Theo Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan, đây là điều kiện tiên quyết để Trung Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Theo đó, Australia muốn tận dụng nỗ lực gia nhập liên minh thương mại 11 quốc gia của Trung Quốc để cải thiện quan hệ song phương.
Trung Quốc chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP và đang vận động hành lang để giành được sự đồng thuận của các thành viên. (Ảnh: AP)
Trung Quốc chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào tuần trước và đang vận động hành lang để giành được sự đồng thuận của các thành viên, trong đó có Australia. Tuy nhiên, trước đó hai nước có một cuộc khẩu chiến, Trung Quốc còn đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa của Australia và đóng băng liên lạc với các chính trị gia cấp cao nước này trong nhiều tháng.
Giải thích về điền kiện của Australia, ông Tehan nói: "Khi tôi trở thành Bộ trưởng Thương mại hồi tháng 1, tôi đã viết thư cho người đồng cấp Trung Quốc để đề ra biện pháp tăng cường hợp tác giữa hai nước. Đến giờ tôi vẫn đang chờ hồi âm”.
"Một trong những điều quan trọng nhất khi đàm phán về tiến trình gia nhập CPTPP của bất kỳ quốc gia nào là bạn phải có khả năng trao đổi ở cấp bộ trưởng, nhìn vào mắt đối tác kinh tế của mình và nói về tiến trình đó".
Bộ trưởng Tehan nói thêm, Trung Quốc cần giải quyết các tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến một loạt biện pháp trừng phạt mang tính chính trị đối với hàng nhập khẩu của Australia.
"Tất cả các thành viên (của CPTPP) đều muốn chắc chắn rằng bất kỳ thành viên mới nào cũng sẽ đáp ứng, thực hiện và tuân thủ tiêu chuẩn của hiệp định, cũng như các cam kết tại WTO và các hiệp định thương mại hiện có của quốc gia đó”.
Trong tháng này, đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra đã vận động Australia ủng hộ Trung Quốc gia nhập CPTPP. Đại sứ quán khẳng định việc Trung Quốc gia nhập hiệp định "sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên CPTPP và phần còn lại của thế giới".
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương được ký kết bởi 11 quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2018. Đây là hiệp định thương mại tự do lớn nhất của khu vực và chiếm khoảng 13,5% nền kinh tế toàn cầu.