Theo thông tin được công bố, Trung Quốc lo ngại rằng, việc các nhà leo núi từ cả hai phía giao tiếp với nhau sau khi chinh phục ngọn núi sẽ dẫn tới nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Khu trại căn cứ phục vụ chinh phục Everest bên phía Nepal đã ghi nhận trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 từ cuối tháng 4.
Dù mất nguồn thu từ du lịch nhưng Chính phủ Nepal đã hủy mùa leo núi xuân, thường kéo dài từ tháng 4 tới tháng 6 trước khi khu vực này bước vào những tháng mùa mưa.
Đỉnh Everest lúc hoàng hôn nhìn từ phía huyện Solukhumbu của Nepal (Ảnh: Reuters)
Hiện chưa rõ đường phân tách này sẽ được dựng lên như thế nào trên đỉnh núi vốn có diện tích chỉ bằng một chiếc bàn ăn, là khu vực rất nguy hiểm và không có chỗ trú chân này.
Theo thông tin mà Reuters công bố, một nhóm hướng dẫn viên leo núi người Tây Tạng sẽ lên Everest và triển khai lắp đặt “dải phân cách” để ngăn chặn bất cứ hoạt động giao lưu nào giữa các nhà thám hiểm từ hai phía của ngọn núi.
Thông tin này trước đó đã được người đứng đầu Sở Thể thao Tây Tạng khẳng định với hãng tin Trung Quốc Tân Hoa. Theo đó, 21 người quốc tịch Trung Quốc đang trên đường lên đỉnh Everest theo hướng từ Tây Tạng.
Tuy nhiên, thông tin mà Reuters công bố chưa làm rõ liệu các hướng dẫn viên người Tây Tạng sẽ là người thực thi “việc tách biệt” này hay khả năng họ sẽ lưu lại ở nơi được gọi là khu vực tử thần, khu vực từng xảy ra nhiều trường hợp thiệt mạng do thiếu oxy, để đảm bảo thực hiện việc chia tách.
Đỉnh Everest với chiều cao so với mực nước biển là 8.848m, là một gò tuyết nhỏ với không gian chỉ đủ cho khoảng hơn 10 người đứng cùng lúc. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm ngoái, Trung Quốc dừng cấp phép cho các nhà leo núi nước ngoài được chinh phục đỉnh Everest theo tuyến từ Tây Tạng do lo ngại nguy cơ lây nhiễm.
Du khách đến khu thắng cảnh Everest ở Tây Tạng cũng bị cấm đến thăm trại căn cứ nằm ở khu tự trị của Trung Quốc.
Ngày 9/5, Nepal ghi nhận thêm 8.777 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, đưa tổng số người mắc COVID-19 ở nước này kể từ đầu dịch lên hơn 394.000.