Chiều 19/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng vào 10h ngày 22/4 tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Trước thông tin này, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, việc đấu thầu 16.800 lượng vàng cơ bản có thể đủ "hạ nhiệt" thị trường vàng miếng trong giai đoạn hiện nay.
"Tôi cho rằng mức 16.800 lượng vàng nếu cung ra thị trường sẽ giải quyết nhanh chóng nhu cầu thị trường. Chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới chắc chắn co lại", ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, mức giá các doanh nghiệp đưa ra đấu thầu chắc chắn cao hơn giá tham chiếu của Ngân hàng Nhà nước là 81,8 triệu đồng/lượng. Dự đoán về mức giá, ông Phương cho rằng sẽ xoay quanh ngưỡng 82,3 - 82,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng sẽ hạ nhiệt khi đấu thầu vàng. (Ảnh: Công Hiếu)
Phân tích cụ thể hơn, ông Phương cho biết, giá vàng hiện giao dịch ở ngưỡng 82,7 - 83,3 triệu đồng/lượng, nên mức giá đấu thầu 82,5 triệu đồng doanh nghiệp hoàn toàn chấp nhận được.
"Doanh nghiệp chắc chắn sẽ đưa ra mức giá hợp lý để đấu thầu, tất nhiên, mức giá này phải phù hợp, còn nếu cao hơn thị trường thì họ sẽ không mua ở đấu thầu", ông Phương cho hay.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam đánh giá, đấu thầu vàng là một trong những giải pháp để tạo nguồn cung nhanh nhất cho vàng miếng SJC.
Theo ông Khánh, để hạ "cơn sốt” giá vàng hiện nay, đấu thầu vàng miếng là biện pháp cần thiết. Đây không phải lần đầu tiên diễn ra các phiên đấu thầu vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước từng sử dụng giải pháp này năm 2013, với hàng chục phiên.
Ông Khánh cho rằng việc đấu thầu vàng miếng chắc chắn sẽ giảm được chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra kế hoạch đấu thầu vàng chắc chắn sẽ tác động tới nguồn cung và giá vàng.
"Ngân hàng Nhà nước đẩy một khối lượng vàng vào thị trường sẽ làm giảm nhiệt "cơn sốt" hiện nay. Hiện tại, nguồn cung hạn chế và sức cầu tăng cao, tạo nên sự bất ổn trên thị trường vàng, đẩy giá vàng lên. Vì vậy, khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu, đưa một lượng vàng lớn vào lưu thông chắc chắn nó sẽ làm giá vàng giảm", ông Hiếu nhận định.
Tương tự, GS.Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, qua vài lần đấu thầu, giá vàng sẽ hạ nhiệt.
Khi đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ không cần phải áp dụng biện pháp đấu thầu để điều tiết thị trường nữa, chỉ cần cơ chế cấp hạn ngạch nhập khẩu đối với thị trường để doanh nghiệp kinh doanh vàng có nguồn nguyên liệu sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để giảm bớt mất cân đối cung-cầu, còn việc xóa bỏ chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế phải cần tới biện pháp thương mại đó là cho nhập khẩu vàng.
TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc đấu thầu vàng miếng chỉ là giải pháp có thể tạo ra tác động tâm lý trong ngắn hạn.
Xoá bỏ chênh lệch giá vàng trong nước và vàng thế giới cần biện pháp thương mại, đó là giải pháp căn cơ và theo thông lệ quốc tế. Tức là sẽ cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng, dùng thuế, hải quan điện tử để quản lý.
Cũng có cùng nhận định, TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cũng cho rằng, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường.
"Đương nhiên, mức giá trúng thầu sẽ thấp hơn giá thị trường hiện nay, song tôi cho rằng, sẽ không thấp hơn đáng kể so với giá thị trường vì người đưa ra giá cao nhất mới trúng thầu. Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để bổ sung nguồn cung vàng nhanh nhất ra thị trường, chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý", ông Hiển nhấn mạnh.