Theo SCMP, những con chim rô bốt đang được sử dụng làm nhiệm vụ do thám ở một số khu vực tại Trung Quốc. Hiện có hơn 30 cơ quan quân đội và chính phủ đã triển khai những thiết bị bay không người lái nhìn giống chim bồ câu này ở ít nhất 5 tỉnh thành trong những năm gần đây.
Một trong những khu vực đầu tiên được ứng dụng công nghệ do thám độc đáo này là khu vực Tân Cương ở miền viễn Tây, Trung Quốc.
Trung Quốc đang phát triển một loại thiết bị bay do thám mới mô phỏng những con chim bồ câu. (Ảnh: SCMP)
Theo SCMP, chương trình chim gián điệp hay còn gọi là “Bồ câu” là dự án của ông Song Bifeng, một giáo sư tại Đại học Bách Khoa Tây Bắc ở Tây An, Thiểm Tây.
Yang Wenqing, phó giáo sư Học viện hàng không Tây Bắc và cùng trong nhóm với ông Song, nói: “Chúng tôi tin rằng công nghệ này có tiềm năng sử dụng trên quy mô lớn trong tương lai. Nó có một số ưu điểm nổi bật đáp ứng được yêu cầu máy bay không người lái trong lĩnh vực quân đội và dân sự” – bà nói.
Không giống những thiết bị bay với cánh và quạt cố định khác, thiết bị này mô phỏng hoạt động đập cánh của một con chim để thực hiện các thao tác trong không trung. Một nhà nghiên cứu khác của dự án cho biết mục đích là để phát triển một thế hệ máy bay không người lái mới với các đặc tính kỹ thuật lấy cảm hứng sinh học, để tránh bị phát hiện bằng mắt người và radar.
Động cơ trong con chim rô bốt này của Trung Quốc mô phỏng khoảng 90% chuyển động của một con bồ câu thật, tạo ra ít tiếng ồn và thậm chí giống thật đến nỗi những con chim thật cũng bay theo nó, nhà nghiên cứu này cho biết.
Đội nghiên cứu thực hiện khoảng 2.000 lần bay thử trước khi triển khai loại máy bay này ngoài thực tế. Công nghệ này có khả năng được sử dụng không chỉ trong lĩnh vực quân sự, mà còn trong phản ứng khẩn cấp trước thiên tai, bảo vệ môi trường và quy hoạch – ước tính một thị trường tương lai trị giá khoảng 10 tỷ Nhân dân tệ (1,54 tỷ USD), nhà nghiên cứu nói.
Video: Cảnh sát Trung Quốc chạy "thục mạng" khi gặp kẻ tấn công