Kết thúc phiên giao dịch tuần trước, giá vàng thế giới niêm yết ở mức 2.391,77 USD/ounce, tương đương khoảng 73,2 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng trong nước trước ngày diễn ra phiên đấu thầu gần 17.000 lượng vàng cũng ghi nhận không có sự biến động.
Cụ thể, lúc 20h ngày 21/4, giá vàng tại Doji được niêm yết ở mức 81,65 - 83,85 triệu đồng/lượng (mua - bán), không có biến động so với đầu giờ sáng.
Cùng thời điểm, giá vàng tại SJC được niêm yết ở mức 82 triệu đồng/lượng và bán ra 84 triệu đồng/lượng (mua - bán), cũng không ghi nhận sự biến động.
Như vậy, với việc đang neo ở mức 83,85 - 84 triệu đồng/lượng bán ra, giá vàng miếng SJC của Việt Nam đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng hơn 10 triệu đồng/lượng.
Giá vàng không nhiều biến động trước ngày đấu thầu vàng miếng. (Ảnh minh họa: Minh Đức)
Theo các chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy vàng trong kho dự trữ ngoại hối ra tăng cung để bình ổn thị trường mà chưa cấp phép nhập khẩu vàng là hợp lý trong bối cảnh tỷ giá tăng cao và dự trữ ngoại hối có hạn như hiện nay.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, việc đấu thầu 16.800 lượng vàng cơ bản có thể đủ "hạ nhiệt" thị trường vàng miếng trong giai đoạn hiện nay.
"Tôi cho rằng mức 16.800 lượng vàng nếu cung ra thị trường sẽ giải quyết nhanh chóng nhu cầu thị trường. Chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới chắc chắn co lại", ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, mức giá các doanh nghiệp đưa ra đấu thầu chắc chắn cao hơn giá tham chiếu của Ngân hàng Nhà nước là 81,8 triệu đồng/lượng. Dự đoán về mức giá, ông Phương cho rằng sẽ xoay quanh ngưỡng 82,3 - 82,5 triệu đồng/lượng.
Phân tích cụ thể hơn, ông Phương cho biết, giá vàng hiện giao dịch ở ngưỡng 82,7 - 83,3 triệu đồng/lượng, nên mức giá đấu thầu 82,5 triệu đồng doanh nghiệp hoàn toàn chấp nhận được.
"Doanh nghiệp chắc chắn sẽ đưa ra mức giá hợp lý để đấu thầu, tất nhiên, mức giá này phải phù hợp, còn nếu cao hơn thị trường thì họ sẽ không mua ở đấu thầu", ông Phương cho hay.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam đánh giá, đấu thầu vàng là một trong những giải pháp để tạo nguồn cung nhanh nhất cho vàng miếng SJC.
Theo ông Khánh, để hạ "cơn sốt” giá vàng hiện nay, đấu thầu vàng miếng là biện pháp cần thiết. Đây không phải lần đầu tiên diễn ra các phiên đấu thầu vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước từng sử dụng giải pháp này năm 2013, với hàng chục phiên.
Ông Khánh cho rằng việc đấu thầu vàng miếng chắc chắn sẽ giảm được chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cũng cho rằng, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường.
"Đương nhiên, mức giá trúng thầu sẽ thấp hơn giá thị trường hiện nay, song tôi cho rằng, sẽ không thấp hơn đáng kể so với giá thị trường vì người đưa ra giá cao nhất mới trúng thầu. Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để bổ sung nguồn cung vàng nhanh nhất ra thị trường, chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý", ông Hiển nhấn mạnh.
NHNN thông báo sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng vào 10h sáng 22/4 tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước, một lô giao dịch được quy định là 100 lượng.
Vàng miếng được đấu là vàng SJC do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sản xuất.
Theo quy chế đấu thầu, vàng miếng sẽ được đấu thầu theo giá, tỷ lệ đặt cọc là 10%, giá tham chiếu để tính giá trị cọc là 81,8 triệu đồng/lượng.
Khối lượng đấu thầu tối thiểu của mỗi thành viên được phép đặt thầu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng), khối lượng đấu thầu tối đa là 20 lô (tương đương 2.000 lượng).
Bước giá dự thầu nhà điều hành đưa ra là 10.000 đồng/lượng, trong khi bước khối lượng dự thầu là 1 lô (tương đương 100 lượng). Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố.
Giờ thanh toán tiền mua vàng là trước 16h ngày tổ chức tín dụng, doanh nghiệp thanh toán tiền cho NHNN.