Theo hải quân Pháp, từ ngày 16-19/4, sau khi đi vào Biển Đông, các tàu đổ bộ trực thăng Tonnerre và tàu hộ vệ tàng hình Surcorf của Pháp tiến hành tuần tra chung với biên đội tàu hải quân Australia gồm tàu hộ vệ hạm HMAS Anzac và tàu hậu cần HMAS Sirus.
Thông cáo của hải quân Pháp cho biết: "Mục đích của đợt diễn tập nhằm giúp hải quân hai nước nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến, đồng thời tái khẳng định cam kết của Pháp và Australia trong bảo đảm tự do đi lại của tàu bè trong khu vực.
Pháp và Australia tập trận chung ở Biển Đông trong bối cảnh Pháp đẩy mạnh hiện diện ở khu vực. (Ảnh: Hải quân Australia)
Thực hiện nội dung diễn tập, tàu HMAS Sirius đã tiếp dầu cho hai chiến hạm Pháp. Sau đó, 4 tàu chiến hoạt động cơ động và trao đổi trực thăng, khi trực thăng Seahawk cất cánh từ hộ vệ hạm HMAS Anzac đáp xuống tàu đổ bộ Tonnerre.
Theo hải quân Pháp, cuộc tuần tra phối hợp này thể hiện mức độ hợp tác cao giữa hải quân Pháp và Australia. Sự hợp tác này là một phần của sự tiếp nối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, được ký kết vào tháng 2/2019 tại Canberra.
Cuộc tập trận chung giữa hải quân Pháp và Australia diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết. Mới đây, Nhật Bản cho biết, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (JGSDF) nước này sẽ tập trận chung cùng quân đội Mỹ và Pháp ở vùng Kyushu từ ngày 11-17/5.
Pháp có các vùng đặc quyền kinh tế bao quanh các lãnh thổ hải ngoại của nước này ở khu vực, trong đó có đảo Reunion ở Ấn Độ Dương và Polynesia ở Nam Thái Bình Dương..
Thời gian vừa qua, nhiều nước châu Âu ngày càng quan tâm đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với tiềm năng quân sự, quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác quốc phòng, Pháp bước đầu đã đưa ra những chính sách đối với khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng này, khi liên tục điều tàu chiến đến khu vực.
Ngoài Pháp, các cường quốc châu Âu khác như Anh và Đức cũng được cho là sẽ triển khai tàu chiến tới khu vực, thách thức các yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc. Sự tham gia ngày càng tăng của các cường quốc châu Âu vào địa chính trị khu vực phù hợp với các ưu tiên chiến lược của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Biden nhấn mạnh cam kết "làm việc với các đồng minh và đối tác" dựa trên "các quy tắc, luật lệ quốc tế".