Theo CNA, Trung Quốc sẽ cho Australia mượn những con gấu trúc khổng lồ "đáng yêu" mới để thay thế một cặp nổi tiếng không sinh sản trong hơn một thập kỷ sống cùng nhau, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tuyên bố vào ngày 16/6.
Vườn thú Adelaide ở thành phố cùng tên thuộc bang Nam Australia, là nhà của Wang Wang và Fu Ni từ năm 2009 khi chúng được Trung Quốc cho mượn như một phần của chương trình bảo tồn toàn cầu, đồng thời là công cụ trong chương trình "ngoại giao gấu trúc" của Bắc Kinh.
Cặp gấu trúc Wang Wang và Fu Ni ở vườn thú Adelaide. (Ảnh: Daily Mail)
Nuôi dưỡng và sinh sản gấu trúc con là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với loài sinh vật có khả năng sinh sản thấp này. Do đó, nỗ lực giúp cặp gấu trúc thụ thai ở vườn thú Adelaide, bao gồm cả việc sử dụng thụ tinh nhân tạo, đã nhiều lần thất bại.
Ông Lý cho biết Wang Wang và Fu Ni sẽ được hồi hương. Ông nói: "Wang Wang và Fu Ni đã xa nhà 15 năm. Tôi đoán chúng chắc hẳn rất nhớ nhà,vì vậy chúng sẽ trở về Trung Quốc trước cuối năm. Tuy nhiên, tôi có thể nói với các bạn rằng chúng tôi sẽ chuyển tới một cặp gấu trúc mới, cũng xinh đẹp, đáng yêu và dễ thương".
Trung Quốc sẽ cung cấp cho Australia những ứng cử viên để lựa chọn.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã hạ cánh ở Adelaide hôm 15/6, trong chuyến thăm kéo dài bốn ngày nhằm hàn gắn mối quan hệ sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ một loạt các lệnh trừng phạt thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu chính của Australia.
Tuyên bố trên là một dấu hiệu cho thấy những nỗ lực của Ngoại trưởng Australia Penny Wong nhằm ổn định mối quan hệ của nước này với Trung Quốc, sau rạn nứt ngoại giao với chính phủ bảo thủ trước đó.
Thủ tướng Lý Cường cho biết ông nhớ Ngoại trưởng Australia đã nhắc nhở ông hai lần trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái, rằng thỏa thuận cho mượn gấu trúc sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
"Chúng tôi đưa ra tuyên bố này để đáp ứng nguyện vọng của Bộ trưởng", ông Lý nói.
Adelaide là quê hương của Ngoại trưởng Wong và bà nói rằng chính những đứa con của bà sẽ "rất vui" trước tin tức này.
Bà cho biết: "Điều này có lợi cho nền kinh tế, có lợi cho việc làm của Nam Australia, có lợi cho du lịch và là biểu tượng của thiện chí".
Theo nhóm môi trường WWF, ước tính chỉ có khoảng 1.860 cá thể gấu trúc khổng lồ còn sót lại trong tự nhiên.
Dù đã được loại khỏi danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế vào năm 2016, gấu trúc khổng lồ vẫn phải đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng do mất môi trường sống.