Sau khi chịu thương vong trong cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan với Quân đội Ấn Độ vào năm 2020, Trung Quốc đã đẩy nhanh việc xây dựng đường cao tốc mới gần biên giới căng thẳng với Ấn Độ. Đường cao tốc mới (G216) sẽ giúp Trung Quốc huy động nhanh chóng lực lượng trong tình huống xảy ra đối đầu như lần đụng độ vào năm 2020.
Đường cao tốc mới được các chuyên gia EurAsian Times ví von là “giấc mơ cũ của Trung Quốc” và được coi là sự thay đổi chiến lược quan trọng trên khu vực biên giới với Ấn Độ kể từ năm 1950. Trước đó, Trung Quốc cũng đã xây dựng con đường cao tốc duy nhất (G219) ở Ladakh, tuy nhiên địa hình hiểm trở đã cản trở rất lớn đến kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực này.
Ở khu vực Ladakh, Trung Quốc lo ngại về đường cao tốc G219 (Akshai Chin), bởi nó chạy dọc theo toàn bộ biên giới phía tây và phía nam của Trung Quốc nối các khu vực Tân Cương với Tây Tạng; nó được xây dựng trên vùng đất Aksai Chin - khu vực đang tranh chấp với Ấn Độ.
Con đường cao tốc duy nhất này rất dễ bị quân đội Ấn Độ tấn công. Và giờ đây, Trung Quốc sắp loại bỏ được điểm yếu của mình bằng cách hoàn thành một tuyến đường thay thế được gọi là G216.
Bản đồ cho thấy hai tuyến đường G219 và G216 dọc biên giới Trung Quốc và Ấn Độ.
Con đường chiến lược
Kế hoạch xây dựng mạng lưới đường cao tốc có thể đưa quân đội Trung Quốc vào các “vùng nóng” trong tương lai và Bắc Kinh cũng đã công bố kế hoạch này vào tháng 7/2022 với mục đích tạo ra “những tuyến đường huyết mạch chiến lược kết nối Tân Cương và Tây Tạng”. Newsweek đã phân tích đoạn phim công khai cho thấy các đoạn mới của đường cao tốc G216, hiện có thể cho khách du lịch tiếp cận được Tân Cương.
Vào tháng 11/2023, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV tuyên bố mở một đường hầm mới từ Urumqi đến huyện Yuli, cả hai đều ở Tân Cương. Đường hầm được cho là dài nhất thế giới. Việc xây dựng đường hầm được tán dương nhiều trên mạng xã hội, nhưng tầm quan trọng chiến lược của nó là tiến bộ trong việc liên kết các khu vực ở biên giới tranh chấp với Ấn Độ ở Ladakh.
Trung Quốc đã đẩy nhanh quá trình xây dựng trên đường cao tốc G216 sau cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan vào tháng 5/2020 với Quân đội Ấn Độ. Hậu quả là quân đội của cả hai nước vẫn rơi vào thế đối đầu quân sự ở biên giới.
Trong trường hợp xảy ra một tình huống nữa như vậy, quân Trung Quốc sẽ không chỉ phụ thuộc vào đường G219 nữa, mà tuyến đường mới G216 sẽ giúp huy động lực lượng nhanh chóng và kịp thời.
Đường cao tốc G216 kết thúc gần biên giới Nepal, nó giúp Trung Quốc tăng cường sự hiện diện ngay cạnh vùng đệm duy nhất của Ấn Độ là Nepal, nhưng từ một hướng khác.
Công việc xây dựng đường cao tốc bắt đầu vào năm 1951 khi Chủ tịch Mao Trạch Đông muốn liên kết các tỉnh phía tây của đất nước. Việc liên kết các tỉnh này được coi là ưu tiên quốc gia. Tuy nhiên, một vụ phun trào núi lửa đã khiến việc xây dựng bị đình trệ.
Ấn Độ đang quan sát và củng cố khả năng phòng thủ của mình
Trung Quốc đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường bộ và đường sắt ở khu vực biên giới. Tướng MM Naravane (đã nghỉ hưu) chia sẻ với EurAsian Times khi trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc xây dựng đường cao tốc thứ hai trên khu vực này.
Tướng Naravane là Tư lệnh quân đội Ấn Độ trong Cuộc đụng độ Galwan năm 2020. Hồi ký của ông, “Four Stars of Destiny” (Bốn vì sao định mệnh), dự kiến phát hành vào năm 2024 sẽ cung cấp những chi tiết chưa từng có về cuộc giao tranh giữa hai lực lượng vào đêm 15/6/2020, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và thương vong, về phía Trung Quốc vẫn chưa được xác định.
Căng thẳng biên giới Trung Quốc và Ấn Độ 2020.
Trong cuốn hồi ký “Bốn vì sao định mệnh”, Naravane viết rằng “Họ (Trung Quốc) đã áp dụng chính sách ngoại giao chiến binh sói và chiến thuật cắt xúc xích ở khắp mọi nơi mà không bị trừng phạt, thách thức các nước láng giềng nhỏ hơn như Nepal và Bhutan,... Ấn Độ và Quân đội Ấn Độ phải chứng tỏ với thế giới rằng thế là đủ và sẽ ngăn chặn những hành động của Trung Quốc”.
Trước khi phát hành cuốn sách của mình, hãng thông tấn PTI của Ấn Độ cho biết cựu tư lệnh Quân đội Ấn Độ đã kể lại một cách hấp dẫn về cuộc xung đột khiến mối quan hệ giữa hai nước căng thẳng và khiến quân đội cả hai bên phải tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu dọc theo LAC.
Theo cựu Tư lệnh quân đội Ấn Độ, vụ đụng độ ở Thung lũng Galwan xảy ra do quân Trung Quốc từ chối dỡ bỏ hai căn lều dựng trên Điểm tuần tra 14 (PP-14). Ngược lại, Quân đội Ấn Độ đã dựng lều của mình trong khu vực chung. Ông nói thêm rằng sau khi bị từ chối, Quân đội Ấn Độ đã quyết định dựng lều ở cùng khu vực đó.
Cuộc đối đầu sau đó giữa hai bên đã khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Ban đầu, Trung Quốc phủ nhận có bất kỳ thương vong nào, chỉ thừa nhận cái chết của 4-5 nhân viên vài tháng sau đó.
Tuy nhiên, Tướng Naravane cho rằng con số này còn cao hơn dựa trên lời kể của những người lính Ấn Độ bị quân Trung Quốc bắt giữ. Naravane cũng đề cập đến một báo cáo của một nhóm các nhà nghiên cứu Australia khi họ đưa ra con số tử vong của người Trung Quốc lên ít nhất là 38. Một báo cáo khác của hãng tin TASS (Nga) đưa ra con số gần 45 người thiệt mạng.