Các nhà quan sát quân sự cho biết con tàu mang tên Hải Nam dự kiến sẽ được triển khai ở Biển Đông, bên cạnh đó cũng có thể làm nhiệm vụ xung quanh Đài Loan.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin tàu được đưa vào hoạt động hôm 23/4 tại một buổi lễ có sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Buổi lễ diễn ra tại một căn cứ hải quân ở Tam Á, Hải Nam.
Ngoài tàu Hải Nam, được đưa vào biên chế cùng ngày còn có tàu khu trục Type 055 Đại Liên và Trường Chinh-18, một tàu ngầm hạt nhân có thể phóng tên lửa đạn đạo JL-1 và JL-2.
Đây là lần đầu tiên chỉ huy hàng đầu của Trung Quốc điều động 3 tàu chiến chủ lực lớn cùng một lúc.
Trung Quốc đưa tàu tấn công đổ bộ mới vào hoạt động. (Ảnh: Weibo)
Tàu Type 075 mới có thể chở khoảng 30 máy bay trực thăng và hàng trăm binh sĩ. Đây là tàu tấn công đổ bộ lớn nhất của Trung Quốc với lượng choán nước ước tính 40.000 tấn.
Trung Quốc sản xuất Type 075 như một phần của chương trình hiện đại hóa quân sự. Các máy bay trực thăng bọc thép Z-8J và Z-20J mà tàu này sẽ mang theo vẫn chưa sẵn sàng để sử dụng.
Tuy nhiên theo ông Song Zhongping, nhà bình luận các vấn đề quân sự tại Hong Kong và là cựu huấn luyện viên của quân đội Trung Quốc, tàu có thể chở nhiều loại trực thăng khác nhau, kể cả trực thăng cảnh báo sớm.
Theo chuyên gia, con tàu có thể thực hiện các chức năng tấn công, có thể được sử dụng để hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai trong thời bình.
Giới quan sát cho rằng tàu Type 075 mới có thể đóng vai trò chiến lược quan trọng hơn ở Biển Đông, gây lo ngại cho các nước trong khu vực.
Việc xây dựng quân đội của Bắc Kinh, kết hợp với các động thái khẳng định yêu sách trái phép ở Biển Đông, đã làm dấy lên sự phản đối trong khu vực và quốc tế. Mỹ nhiều lần cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông và cử tàu chiến, máy bay đến khu vực để tiến hành hoạt động tự do hàng hải. Bắc Kinh phản đối gay gắt hoạt động này.
Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu đến từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho biết việc triển khai tàu tấn công đổ bộ tiên tiến nhất của quân đội Trung Quốc có thể nhằm gửi thông điệp tới các nước.
Koh nhận định các nước láng giềng của Trung Quốc có thể cảm thấy cần phải ứng phó với “sự bất cân xứng gia tăng” về quân sự bằng cách nâng cấp lực lượng vũ trang và tìm kiếm sự hỗ trợ.
“Khi không chắc chắn về ý định chiến lược của Trung Quốc và xu hướng sử dụng biện pháp quân sự, con tàu này nhìn chung sẽ bị các nước trong khu vực cảnh giác hơn”, chuyên gia nói.
Căng thẳng gần nhất trên Biển Đông liên quan đến việc Trung Quốc neo đậu số lượng lớn tàu cá ở khu vực bãi Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Philippines cho rằng đây là các tàu "dân quân hàng hải", còn Trung Quốc khẳng định đây chỉ là tàu cá, dù giới quan sát nhận định ít khả năng các tàu này thực sự đánh bắt cá.