“Đối thủ thách thức chiến lược hàng đầu của nước Mỹ đang tìm cách phát triển vũ khí không gian tiên tiến và đang đạt được những tiến bộ trong lĩnh vực khí tượng vệ tinh, du hành vũ trụ có người lái và thám hiểm vũ trụ bằng robot”, Tướng Stephen Whiting, chỉ huy Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, cho biết trong phiên điều trần ngày 29/2 của Ủy ban Quân lực Thượng viện.
Những cảnh báo của ông Whiting, được đề cập trong phiên điều trần về các ưu tiên ngân sách quân sự trong tương lai, nhấn mạnh sự tập trung của Washington vào Bắc Kinh như “mối đe dọa lớn nhất về kinh tế và an ninh”.
Tên lửa đẩy Trường Chinh-2F, mang theo tàu vũ trụ Thần Châu-17 và phi hành đoàn gồm 3 phi hành gia, cất cánh ở phía tây bắc Trung Quốc vào tháng 10/2023. (Ảnh: Bloomberg)
Kể từ năm 2018, hạm đội vệ tinh của Trung Quốc đã tăng gấp ba lần lên 359 hệ thống, tướng Whiting cho biết trong bài phát biểu. Ông nói thêm rằng một số vệ tinh mới được triển khai của Trung Quốc có thể hoạt động như “vũ khí phá vỡ quỹ đạo các tài sản của Mỹ”. Ông cũng cho biết Bắc Kinh đang phát triển “phương tiện bay siêu thanh” và các vũ khí không gian tiên tiến khác để vượt qua các hệ thống cảnh báo và phòng thủ tên lửa truyền thống.
Ông nói: “Trung Quốc đang phát triển năng lực không gian quân sự và đối phó không gian với tốc độ chóng mặt để ngăn chặn năng lực không gian của Mỹ cùng các đồng minh”.
Tướng Mỹ cho biết thêm: “Điều lo ngại nhất là việc Trung Quốc ngày càng chú trọng vào vũ khí không gian. Họ đã nghiên cứu kỹ lưỡng chúng ta và sự phụ thuộc của chúng ta vào không gian, đồng thời nhanh chóng xây dựng các chương trình để đe dọa cấu trúc vệ tinh của Mỹ”.
Theo chỉ huy Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, ý định của Trung Quốc thường bị che khuất bởi cái gọi là công nghệ lưỡng dụng hay các chương trình học thuật với hướng nghiên cứu mơ hồ, các hoạt động thương mại của nước này cũng có thể nâng cao năng lực quân sự.
Ông cũng tập trung vào Nga, nói rằng việc mất đi khả năng tấn công quân sự thông thường do cuộc xung đột ở Ukraine “sẽ khó khôi phục” và buộc Moskva phải "phụ thuộc nhiều hơn vào năng lực hạt nhân, mạng và không gian, bao gồm các công nghệ gây nhiễu" nhằm tạo ra "các con đường bất đối xứng để đạt được các mục tiêu chiến lược của họ".
Đầu tuần này, Trung Quốc đã công bố kế hoạch tăng đáng kể tốc độ dự kiến của các sứ mệnh không gian trong năm 2024, đưa quốc gia này trở thành bệ phóng năng động thứ hai thế giới, chỉ sau SpaceX của Elon Musk.
Trung Quốc kế hoạch thực hiện 100 vụ phóng để đưa hơn 300 tàu vũ trụ lên quỹ đạo vào năm 2024 – kỷ lục mới của nước này và tăng mạnh hơn 40% với năm ngoái.
Trong đó, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), nhà thầu không gian hàng đầu của nước này, sẽ thực hiện gần 70 sứ mệnh và đưa hơn 290 vệ tinh và tàu vũ trụ vào quỹ đạo.
Chính phủ Trung Quốc cũng đang xây dựng một tổ hợp phóng mới ở Hải Nam được thiết kế cho các sứ mệnh thương mại và muốn thực hiện sứ mệnh đầu tiên đưa con người lên Mặt Trăng trước năm 2030.