Nam trong vòng 5 năm tới? 

Đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chính phủ Việt Nam có sự kế thừa. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế.

Việt Nam sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. 

Trong những thập niên vừa qua và ngay cả trong nhiệm kỳ đại hội lần thứ XII, Việt Nam đã rất nỗ lực hội nhập quốc tế, hội nhập một cách sâu rộng hơn. Hiện nay, Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với nhiều nước cùng như tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương.

Với tinh thần đó, đường lối đối ngoại của Việt Nam rất rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, luôn muốn cống hiến giúp thế giới an toàn hơn, thịnh vượng hơn và nhân dân hạnh phúc hơn. 

Việt Nam luôn luôn ủng hộ các sáng kiến hoặc là liên kết quốc tế và khu vực. Bất cứ quốc gia nào có thiện chí, có trách nhiệm, chúng ta luôn luôn ủng hộ vì chúng ta ý thức được rằng các quốc gia và nhân dân các nước trong khu vực đều hướng tới một mục tiêu là hòa bình, ổn định và phát triển.

Biển Đông hiện đang là một vấn đề và chúng tôi mong muốn cùng nỗ lực của cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề đó. 

Ngay trong văn kiện lần này có nhắc tới việc "tăng cường song phương, nâng tầm đa phương", có nghĩa là cần hiệu quả hơn các mối quan hệ song phương của Việt Nam, trong đó gia tăng sự tin cậy chính trị, củng cố nền tảng hữu nghị và làm thế nào để hợp tác đạt kết quả cao hơn. Hiện nay, Đảng cũng có nghị quyết để nâng cao tầm quan hệ đa phương của Việt Nam với tinh thần Việt Nam không chỉ là một quốc gia tích cực tham gia các cơ chế đa phương mà còn phải là một quốc gia chủ động tham gia cơ chế đa phương, trong đó có việc chủ động nêu các sáng kiến đa phương, chủ động tham gia vào các sáng kiến đa phương. 

Đây được xem là bước đột phá trong chủ trương đối ngoại và Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ tới.

- Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc những năm vừa qua?

Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng, có rất nhiều điểm tương đồng, có cùng hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản lãnh đạo và hai nước có mối quan hệ hữu nghị. Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc là thành tố quan trọng trong quan hệ hai nước, hai đảng có quan hệ từ trong lịch sử. Và trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, quan hệ tính đảng giữ vai trò nền tảng chính trị, có tính chất định hướng cho quan hệ giữa hai nước.

- Xin ông cho biết trọng tâm quan hệ đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới, liên quan đến 10 năm tới và đến năm 2045?

Hiện nay, đường lối đối ngoại của Việt Nam là đa phương hóa, đa dạng hóa. Thứ nhất, Việt Nam là quốc gia tham gia gần 20 FTA, có nghĩa là không gian thương mại của chúng ta rất lớn. 

Điều này có nghĩa là Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế với chất lượng cao hơn, khai thác sự hợp tác, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc đổi mới của Việt Nam.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, tạm gọi là giai đoạn 35 năm đổi mới. Thời gian vừa qua là giai đoạn chúng ta còn rất nhiều khó khăn, Việt Nam phải tìm đường, xây dựng. Giờ đây, Việt Nam chuyển sang giai đoạn cao hơn, đó là giai đoạn hiệu quả. Do đó, việc hợp tác quốc tế cũng phải phù hợp với tình hình mới, làm sao đó việc hợp tác phải chặt chẽ hơn, hiệu quả và thiết thực hơn.

Thứ hai, khi không gian thương mại và đầu tư Việt Nam mở rộng như vậy sẽ đòi hỏi sự tương thích, nỗ lực của Việt Nam, phát huy sức mạnh nội lực và tận dụng nguồn lực bên ngoài.

Mục tiêu đến năm 2030 và 2045, tôi nói một từ rất gọn đó là “khát vọng phồn vinh” của Việt Nam rất lớn. Hoạt động đối ngoại là một thành tố quan trọng để làm nên thành công đó.

- Trong mấy ngày qua số tin điện của các chính Đảng và bạn bè quốc tế gửi đến Việt Nam tại đại hội XIII cao hơn rất nhiều so với số tin điện của đại hội XII, điều đó nói lên điều gì, thưa ông?

Đại hội Đảng XII có 253 thư điện của các chính Đảng, nguyên thủ các nước, các tổ chức quốc tế chúc mừng đại hội. Nhưng lần này, đến nay chúng tôi đã nhận được gần 350 thư điện của các chính Đảng, các nguyên thủ và các tổ chức quốc tế.

Tôi tin kết thúc đại hội sẽ đạt trên dưới 400 thư điện. Đây là con số kỷ lục trong tất cả các lần đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó muốn nói bạn bè quốc tế rất tin cậy, chia sẻ, dành cho Việt Nam tình cảm và sự hữu nghị. Đấy là sự động viên rất lớn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa là vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam đang từng bước được nâng cao.

Trân trọng cảm ơn ông!

Duy Thành- Song Hy - Kông Anh

Tin mới