Liên quan tới với việc Trung Quốc gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Saori N. Katada - Giáo sư Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nam California có chia sẻ ngắn với VTC News.
- Tại sao Trung Quốc lại nộp đơn gia nhập CPTPP vào thời điểm này? Việc này liên quan tới sự việc Mỹ vừa thông báo thành lập liên minh mới với Anh, Australia (AUKUS) tại Ấn Độ-Thái Bình Dương không, thưa bà?
Thật khó để nói Trung Quốc cố ý nộp đơn xin gia nhập CPTPP ngay sau thông báo của Mỹ về liên minh với Anh, Australia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trên thực tế, cách đây 10 tháng, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc “đang cân nhắc thuận lợi” việc tham gia CPTPP.
Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy củng cố các thể chế để đẩy lùi tình trạng các nước rút các chuỗi cung ứng rời Trung Quốc. Với những thách thức phải đối mặt trong bối cảnh đại dịch, CPTPP có thể là một động lực khác để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc và tạo điều kiện cho cải cách ở nước này.
Trung Quốc chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hôm 16/9.
- Các nước thành viên CPTPP nhìn nhận thế nào về đề xuất của Trung Quốc, thưa bà?
Để trở thành một phần của CPTPP, Trung Quốc cần cái gật đầu của tất cả 11 thành viên CPTPP. Một số báo cáo lưu ý Australia - vốn đang bị cuốn vào cuộc xung đột với Trung Quốc sẽ không mấy hứng thú với sự tham gia của Bắc Kinh. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản cũng bày tỏ hoài nghi về khả năng Trung Quốc tham gia CPTPP.
Ngoài ra, với việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) dự kiến sẽ sớm có hiệu lực, việc tiếp cận thị trường Trung Quốc thông qua CPTPP không còn quá nhiều sức hút với các nước thành viên RCEP. Do đó, có lẽ chỉ có Canada, Mexico, Chile và Peru nhận được các ưu đãi khi tiếp cận thị trường Trung Quốc thông qua CPTPP.
- Vậy còn Mỹ thì sao?
Chắc chắn là Mỹ sẽ lo lắng về khả năng Trung Quốc gia nhập CPTPP trong bối cảnh chính quyền Biden để ngỏ khả năng có thể trở lại. Nếu Trung Quốc trở thành một thành viên của CPTPP, Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc khôi phục 22 điều khoản vốn bị đóng băng khi TPP chuyển thành CPTPP. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, rất khó để Mỹ gia nhập trở lại. Tổng thống Biden vẫn đang giải quyết các hậu quả sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và bắt đầu tập trung cho cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.
- CPTPP được lập ra để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc. Vậy nếu Trung Quốc là thành viên của hiệp định này, các giá trị cốt lõi của CPTPP liệu có bị mất đi, thưa bà?
Có khía cạnh đó. Nhưng với các nhà hoạch định chính sách thương mại ở Mỹ và Nhật Bản, họ từng tính tới chuyện để Trung Quốc tham gia TPP (tiền thân của CPTPP trước khi Mỹ rút khỏi hiệp định) bởi họ đã cấu trúc nó để buộc Trung Quốc phải tuân thủ các quy tắc tiêu chuẩn cao (lao động, môi trường, không trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ...). Vì vậy, miễn là các quy tắc của CPTPP được giữ nguyên vẹn, hành động tham gia CPTPP của Trung Quốc về mặt logic sẽ đáng được hoan nghênh.
- Có ý kiến cho rằng Trung Quốc muốn bắt đầu đàm phán trước khi Anh gia nhập hiệp định vì Anh có thể sẽ phủ quyết đơn xin của Bắc Kinh nếu London trở thành một phần của CPTPP. Bà đánh giá ra sao về nhận định này?
Cũng có khả năng này. Nhưng xét trên khía cạnh chính trị thương mại, tôi nghĩ Anh sẽ hoan nghênh việc Trung Quốc gia nhập CPTPP hơn là phản đối. Bởi nhờ đó, London có thể tiếp cận các ưu đãi khi gia nhập thị trường Trung Quốc.
- Xin cảm ơn bà!
Cũng trao đổi với VTC News về vấn đề này, chuyên gia luật Henry Gao - Đại học Quản lý Singapore nhận định một số thành viên của CPTPP như Australia, Canada và Nhật Bản có thể sẽ có những vấn đề cần giải quyết trước khi đơn xin của Trung Quốc được xem xét. Nhưng về lâu dài, họ sẽ chấp nhận đơn và bắt đầu các cuộc thảo luận.
Ông Gao nhận định Trung Quốc đã nghiên cứu việc nộp đơn xin gia nhập CPTPP một thời gian dài và việc công bố nó vào thời điểm ngay sau khi Mỹ tuyên bố thành lập AUKUS chỉ là ngẫu nhiên.
Cũng theo chuyên gia này, trong trường hợp Trung Quốc gia nhập CPTPP, hiệp định này có thể sẽ mất đi vai trò như một công cụ để kiềm chế Bắc Kinh.
“Nhưng phần lớn các quy tắc của hiệp định sẽ được giữ nguyên và việc Trung Quốc gia nhập và đồng ý với tuân thủ các quy tắc này sẽ tốt cho tất cả”, ông này cho hay.