Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trung Quốc liên tục gây hấn với láng giềng nhằm mục đích gì?

(VTC News) -

Chuyên gia cho rằng, Trung Quốc lợi dụng thời cơ, liên tục gây hấn với các nước láng giềng, nhằm mục đích thực hiện tham vọng bá quyền.

Âm mưu bành trướng lãnh thổ

Gần đây, bất chấp phản ứng của dư luận, Trung Quốc ngang ngược thực hiện các hành vi gây hấn với các nước láng giềng, như đưa ra yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, ẩu đả với Ấn Độ ở biên giới… và mới đây nhất là đưa tàu ngầm vào vùng biển gần Nhật Bản, tự đặt tên cho các thực thể dưới nước ở vùng biển Hoa Đông, gần với quần đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Những hành vi này của Trung Quốc nằm trong mưu đồ của Bắc Kinh nhằm thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ trên biển và ở đất liền. Đặc biệt, Trung Quốc lợi dụng bối cảnh nhiều nước vẫn đang căng mình chống dịch COVID-19, tăng cường thị uy sức mạnh của nước lớn, để hiện thực hóa ý đồ bá quyền khu vực.

Đảo Phú Lâm thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc bồi đắp phi pháp. 

Chia sẻ với VTC News, ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Viêt Nam tại một số nước Trung Đông, thành viên Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam (VPDF) cho rằng các hành động gây hấn của Trung Quốc với các nước láng giềng được đẩy mạnh hơn từ sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền.

“Trung Quốc đang có những hoạt động ráo riết để gây ảnh hưởng trước thềm Đại hội đảng lần thứ 20 và nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng vào năm 2021.

Do đó, ông Tập Cận Bình muốn có những hành động cụ thể để tranh giành vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trên trường quốc tế, đồng thời nâng cao vị thế cá nhân của mình trước các sự kiện quan trọng của nước này tới đây”, Đại sứ Nguyễn Quang Khai nhận định.

ANH 6.jpg

Trong bối cảnh Mỹ và các cường quốc khác đang gặp khó khăn, Trung Quốc muốn lợi dụng thời cơ để vươn lên vị trí trở thành siêu cường số một thế giới. 

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, Trung Quốc đang lợi dụng thời cơ để tiến hành một loạt các hoạt động gây hấn đối với các nước láng giềng ở trên biển và trên đất liền. Đồng thời thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ ở khu vực, chiếm nguồn tài nguyên thiên nhiều giàu có từ những vùng có tranh chấp với các nước láng giềng.

“Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động gây hấn của mình đối với các nước trong thời điểm này. Bởi vì, sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền, quan hệ Mỹ và các đồng minh có nhiều bất đồng. Trong khi nội bộ NATO mâu thuẫn, mà như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng cho rằng NATO đang "chết lâm sàng".

Trong khi đó, bản thân nước Mỹ đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, đối đầu giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ đang ở cao trào. Và quan trọng, thế giới đang quan tâm, giành ưu tiên cho cuộc chiến chống COVID-19, nên không chú ý nhiều đến các động thái của Trung Quốc.

Vì thế, trong bối cảnh Mỹ và các cường quốc khác đang gặp khó khăn, Trung Quốc muốn lợi dụng thời cơ để vươn lên vị trí trở thành siêu cường số một thế giới. Chính sách của Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình là muốn cạnh tranh vai trò lãnh đạo thế giới với Mỹ”, chuyên gia nói.

Thiếu tướng, PGS-TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công An) cũng đánh giá tất cả những động thái của Trung Quốc cho thấy tham vọng bành trướng trên đất liền và độc chiếm ở Biển Đông.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, tham vọng này của Trung Quốc không bao giờ thay đổi, và nước này thường sẽ chọn thời điểm để có những hành động cụ thể. Các hành động của Trung Quốc xuất phát từ nhận thức thời cơ thuận lợi để hành động, trong tham vọng mở rộng bành trường lãnh thổ và độc chiếm Biển Đông.

“Trung Quốc lâu nay được coi là nước cơ hội, nhanh nhạy lợi dụng thời cơ. Bắc Kinh coi thời điểm này là thời cơ để thực hiện các hành động ngang ngược của mình. Bây giờ là thời cơ thuận lợi nhất để Trung Quốc gây hấn với Việt Nam và các nước khác. Bởi vì Mỹ dưới thời ông Donald Trump đang sa lầy trong 3 cuộc khủng hoảng về kinh tế, xã hội và COVID-19.

Rõ ràng, hành động của Trung Quốc với các nước láng giềng song nước này muốn xem phản ứng của Mỹ thế nào. Trên thực tế, phản ứng của Mỹ hiện nay khó có thể mạnh mẽ hơn, bởi Washington đang sa lầy vào những cuộc khủng hoảng rất khó khăn để có thể giải quyết một sớm một chiều”, PGS-TS Lê Văn Cương cho hay.

Tham vọng bá quyền từ lâu đời

Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai những hành động này của Trung Quốc không phải bây giờ mới có mà nó đã có từ trong lịch sử hàng nghìn năm của nước này, với chủ nghĩa “bánh trướng Đại Hán”.

Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ huy tập trận trên Biển Đông năm 2018. 

“Xung đột với Ấn Độ không phải bây giờ mới có, mà trong suốt quá trình lịch sử từ những năm 1960. Ngoài ra, năm 1969 có thêm xung đột biên giới với Nga ở đảo Damanski, và năm 1979 thực hiện chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam.

Liên tục từ đó đến nay, Trung Quốc luôn có các hành động gây hấn đối với các nước láng giềng, thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ, gia tăng ảnh hưởng, kiểm soát các tuyến đường vận tải quốc tế, biến các khu vực này thành vành đai an ninh của Trung Quốc, cũng như thực hiện sáng kiến ‘Vành đai, Con đường’, mở rộng vai trò của Trung Quốc trên thế giới”, ông Nguyễn Quang Khai cho hay.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, Cố vấn cao cấp Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế (CSSD) cho rằng, các hành động ngang ngược, khiêu khích các nước láng giềng của Trung Quốc có từ lâu, nằm trong tham vọng bành trướng, bà quyền của Bắc Kinh.

Cuộc đụng độ với quân đội Trung Quốc và Ấn Độ khiến nhiều binh sĩ thiệt mạng. (Ảnh: Thekashmirwalla)

“Trong lịch sử, Trung Quốc luôn sử dụng chiến lược gây hấn, gây áp lực với các nước láng giềng để triển khai chính sách, buộc các nước phải lắng nghe, thuần phục Bắc Kinh. Đấy là chính sách 2.000 năm các triều đại của Trung Quốc luôn thực thi. Thị uy, gây áp lực với các nước láng giềng để buộc các nước không được làm trái ý Trung Quốc.

Tại thời điểm này, trong nội bộ Trung Quốc có rất nhiều mâu thuẫn, từ việc tăng trưởng kinh tế suy giảm cho đến lòng tin của người dân đối với chính quyền không còn được như trước nên Bắc Kinh chủ ý đầy mâu thuẫn từ trong ra ngoài, hướng lái sự chú ý của dư luận”, Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường cho biết.

PGS-TS Lê Văn Cương nhận định, những hành động của Trung Quốc "thuộc về bản chất vốn có", không bộc lộ lúc này thì lúc khác. Cho dù thế giới có phản đối thế nào, Trung Quốc vẫn bất chấp để thực hiện tham vọng bá quyền, bành trướng của nước này.

Theo chuyên gia, Trung Quốc chắc chắn sẽ không dừng lại ở các hành đông khiêu khích, gây hấn của mình. Theo đó Trung Quốc sẽ tùy vào từng thời điểm để đưa ra các hành động ở các quy mô và mức độ khác nhau.

Các nước sẽ không ngồi yên

Đại sứ Nguyễn Quang Khai cho rằng, mặc dù Mỹ đang có những khó khăn trong nước, song Washington vẫn bày tỏ cam kết đồng hành cùng các đồng minh và các đối tác trong khu vực, đồng thời sẵn sàng có những đáp trả tương xứng trước hành động hung hăng, ngang ngược của Bắc Kinh.

Tàu chiến Indonesia áp sát tàu hải cảnh Trung Quốc (màu trắng) ở quần đảo Natuna hôm 12/1. 

Hôm 1/6, lần đầu tiên Mỹ gửi Công hàm chính thức lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ không chỉ phản Trung Quốc bằng lời nói mà còn bằng các hành động rất quyết liệt bằng quân sự để ngăn chặn hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Gần đây, Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Biển Đông để thách thức các hành động của Trung Quốc như đưa máy bay, tàu ngầm, tàu chiến, tàu sân bay…, tập trận chung với Australia và Singapore ở khu vực.

Và mới đây nhất là việc Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố Mỹ rút bớt quân ở Đức để gia tăng hiện diện ở Ấn Độ và Đông Nam Á, đối phó với mối đe dọa của Trung Quốc. Chắc chắn Mỹ đã có hành động nhanh chóng trên thực tế, nước này sẽ không ngồi yên trước hành động bá quyền của Trung Quốc”, Đại sứ Nguyễn Quang Khai nhấn mạnh.

Video: Thế giới chỉ trích Trung Quốc hung hăng ở biển Đông        

Theo PGS-TS Lê Văn Cương, song song với các hành động gây hấn của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2020, chính là làn sóng phản đối nước này từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, Indonesia, Malaysia… Đã đến lúc Trung Quốc cần phải đánh giá lại hành động của nước này, đúng sai đến đâu để có cách hành xử chuẩn mực.

“Trước các hành động gây hấn ở khắp nơi của Trung Quốc, hoạt động chống nước này nổi lên, phổ biến và có những điểm bất thường. Ngay cả Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng bắt tay với Trung Quốc 4 năm nay và quay lưng lại với Mỹ, cũng nhận ra rằng 4 năm đi với Bắc Kinh không mang lại lợi ích. Vì thế, Manila bắt đầu điều chỉnh chính sách đối ngoại, đánh giá lại quan hệ với Bắc Kinh.

Vừa qua, Indonesia có 2 công hàm (ngày 26/5 và ngày 2/6) lên Liên Hợp Quốc phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Động thái của Indonesia được gọi là quả bom nổ giữa trời quang, lần đầu tiên trụ cột ASEAN lên tiếng mạnh mẽ về các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đối với Mỹ, từ trước đến nay nước này luôn lên tiếng phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền trên Biển Đông và các hành động khác. Tuy nhiên, đó chỉ là những phát ngôn mang tính ngoại giao. Song lần này, Mỹ đã gửi Công thư cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, phản đối các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều đấy cho thấy, Mỹ sẽ không dễ dàng từ bỏ lợi ích của mình ở khu vực”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.

Kông Anh (Thực hiện)

Tin mới